Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư công đã được nâng lên rõ rệt
Kỳ Thành - 29/10/2018 16:42
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Luật Đầu tư công ra đời đã góp phần giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư công đã được nâng lên rõ rệt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội chiều 29/10 (Ảnh: Quốc hội)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội chiều 29/10 (Ảnh: Quốc hội)

Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tại phiên họp chiều nay (29/10) kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước khi có Luật Đầu tư công, tình trạng đầu tư rất phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư không xác định được nguồn vốn, nhiều dự án dở dang... đã để lại hậu quả nặng nề và chúng ta đang phải xử lý hậu quả của giải đoạn trước.

Luật Đầu tư công ra đời trước hết nhằm giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, tuy chưa xử lý được triệt để nhưng đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. Giai đoạn 2011-2015 đã khởi công, thực hiện gần 21.000 dự án nhưng trong kế hoạch 2016-2020 đã giảm xuống còn 9.620 dự án. Trong đó, có hơn 8.000 dự án của giai đoạn 2011 2-2015 chuyển tiếp sang giai đoạn 2016-2020.

“Chúng ta đã thực hiện giảm dàn trải, tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản hết 9.000 tỷ đồng, trả nợ phần vốn đã ứng trước kế hoạch trong giai đoạn cũ là hơn 50.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bên cạnh đó, sau khi ban hành Luật Đầu tư công chúng ta đã xử lý được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ sau 1/1/2015, nếu phát sinh nợ đọng cơ bản là vi phạm pháp luật. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư công đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những hạn chế đó là việc áp dụng Luật Đầu tư công trong thực tiễn cũng có những hạn chế như các đại biểu đã nêu là giao vốn chậm, giao nhiều lần...

Về phương hướng trong thời gian tới, ngoài việc đang trình Quốc hội để sửa luật này, thì đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ ban hành tại các Nghị định, Chính phủ đã ban hành Nghị định 120 để sửa 3 nghị định liên quan đến đầu tư công để từng bước khắc phục những bất cập, vướng mắc. Cùng với đó là ban hành 2 Nghị quyết 60/2016 và Nghị quyết 70/2017 để tháo gỡ một phần ách tắc rào cản.

Bên cạnh đó còn có đôn đốc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thành lập các đoàn công tác đi xuống các địa phương để thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, hướng dẫn các thủ tục.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị sửa các thể chế liên quan đến đầu tư công. Thứ hai là đồng bộ với các văn bản pháp luật khác. Thứ ba là phân cấp triệt để từ lựa chọn dự án, phân bổ vốn đến điều chỉnh vốn, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, khả năng tổ chức thực hiện… trên tinh thần là phân cấp triệt để cho các địa phương và bộ ngành. Thứ tư là vẫn phải đảm bảo giám sát chặt chẽ hiệu quả theo tinh thần của Luật Đầu tư công, gắn với công nghệ thông tin, công khai minh bạch nhiều hơn.

Trong nội dung sửa luật lần này sẽ đưa nội dung gắn trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, thực hiện liên quan đến các khâu, các đoạn của phân bổ vốn và giải ngân vốn, đặc biệt là người đứng đầu.

Đề cập đến kế hoạch 5 năm, Bộ trưởng Dũng khẳng định đây là bước mang tính đột phá rất lớn. Do trước đây xây dựng kế hoạch hàng năm nên đã xảy ra tình trạng “ăn đong”, xin - cho, vốn ít dự án nhiều, dẫn đến dàn trải, nợ đọng…

Theo phương pháp hiện nay là làm theo kế hoạch 5 năm kết hợp hàng năm, tức là trong 5 năm có bao nhiêu tiền để chủ động chọn lựa dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiệu sao cho hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đây là kế hoạch, còn chi thực tế phụ thuộc ngân sách trên cơ sở thu thực tế hàng năm.

Thứ hai là Luật Đầu tư công trước đây quy định lập dự án rồi đi xin vốn, nhưng bây giờ phải xác định có bao nhiêu vốn mới lập dự án. Các bước tiếp theo là thẩm định quy trình, đưa vào kế hoạch trung hạn, quyết định chủ trương đầu tư, giao vốn hàng năm… là quy trình đã được ban hành chặt chẽ.

Kế hoạch 5 năm đã tránh tình trạng “cắt khúc”, tăng tính khả thi của kế hoạch, tăng được tính dự báo, giảm cơ chế xin cho.

Tuy nhiên, cách làm này cũng có mặt hạn chế là khó điều chỉnh linh hoạt.

Thứ ba là về nguồn lực, nhu cầu đầu tư phát triển của nước ta là rất lớn nhưng khả năng ngân sách có hạn. “Đây là bài toán rất khó để cân đối và hài hòa được”, Bộ trưởng Dũng nói. Do đó, Bộ trưởng Dũng kiến nghị cho phép sử dụng vốn dự phòng trong một số trường hợp cấp bách của các bộ ngành, địa phương.

Kiên quyết giữ tổng mức đầu tư công 2 triệu tỷ đồng
Kết luận Phiên thảo luận về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Phó chủ tịch Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư