Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh
Thế Hoàng - 04/12/2024 14:16
 
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” đề cập nhiều vấn đề "nóng" với các ngành xuất khẩu nội địa trước những quy định bắt buộc của các quốc gia nhập khẩu về phát triển bền vững.
 Ông Andri Meier, Phó trưởng Ban hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam
Ông Andri Meier, Phó trưởng Ban hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.



Bối cảnh thương mại quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ hơn, yêu cầu về phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành bắt buộc, các quy định mới về thương mại bền vững từ các nhà nhập khẩu đang đặt ra bài toán chuyển đổi sản xuất gấp gáp hơn với các quốc gia có quy mô thương mại lớn như Việt Nam. 

Ông Andri Meier, Phó trưởng Ban hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam nhấn mạnh những yêu càu này tới các doanh nghiệp nội địa tại Diễn đàn xuất khẩu 2024 với chủ đề "Xúc tiến xuất khẩu xanh", sáng 4/12 tại Hà Nội.

Chia sẻ thêm, ông Andri Meier nói: "Hiện, khách hàng, doanh nghiệp và Chính phủ đều ưu tiên nhiều hơn với các sản phẩm, dịch vụ, song hành cùng với tính bền vững về mặt xã hội cũng như môi trường. Việt Nam cần hướng tới việc tăng cường năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp để có thể tăng trưởng bền vững, song hành cùng với nhu cầu và đòi hỏi của thương mại toàn cầu".

Phát triển xanh, bền vững là con đường ngắn nhất để các ngành sản xuất có thể gia tăng giá trị xuất khẩu, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị. 

Đây là bước đi chiến lược để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Bởi, những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới và Việt Nam cũng bị tác động trực tiếp bởi các chính sách này.

Cùng đó, nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các yêu cầu bảo vệ môi trường bao gồm đa dạng sinh học, giảm phát thải,… đều được cam kết ở mức độ ràng buộc cao. 

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo: "Lượng phát thải của Việt Nam có xu hướng tăng trong 2 thập kỷ qua, điều này phù hợp với quá trình công nghiệp hóa của đất nước. Dù GDP tăng trưởng cao nhưng phát thải trên đơn vị GDP cũng nhiều hơn, trong khi các nước trong khu vực có chiều hướng đi xuống".

"Nếu không nhanh chóng cải thiện thực trạng này, sẽ kéo giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu", theo ông Hùng.

Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa dự kiến cán mốc gần 800 tỷ USD vào cuối năm nay, trong đó xuất khẩu ước đạt 380-390 tỷ USD. Mục tiêu xuất nhập khẩu cán mốc gần 1.000 tỷ USD sẽ không còn xa, khi Việt Nam vẫn đón thêm dòng vốn FDI từ nhiều quốc gia vào lập cứ điểm sản xuất, tận dụng lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Nhưng song hành với sản xuất, thương mại tăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp phải tăng tốc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu đủ tiêu chuẩn thích ứng với các quy định của các quốc gia nhập khẩu.

Đó là đầu tư cho phát triển bền vững, tập trung vào thay đổi quy trình công nghệ, chuyển đổi năng lượng, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, giảm thiểu ô nhiễm và chất thải, hạn chế khí thải trong các quy trình sản xuất...

Việc thực hiện các chiến lược sản xuất xanh và bền vững sẽ mang tới nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, thương mại hóa sản phẩm tốt hơn, nhưng doanh nghiệp đang "đau đầu" về nguồn lực cho chuyển đổi để tăng thích ứng với tiêu chuẩn từ các nhà mua hàng toàn cầu.

Tư vấn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cho rằng, để có vốn xanh cho đầu tư phát triển bền vững, doanh nghiệp có thể tiếp cận tài chính xanh từ các tổ chức trong nước và quốc tế, hoặc thông qua phát hành trái phiếu.

Cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển kinh tế bền vững cũng được Đại diện Đại sứ quán Thụy Sỹ đưa ra. Trong hành trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam sẽ luôn có cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho khuôn khổ hợp tác phát triển kinh tế với Việt Nam giai đoạn 2025 - 2028. Chương trình này sẽ được triển khai vào cuối năm 2025, mục tiêu chính là hỗ trợ Việt Nam trong một lộ trình hướng tới nền kinh tế thu nhập cao, có năng lực chống chịu tốt hơn", Andri Meier, Phó trưởng Ban hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam nói.


Xuất khẩu bền vững giúp Vinamilk mở rộng thị trường quốc tế
Định hướng phát triển bền vững với mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có “tấm vé thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư