Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bù đắp cho cổ đông, ngân hàng hứa hẹn trả cổ tức “khủng”
Vân Linh - 04/05/2018 09:59
 
Trong mùa đại hội đồng cổ đông vừa kết thúc, không ít lãnh đạo ngân hàng đã đưa ra lời hứa về việc đẩy mạnh tái cơ cấu, trả cổ tức cao cho cổ đông… Liệu các cam kết đó có dễ thực hiện?

Đẩy mạnh tái cơ cấu, sớm xử lý nợ xấu

Tại Đại hội đồng cổ đông Sacombank cuối tháng 4/2018, trả lời câu hỏi của cổ đông về lộ trình tái cơ cấu và trả cổ tức, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, khi vào Sacombank, ông đã lên kế hoạch chậm nhất là 5 năm và sớm nhất là 3 năm sẽ tái cơ cấu xong Ngân hàng. Và khi tái cơ cấu xong, thì sẽ có cổ tức cho cổ đông đều đặn các năm, năm sau cao hơn năm trước. 

Lãnh đạo Sacombank kỳ vọng cuối năm nay hoặc chậm nhất là năm 2019 sẽ trích lợi nhuận để trả cổ tức cho cổ đông.
Lãnh đạo Sacombank kỳ vọng cuối năm nay hoặc chậm nhất là năm 2019 sẽ trích lợi nhuận để trả cổ tức cho cổ đông.

Theo ông Minh, Sacombank sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho chỉnh sửa đề án tái cơ cấu và cuối năm nay hoặc chậm nhất là đến năm 2019 sẽ trích lợi nhuận có được để trả cổ tức cho cổ đông. “Sau 5 năm không tái cơ cấu được, tôi sẽ rời Sacombank. Nếu cổ đông không kiên nhẫn chờ đợi được thì có thể bán cổ phiếu để kiếm lời”, ông Minh nói.

Ông Minh cho biết, năm 2017, Sacombank đã xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu và đặt mục tiêu năm nay tiếp tục xử lý 15.000 tỷ đồng nợ xấu trong tổng khối lượng hơn 50.000 tỷ đồng nợ xấu còn lại của Sacombank. Với mục tiêu lợi nhuận 1.600 tỷ đồng năm 2018, Sacombank kỳ vọng sẽ hoàn thành chỉ tiêu này khi quý đầu năm nay đã đạt hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận. 

Tuy nhiên, hiện nợ xấu của Sacombank vẫn cao hơn so với mức quy định của ngành 3% và ngân hàng này đang phấn đấu kéo về dưới 3% vào cuối năm nay. Mọi nguồn lực lợi nhuận làm ra của Sacombank đều phải dành để trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, việc cổ đông kỳ vọng sớm có cổ tức là điều không dễ. 

Tại Đại hội đồng cổ đông Eximbank, trước bức xúc của nhiều cổ đông vì từ năm 2013 đến nay không được chia cổ tức, lãnh đạo Eximbank cho hay, nếu đạt kế hoạch lợi nhuận 1.600 tỷ đồng trước thuế trong năm nay, thì sẽ có khoản chưa chia sau thuế khoảng 1.300 tỷ đồng để có thể chia cổ tức. 

Hứa hẹn cổ tức “khủng”

Trong khi các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc khó có thể sớm chia cổ tức cho cổ đông, thì đối với những ngân hàng đã qua “tâm bão”, cổ tức năm 2018 đầy hứa hẹn. Tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng ACB vừa diễn ra, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, ACB chia cổ tức năm 2017 là 15% bằng cổ phiếu và dự kiến cổ tức năm 2018 là 30% nhằm bù đắp cho cổ đông sau những thiệt thòi ở các năm trước. 

Mức cổ tức dự kiến nói trên khiến nhiều cổ đông ACB phấn khởi, song không ít cổ đông băn khoăn về việc liệu Ngân hàng có thực hiện được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay. Trả lời thắc mắc này, ông Toàn cho rằng, năm 2018, ACB nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 5.699 tỷ đồng, khả năng Ngân hàng có thể đạt 6.000 tỷ đồng. 

Ông Toàn thừa nhận, hoạt động ngân hàng hiện nay rất khó, nguồn vốn huy động về mà không cho vay được cũng là một thách thức. Tuy nhiên, Ban điều hành Ngân hàng vẫn nỗ lực duy trì biên sinh lời 3,2% và nỗ lực đảm bảo mức cổ tức 30% cho cổ đông.

Đại hội đồng cổ đông VPBank đầu tháng 3/2018 đã thống nhất chi trả cổ tức năm 2017 và cổ phiếu thưởng lên đến 67% - mức cao kỷ lục của ngành ngân hàng từ trước tới nay. Trong đó, mức cổ tức trả cổ đông là 30,22%. HĐQT VPBank hứa rằng, nếu năm 2018 đạt được kế hoạch lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng trước thuế, thì mức cổ tức kết hợp cổ phiếu thưởng chi trả cổ đông vào giờ này năm sau sẽ không dưới 60%. 

VPBank được xem là ngân hàng có mức cổ tức cao nhất trong hệ thống khi lợi nhuận năm 2017 đạt 8.100 tỷ đồng trước thuế (trong đó hơn 51% đến từ FE Credit). Mục tiêu lợi nhuận VPBank đặt ra cho năm nay là trên 10.000 tỷ đồng trước thuế.

Ngân hàng tự tin trả cổ tức "khủng" bằng... cổ phiếu
So với các năm trước, cổ đông ngân hàng đã không còn “ấm ức” vì cổ tức, song trước lời hứa trả cổ tức “khủng” cho năm 2018, không ít...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư