Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng tự tin trả cổ tức "khủng" bằng... cổ phiếu
 
So với các năm trước, cổ đông ngân hàng đã không còn “ấm ức” vì cổ tức, song trước lời hứa trả cổ tức “khủng” cho năm 2018, không ít người lại tỏ ra nghi ngại. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, với triển vọng kinh doanh lạc quan, mức cổ tức đặt ra năm nay hoàn toàn có khả năng đạt được, thậm chí cao hơn dự kiến.
Với triển vọng kinh doanh tích cực, mức cổ tức khủng năm nay là có khả năng đạt được
Với triển vọng kinh doanh tích cực, mức cổ tức khủng năm nay là có khả năng đạt được

Cổ tức sẽ trên 30%

Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thống nhất chi trả cổ tức năm 2017 và cổ phiếu thưởng lên đến 67% - mức cao kỷ lục của ngành ngân hàng từ trước tới nay. Trong đó, mức cổ tức trả cổ đông là 30,22%.

Chưa hết, HĐQT VPBank còn hứa hẹn, nếu năm 2018 đạt được kế hoạch lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng trước thuế thì mức cổ tức kết hợp cổ phiếu thưởng chi trả cổ đông vào giờ này năm sau cũng sẽ không dưới 60%.

Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa diễn ra, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, với kết quả đạt được trong năm ngoái, Ngân hàng sẽ chia cổ tức 2017 là 15% bằng cổ phiếu và dự kiến cổ tức 2018 là 30%, nhằm bù đắp cho cổ đông sau những thiệt thòi ở các năm trước.

Năm nay, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ là 15%. Huy động vốn từ tiền gửi khách hàng, tổng tài sản cũng tăng 18%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế tập đoàn khoảng 5.699 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2018, dư nợ tín dụng ACB đã đạt 14.500 tỷ đồng; huy động tăng 15.700 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 1.491 tỷ đồng

Với mức cổ tức dự chia “khủng” nói trên, cổ đông ACB tỏ ra rất phấn khởi, tuy nhiên, vẫn không ít ý kiến băn khoăn liệu Ngân hàng có thể đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra trong năm nay.

Trả lời thắc mắc này của cổ đông, ông Toàn cho rằng, năm 2018, ACB nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, theo lãnh đạo ACB, Ngân hàng có khả năng đạt 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn so với kế hoạch.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank), với mức lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 2.417 tỷ đồng, tăng 110,6%; tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) và trên tổng tài sản (ROA) đạt lần lượt 15,8% và 1,2%, nằm trong Top 4 các ngân hàng có khả năng sinh lời cao nhất; Đại hội đồng cổ đông của HDBank cũng nhất trí đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm 2017 ở mức 35%. Trong đó, 20% bằng cổ phiếu và 15% bằng tiền.

Thực tế, riêng trong quý I/2018, HDBank đạt 1.045 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2017, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 851 tỷ đồng, tăng 201,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,5% kế hoạch 2018. Vì thế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank tin tưởng sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận Ngân hàng đưa ra cho năm nay.

Chưa kể, nếu sớm hoàn thành kế hoạch sáp nhập thêm PGBank, lợi nhuận sau sáp nhập của HDBank sẽ là 4.700 tỷ đồng. Do đó, cổ tức HDBank năm 2018 cũng là điểm sáng với các cổ đông.

Đua cổ tức để tăng vốn

Thực tế, không chỉ cổ tức 2018 được các ngân hàng hứa hẹn ở mức cao mà trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, các nhà băng đều trình cổ đông thông qua mức cổ tức “khủng”. Đồng thời, cổ tức các ngân hàng chủ yếu chia bằng cổ phiếu.

Theo đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) quyết định sẽ trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ 36%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt là 5%. Năm 2017, cổ đông của Ngân hàng cũng được trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ trên 44%.

Tại MB, nếu như mọi năm chỉ chi trả cổ tức trên dưới 10% thì năm nay quyết trả cổ tức tỷ lệ 11% cộng thêm cổ phiếu thưởng 14%, tổng cộng 25%. LienVietPostBank cũng tăng tỷ lệ chi trả cổ tức năm nay lên 15%, thay vì mức 10% của năm ngoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng mạnh tay chi cổ tức cho cổ đông và phát hành cổ phiếu thưởng năm nay là một kênh để hoàn thành mục tiêu tăng vốn. Các nhà băng đều tranh thủ thời cơ để vừa được lòng cổ đông lại vừa tăng thêm vốn điều lệ, nhằm tiến tới đáp ứng chuẩn Basel II.

Đồng thời, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao sẽ giúp ngân hàng giữ lại tiền mặt để xử lý những khó khăn hiện hữu, hoặc mở rộng sản xuất, đầu tư vào các dự án mang lại lợi nhuận lâu dài và tăng tiềm lực cạnh tranh.

Chẳng hạn, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), năm 2017, vốn điều lệ của Ngân hàng đã tăng thêm 25% lên 5.000 tỷ đồng. Năm nay, Ngân hàng tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng. Phương án tăng vốn được chia làm 2 đợt phát hành cổ phần. Đợt 1, OCB sẽ tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.699 tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng sẽ phát hành 14,2% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2017, tổng giá trị dự kiến là 695 tỷ đồng. Đồng thời, phát hành thêm 20,5% cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị dự kiến là 1.004 tỷ đồng.

Đợt 2, tăng vốn điều lệ từ 6.699 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc. Trong đó đối tượng chọn lọc bên ngoài và cổ đông hiện hữu tham gia đợt phát hành riêng lẻ không bao gồm các cổ đông sở hữu mức cổ phần trọng yếu, thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, Ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ từ 5.842 tỷ đồng hiện nay lên 8.533 tỷ đồng trong năm 2018. Việc tăng vốn sẽ thực hiện qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức (tổng cộng 544 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ chia 8,37%) và chia cổ phiếu thưởng từ nguồn tiền thặng dư thu được của đợt phát hành này (1.314 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ khoảng 20%).

Theo TPBank, việc tăng vốn nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn theo quy định của NHNN, đồng thời giúp ngân hàng có vốn để gia tăng hoạt động kinh doanh như phục vụ tín dụng trung và dài hạn; dự phòng cho các nguồn kinh doanh khác; đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vật chất cho nhu cầu phát triển…

Trong bức tranh cổ tức nhiều gam sáng của ngành ngân hàng năm vừa qua và năm nay, vẫn có một số ít nhà băng nói không với cổ tức. Chẳng hạn, dù năm 2017 lãi lớn trên 8.000 tỷ đồng trước thuế, Techcombank vẫn không chia cổ tức. Lý do được HĐQT nhà băng này đưa ra là nhằm gia tăng điểm hấp dẫn cho cổ phiếu khi chuẩn bị lên sàn HOSE.

Sacombank, SCB đang trong quá trình tái cơ cấu nên vẫn nói “không” với cổ tức, dù tiếp tục bị cổ đông than thở, chất vấn. Nguyên nhân đưa ra là ngân hàng cần giữ lại thặng dư vốn để bổ sung vốn tự có, tăng vốn điều lệ.

Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Dương Công Minh cho rằng, như các cổ đông khác, ông cũng là người tham gia vào Sacombank với mục đích hưởng cổ tức, không phải kinh doanh cổ phiếu. Vì thế, nếu cổ đông Sacombank không kiên nhẫn chờ đợi được sau giai đoạn tái cấu trúc để hưởng lợi tức thì cũng đành chịu. Tuy nhiên, trước bức xúc của cổ đông về việc nhiều năm không có cổ tức, ông Minh cho biết, trong năm 2018 hoặc 2019, Sacombank sẽ xin ý kiến NHNN cho chia một phần cổ tức từ lợi nhuận của các năm trước để lại.

Cổ đông ngân hàng đòi chia cổ tức bằng cổ phiếu
Cách đây 2 năm, khi giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm, cổ tức bằng tiền mặt luôn làm hài lòng nhà đầu tư, thì nay, họ chỉ muốn nhận cổ tức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư