Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chê tiền, cổ đông ngân hàng muốn nhận cổ tức bằng cổ phiếu
 
Nếu như những năm trước đây khi giá cổ phiếu ngân hàng chưa tăng trở lại, cổ đông chỉ đòi ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, thì nay lại kỳ vọng được chia bằng cổ phiếu!
VIB dự kiến chia cổ tức là 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông
VIB dự kiến chia cổ tức là 5% bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông

Ông Đặng Nhật Tuệ, cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu HDB của HDBank cho rằng, 2 năm trước, khi nhà băng này chưa lên sàn, cổ tức cổ đông nhận được là bằng tiền mặt.

Điều này được cổ đông HDBank đón nhận, vì ở thời điểm đó, giá cổ phiếu ngành ngân hàng ở mức thấp và khó tăng nên không nhà đầu tư nào muốn rót vốn, còn cổ đông muốn được nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, trước diễn biến chung của thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu “vua” đang tăng, cổ phiếu HDB đã niêm yết trên sàn đầu năm 2018 và nhà băng này dự kiến chia cổ tức ở mức cao nên không chỉ bản thân ông Tuệ, mà nhiều cổ đông khác cũng muốn nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Năm nay, HDBank dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông mức chia cổ tức năm 2017 từ 25-30% bằng cả cổ phiếu và tiền mặt. Nhiều cổ đông muốn chọn phương án chia toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu do giá cổ phiếu HDB đang ở mức tốt (44.000 đồng/CP chốt phiên ngày 14/3).

Nếu loại trừ 3 ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước chi phối gồm Vietinbank, Vietcombank và BIDV thì “mong muốn” nhận cổ tức bằng cổ phiếu của cổ đông ngân hàng có vẻ thuận lợi vì nhu cầu tăng vốn rất lớn của các ngân hàng.

Nói loại trừ là bởi, trong những năm trước, cả 3 ngân hàng lớn nói trên đều muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm giữ lại tiền tăng vốn điều lệ, nhưng… không được. Đại diện vốn của cổ đông lớn nhất đã bỏ phiếu cho phương án chia tiền mặt.

Với các ngân hàng cổ phần tư nhân, câu chuyện năm nay đã đơn giản và thuận lợi hơn vì rất nhiều kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu đưa ra, nhưng chưa nghe tới các ý kiến phản đối. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) cổ tức dự kiến chi trả là 5% cổ tức bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông, đồng thời sử dụng cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên.

VPBank cũng lập phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2018 thêm khoảng 12.000 tỷ đồng, lên hơn 27.000 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2017 bằng cổ phiếu và tăng vốn từ nguồn vốn dự trữ bổ sung vốn điệu lệ, với tỷ lệ trên 31% cho cổ phiếu phổ thông.

Năm 2018, VPBank còn dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP), giá trị gần 337 tỷ đồng mệnh giá, tương đương khoảng 4,14% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng năm 2017.

LienvietPostBank thông báo sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông ngày 28/3. Đồng thời, nhà băng này cũng dự kiến tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 12% lên 15%.

Bên cạnh nhóm ngân hàng chia cổ tức cao, cũng có ngân hàng “đặc biệt” không chia cổ tức, mà giữ lại như Techcombank. Ngân hàng này vừa hút được một khoản đầu tư rất "khủng" 370 triệu USD, nên có lẽ vốn không phải là vấn đề. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, khi nhìn vào một ngân hàng, vốn điều lệ không phải là quan trọng nhất, mà cần nhìn vào vốn chủ sở hữu, đây mới là tài sản của cổ đông. Vốn chủ sở hữu của Techcombank tính tới cuối năm 2017 đạt hơn 22.400 tỷ đồng, cao nhất khối ngân hàng cổ phần tư nhân.

Nhu cầu tăng vốn rất lớn

Sau thời gian dài, nhiều ngân hàng đã không tăng được vốn do làm ăn “bết bát”, giá cổ phiếu thấp, không thu hút được nguồn vốn mới. Do đó, 2018 được dự kiến là năm “bù đắp” các kế hoạch tăng vốn chưa thực hiện được. Tăng vốn điều lệ mới giúp các ngân hàng tăng quy mô huy động và cho vay, đồng thời có nguồn đầu tư cho công nghệ và hạ tầng.

Theo quy định về hệ số an toàn vốn (CAR – vốn/tài sản có rủi ro), nếu ở mức tối thiểu 8% thì 8 đồng vốn (cấp I, cấp II) mới cho vay được 100 đồng. Vậy muốn mở rộng tín dụng thì bắt buộc các ngân hàng phải tăng vốn tương ứng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, mong muốn việc chia cổ tức cần đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông và an toàn hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, ông Dũng nêu ra 4 vấn đề các ngân hàng cần phải giải quyết trước khi thực hiện chia cổ tức.

Thứ nhất, ngân hàng cần phải xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại nhằm nâng cao năng lực tài chính.

Thứ hai, việc chia cổ tức diễn ra sau khi ngân hàng đã phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đồng thời xử lý các khoản lãi dự thu.

Thứ ba, ngân hàng phải đảm bảo các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phải trích lập các quỹ theo quy định.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, sau khi đảm bảo hết nghĩa vụ tài chính, trích lập đầy đủ các quỹ, ngân hàng mới được chia cổ tức.

Ngân hàng ngay ngáy nỗi lo tăng vốn
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư