Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Soi thù lao lãnh đạo ngân hàng
Vân Linh - 15/03/2018 09:10
 
Mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng đang đến gần cũng là thời điểm lương, thưởng, thù lao của các lãnh đạo ngân hàng được tiết lộ, với con số lên đến hàng chục tỷ đồng, ngay cả với ngân hàng nói không với cổ tức.

Với một số ngân hàng quy mô nhỏ, lợi nhuận sụt giảm do trích dự phòng rủi ro cao và tiếp tục phải nói “không” với cổ tức, thì việc trình cổ đông mức thù lao cho hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát luôn được cân nhắc. Trong khi đó, nhiều nhà băng lớn đạt lợi nhuận cao năm qua chưa có kế hoạch chi trả lợi tức cho cổ đông, song thù lao lãnh đạo vẫn tiền tỷ.

.
Năm 2017, VPBank chi tới 49 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp khác cho các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Tổng giám đốc.

Tại Vietcombank, Đại hội đồng cổ đông năm 2017 đã thông qua mức thù lao đối với HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2017 chiếm 0,35% lợi nhuận sau thuế. Với 8.847 tỷ đồng lãi sau thuế đạt được (ngân hàng mẹ), nhà băng này đã chi trả 31 tỷ đồng cho 7 thành viên HĐQT và 4 thành viên trong Ban Kiểm soát. Như vậy, trung bình mỗi lãnh đạo ở 2 ban này được nhận thù lao khoảng 2,8 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Năm 2017, VPBank chi tới 49 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp khác cho các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Tổng giám đốc, tăng 47% so với năm 2016. Với 5 thành viên HĐQT, 3 thành viên Ban Kiểm soát và 9 thành viên Ban Tổng giám đốc tính đến cuối năm 2017, thì trung bình một lãnh đạo cấp cao VPBank nhận về hơn 2,88 tỷ đồng lương và phụ cấp khác trong năm qua. Đáng chú ý, với những vị trí kiêm nhiệm như ông Nguyễn Đức Vinh, thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, thù lao có lẽ cao hơn nhiều.

Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra, HĐQT một ngân hàng đã quyết định tiếp tục không chia cổ tức năm 2017 cho cổ đông, nhằm tạo tính hấp dẫn cho nhà đầu tư khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, kết quả kinh doanh năm 2017 của ngân hàng này rất ấn tượng và vượt kế hoạch, với con số đạt được là hơn 10.000 tỷ đồng. Đó cũng là lý do khiến cổ đông của ngân hàng tỏ ra không hài lòng.

Ở những ngân hàng nói không với cổ tức, thù lao HĐQT, ban kiểm soát vẫn lên đến hàng chục tỷ đồng khiến không ít cổ đông bức xúc.

Thế nhưng, thù lao cố định cho HĐQT và Ban Kiểm soát của ngân hàng trên vẫn ở mức 29 tỷ đồng cho 11 thành viên, dù đã giảm 2 tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra đầu năm ngoái. Tuy nhiên, HĐQT và Ban Kiểm soát ngân hàng này không nhận thù lao thành tích năm 2017 và cũng có kế hoạch tương tự trong năm 2018.

Tại Sacombank, năm 2017, Ngân hàng đã tăng thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát gấp hơn 2,5 lần so với năm 2016, lên mức 18,5 tỷ đồng. Trong khi đó, gần 20 người trong Ban Giám đốc được chi trả tổng cộng hơn 54 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2016. Trung bình mỗi “sếp tổng” của Sacombank nhận 2,9 tỷ đồng trong năm qua, tức khoảng 238 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, LienVietPostBank được cổ đông quyết định chi 40 tỷ đồng thù lao cho 8 thành viên HĐQT trong năm 2017, tức trung bình mỗi thành viên sẽ nhận 5 tỷ đồng thù lao và đây cũng là con số cao nhất hiện nay. BIDV chi 0,44% lãi sau thuế để trả thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát, với 9,2 tỷ đồng trong năm 2017, tức trung bình mỗi lãnh đạo nhận được hơn 2,2 tỷ đồng.

Quả thực, một trong những vấn đề luôn nóng tại mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng chính là thù lao tiền tỷ của lãnh đạo các nhà băng (bên cạnh lợi nhuận, nợ xấu, cổ tức…). Đặc biệt, ở những ngân hàng nói không với cổ tức, thù lao HĐQT, ban kiểm soát vẫn lên đến hàng chục tỷ đồng khiến không ít cổ đông bức xúc. Thế nhưng, theo lãnh đạo các nhà băng này, đó là điều cần thiết.

Chuyện "tế nhị": Lương thưởng mùa đại hội
Lương thưởng là động lực nhưng cũng là vấn đề "tế nhị" khi Hội đồng quản trị (HĐQT) “bị” đem ra diễn đàn, các cổ đông mổ xẻ và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư