Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục, xuất siêu 2,8 tỷ USD
Nguyên Đức - 29/11/2017 16:23
 
Đầu năm, các chuyên gia kinh tế sốt ruột vì Việt Nam nhập siêu lớn. Nhưng cán cân thương mại những tháng gần đây đã đảo chiều ngoạn mục, hiện đang xuất siêu tới 2,8 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2017 ước tính đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,0 tỷ USD, giảm 2,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,2 tỷ USD, giảm 6,5%.

Tính chung 11 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 193,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 140,7 tỷ USD, tăng 22,8%. 

.
.

Với kết quả này, theo tính toán của Bộ Công thương, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt được con số trên 210 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thì có thể gấp 3 lần mục tiêu đề ra (7-8%).

Đóng góp cho tốc độ tăng nhanh của kim ngạch xuất khẩu vẫn là những nhóm mặt hàng chủ lực. Trong đó, đáng chú ý là điện thoại và linh kiện, 11 tháng ước đạt 41,3%, tăng 30,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra còn điện tử, máy tính và linh kiện, đạt 23,6 tỷ USD, tăng 38,1%; dệt may đạt 23,6 tỷ USD, tăng 9,5%; giày dép đạt 13 tỷ USD, tăng 11,6%...

Trong khi đó, tính chung 11 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt đạt 191,0 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 76,5 tỷ USD, tăng 17,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 114,5 tỷ USD, tăng 23,2%. 

Với kết quả này, 11 tháng đầu năm, cả nước đang xuất siêu 2,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 26,2 tỷ USD.

Như vậy khả năng, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư trong năm 2017. Đầu năm nay, khi nhập siêu không ngừng tăng, các chuyên gia kinh tế không khỏi lo ngại. Song những tháng gần đây, cán cân thương mại đã đảo chiều ngoạn mục. Con số nhập siêu 11 tháng ở mức 2,8 tỷ USD gần như đảm bảo một cách chắc chắn, năm nay Việt Nam sẽ tiếp tục xuất siêu chứ không phải là nhập siêu.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 52,1 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc - đạt 42,4 tỷ USD, tăng 46%; ASEAN đạt 25,4 tỷ USD, tăng 17,5%; Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 7,5%; EU đạt 11 tỷ USD, tăng 10,5%; Hoa Kỳ đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7%.

Tuy nhiên, Hàn Quốc mới là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Con số trong 11 tháng đầu năm là 28,8 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ. Trung Quốc tiếp tục tụt xuống hàng thứ hai, với 21,8 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu gạo tăng cả lượng lẫn giá
Nhờ giá xuất khẩu tiếp đà đi lên và có thêm các hợp đồng mới, xuất khẩu gạo cả năm 2017 dự báo có thể đạt 5,7 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư