Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Chủ tịch HĐQT có nên kiêm nhiệm chức danh CEO?
Thanh Huyền - 06/05/2017 08:21
 
Việc tách bạch chức danh chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và tổng giám đốc (CEO) được cho là chuẩn mực quản trị hiện đại. cách làm này liệu có đúng với tất cả các doanh nghiệp và không có nhược điểm?
TIN LIÊN QUAN

Một chủ đề được giới lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết và bàn luận sôi nổi thời gian qua là sắp tới, chủ tịch HĐQT công ty đại chúng sẽ không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc. Nội dung này được nêu trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến.

Là người từng kiêm nhiệm hai chức vụ này trong thời gian dài, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình từng đưa ra nhận định, việc tách bạch chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, nhằm hướng tới chuẩn mực quản trị hiện đại và giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty.

Bà Vũ Thị Mai (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.
Bà Vũ Thị Mai (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.

Mặc dù trong suốt 20 năm đầu trực tiếp điều hành, ông Trương Gia Bình và HĐQT đã dẫn dắt FPT trở thành tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu Việt Nam, chạm mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2008, nhưng sau đó, ông Bình đã bàn giao chức vụ CEO cho thế hệ thứ hai và tập trung cho công việc quản trị, định hướng chiến lược tập đoàn.

Không chỉ FPT, nhiều doanh nghiệp niêm yết khác trong thời gian qua cũng tách bạch hai chức danh chủ tịch HĐQT và CEO, không chỉ bởi vấn đề quản trị, mà còn nhằm đào tạo lớp lãnh đạo kế cận phát triển, đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu để kiêm nhiệm, ông tin rằng người lãnh đạo vẫn có thể điều hành và quản lý tốt doanh nghiệp.

Ông Cung dẫn chứng, trong vòng 15 năm qua, gần 80% trên tổng số 500 công ty trong danh sách của Standard & Poors (S&P500) ở Mỹ đã kết hợp hai vị trí này làm một. “Việc người nắm quyền sở hữu, đồng thời quản lý doanh nghiệp khiến họ toàn tâm, toàn ý bảo vệ lợi ích của cổ đông, giám sát ban điều hành và thực hiện tốt công tác quản trị”, ông Cung nói. Với thực trạng doanh nghiệp tại Việt Nam, việc chủ tịch HĐQT kiêm CEO hiện còn khá phổ biến.

Một doanh nghiệp gia đình sản xuất, kinh doanh đồ gỗ đã có 20 năm kinh nghiệm cũng đang áp dụng mô hình kiêm nhiệm này, kể từ khi thành lập đến nay. Tuy nhiên, chiến lược mới mà công ty này đang triển khai đã bộc lộ những chồng chéo trong điều hành và quản trị. CEO với vai trò vừa là người điều hành, vừa là chủ tịch HĐQT sẽ chịu nhiều sức ép do cùng lúc thực hiện các công việc điều hành và quản trị chiến lược cho công ty.

CEO và các thành viên HĐQT đã ngồi lại để bàn bạc giải quyết vấn đề này. Các thành viên HĐQT cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp nên tách bạch vai trò chủ tịch HĐQT và CEO, công ty sẽ thuê CEO chuyên nghiệp phụ trách điều hành.

Các thành viên HĐQT lập luận, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, sắp tới doanh nghiệp cần phải tính toán đến giải pháp lên sàn huy động, hoặc tìm đối tác để hợp tác. Với việc kiêm nhiệm hiện nay, CEO đang vừa phải thực hiện các công việc ngắn hạn, vừa phải lo các vấn đề chiến lược dài hạn trong vai trò Chủ tịch HĐQT. Điều này khiến công việc quản trị và điều hành bị chồng chéo, thiếu rõ ràng và trong nhiều trường hợp dễ mâu thuẫn.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (ngày 7/5) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (ngày 8/5) trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình và tham gia đóng góp ý kiến tại fanpage facebook: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Việc thuê CEO chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp có thêm ý kiến độc lập và đưa công ty chuẩn hoá bộ máy điều hành và quản trị, từ đó sẽ tạo thêm niềm tin cho các cổ đông, các đối tác hợp tác, khách hàng…

Không đồng tình với quan điểm này, CEO cho rằng, việc kiêm nhiệm hai vai trò trong thời gian qua đã giúp bộ máy quản trị và điều hành tối ưu hoá, nhờ thế mà doanh nghiệp gặt hái được nhiều thành công. Hơn nữa, để tìm được một người đủ năng lực, khả năng và hiểu biết về đảm nhiệm vai trò CEO là điều không dễ dàng, trong khi với cơ chế quản lý doanh nghiệp gia đình hiện nay, công ty chưa có được một bộ máy theo dõi và kiểm soát từ phía HĐQT.

Bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai - CEO của tình huống này sẽ thuyết phục các cổ đông thế nào? Câu trả lời sẽ có tại chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Tái cấu trúc thượng tầng”. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp cũng có thể tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho vấn đề này. Bà Vũ Thị Mai cũng là vị doanh nhân xuất hiện trong chuyên trang Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư