Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp than việc xuất khẩu tài nguyên không được hoàn thuế
Mạnh Bôn - 27/11/2017 17:05
 
Xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô không được hoàn thuế GTGT, trừ một số trường hợp.

Theo Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), hàng hóa xuất khẩu được hoàn thuế GTGT, tuy nhiên từ 1/1/2017, hầu hết tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu không được hoàn thuế. Và đây cũng là nội dung được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại cuộc đối thoại giữa ngành tài chính với cộng đồng doanh nghiệp sáng nay tại Hà Nội.

Không được hoàn thuế vì không thuộc đối tượng chịu thuế

Theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP thì sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất trở lên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT tức là không được hoàn thuế khi xuất khẩu.

“Việc xác định giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng rất phức tạp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa khai thác, vừa nhập khẩu tài nguyên, khoáng sản về để chế biến nên để được hoàn thuế khi xuất khẩu rất khó khăn”, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc lên tiếng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai thừa nhận, từ khi triển khai thực hiện Nghị định 100/2016/NĐ-CP đến nay, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp gửi văn bản đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính “kêu” vấn đề này.

Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị làm rõ, sản phẩm nào thuộc đối tượng phải xác định trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng khi xuất khẩu để áp dụng thuế GTGT cho phù hợp; trị giá tài nguyên, khoáng sản đưa vào chế biến sản phẩm xuất khẩu có bao gồm chi phí vận chuyển từ nơi khai thác về nơi chế biến hay không.

“Chúng tôi đang nghiên cứu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP để xử lý vấn đề nêu trên. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu quy định không hoàn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu sau đó xuất khẩu vì hiện có cách hiểu khác dẫn đến trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc. Tinh thần của Bộ Tài chính là những quy định nào không phủ hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chủ trương khuyến khích xuất khẩu hàng hóa”, bà Mai thông tin.

Không khuyến khích xuất khẩu thô

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi cho biết, liên quan đến việc không đưa hàng hóa xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu vào đối tượng chịu thuế GTGT sẽ được quy định cụ thể theo hướng vẫn quy định, sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất trở lên không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, nhưng trừ 3 trường hợp được áp thuế suất thuế GTGT 0% tức là được hoàn thuế khi xuất khẩu.

Cụ thể, sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu. Và cuối cùng là sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến thành sản phẩm xuất khẩu.

“Tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm được xác định căn cứ vào quyết toán năm trước và tỷ lệ này được áp dụng ổn định trong năm xuất khẩu. Trường hợp năm đầu tiên xuất khẩu sản phẩm thì tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm được xác định theo phương án đầu tư và tỷ lệ này được áp dụng ổn định trong năm xuất khẩu”, ông Thi giải thích thêm.

Ông thi cũng “nhắn nhủ” cộng đồng doanh nghiệp: “Nghị định thay thế Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP hiện nay đang trong quá trình xây dựng và chỉ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ban hành. Vì vậy, từ nay cho tới khi nghị định mới có hiệu lực, tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu nếu tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất trở lên vẫn không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT”.

Việc sửa đổi, bổ sung 2 văn bản này, theo bà Mai chỉ là bước tháo gỡ khó khăn trước mắt, tạm thời cho doanh nghiệp vì nội dung này đã được quy định trong Luật thuế GTGT.

“Muốn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp phải sửa đổi Luật thuế GTGT. Vấn đề này Bộ Tài chính đang nghiên cứu, nhưng dù có sửa Luật thuế GTGT thì tinh thần chung là khuyến khích chế biến sâu tài nguyên, khoáng sản trong nước; không khuyến khích xuất khẩu thô tài nguyên, khoáng sản nên doanh nghiệp cần phải tập trung đầu tư trang thiết bị, dây chuyền, máy móc để chế biến sâu thì xuất khẩu mới được hoàn thuế GTGT”, bà Mai nhấn mạnh.

Khung giá thuế tài nguyên không còn phù hợp thực tế

Cũng liên quan đến khai thác tài nguyên, khoáng sản, đại diện Công ty TNHH MTV Apatit Vietnam phản ánh, khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 44/2017/TT-BTC đối với nhiều loại tài nguyên, đặc biệt là apatit không còn phù hợp vì mức giá sàn theo khung giá tính thuế cao hơn giá bán thực tế trên thị trường rất nhiều khiến doanh nghiệp phải nộp thuế cao hơn thực tế.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính cũng đã nhận được nhiều phản ánh về vấn đề này. “Việc chưa điều chỉnh khung giá tính thuế tài nguyên kịp thời là do lỗi của sở tài chính các địa phương”, ông Tuấn giải thích.

Theo quy định, khi giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động tăng/giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối đa/tối thiểu của khung giá tính thuế tài nguyên thì trong thời gian 30 ngày, sở tài chính chủ trì, phối hợp với cục thuế, sở tài nguyên và môi trường báo cáo UBND cấp tỉnh có văn bản trao đối với Bộ Tài chính trước khi quyết định ban hành văn bản điều chỉnh bảng giá tính thuế tài nguyên.

“Quy định rõ ràng như vậy, nhưng các địa phương chỉ gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính trên cơ sở ý kiến riêng của doanh nghiệp nên Bộ Tài chính không có cơ sở để điều chỉnh khung giá tính thuế tài nguyên”, ông Tuấn giải thích.

Không thể trục lợi từ chính sách thuế tài nguyên
Mặc dù khung giá tính thuế tài nguyên có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 rất rộng, có loại tài nguyên giá tính thuế tối đa gấp hơn 1,42 lần giá tối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư