Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Dự án giao thông BOT: “Con đường xưa em đi”, giờ đây phải trả tiền
Mạnh Bôn - 15/08/2017 12:38
 
Tài xế ô tô đang phản ứng tiêu cực trước việc thu phí giao thông BOT ở Trạm Cai Lậy góp phần làm nóng phiên thảo luận về Báo cáo giám sát đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm nay (15/8/2017).

Huy động vốn thông qua BOT là hướng đi đúng  

Theo số liệu của Bộ Giao thông - Vận tải, giai đoạn 2011 - 2016 đã đã huy động được 171.308 tỷ đồng đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó vốn BOT 154.481 tỷ đồng đầu tư vào 59 dự án, chiếm khoảng 90,2% tổng nguồn vốn.

Trong số 59 dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông thì đường bộ chiếm 57 dự án với tổng số tiền 169.813 tỷ đồng, gồm cả vốn ngân sách và vốn BOT. Đến thời điểm này đã đưa 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng vào vận hành khai thác. Ngoài ra, hiện còn 15 dự án BOT với tổng mức đầu tư 60.042 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.070 tỷ đồng) đang được triển khai đầu tư.

“Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế, nguồn vốn ODA thu hẹp dần thì việc huy động vốn thông qua hình thức BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đồng thời giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đánh giá.

Ngoài ra, theo ông Thanh, chủ trương xã hội hóa đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông qua hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có đầu tư theo hình thức BOT đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án lớn, tiêu thụ một lượng lớn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất trong nước, tạo ra hàng vạn công ăn việc làm cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế.

“Đi ô tô từ Lạng Sơn đến TP.HCM mới cảm nhận được hết giá trị các dự án BOT đem lại vì bây giờ đường đi đã thông thoáng hơn rất nhiều, giảm đáng kể thời gian, công sức, tiết kiệm được nhiên liệu, hao mòn phương tiện giao thông. Nhiều đoạn đường BOT xe chạy bon bon, ít gặp cảnh tắc nghẽn, nhiều năm trước chỉ là ước mơ, bây giờ đã trở thành hiện thực”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, đánh giá hiệu quả của dự án BOT giao thông không đơn giản chỉ nhìn vào hiệu quả kinh tế như góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho người dân khu vực dự án đi qua phát triển kinh tế mà còn phải nhìn vào yếu tố xã hội.

“Đơn cử như khu vực Tây Nguyên, trước đây chưa có các dự án BOT, kinh tế khu vực chậm phát triển do không phát huy được tiềm năng, lợi thế, bây giờ thì khác hẳn. Kinh tế khu vực này ngoài việc phát triển rất nhanh mà tai nạn giao thông giảm rõ rệt vì xe ô tô không còn phải “đấu đầu” nhau vì đã có đường BOT một chiều”.

Giám sát các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT, bên cạnh việc khẳng định hiệu quả tích cực do dự án giao thông BOT đem lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra tới 16 điệm hạn chế, khiếm khuyết.

“Con đường xưa em đi” giờ đây phải trả tiền

Dẫn chứng phản ứng của người dân qua việc lái xe qua trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) dùng tiền lẻ để mua vé, Phó chủ tịch Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng cho rằng: “Bà con đang vô cùng bức xúc trước việc trạm thu phí giao thông quá dày, không hợp lý, mức phí quá cao, không tương xứng với chất lượng dịch vụ”.

“Bà con dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí Cai Lậy dẫn tới tắc đường. Tắc đường quá lâu buộc chủ đầu tư phải “xả cửa”, hết tắc lại thu như cũ. Thực tế này cho thấy, không chỉ trạm thu phí Cai Lậy bất hợp lý mà còn nhiều trạm khác cũng vậy, nhưng chưa thấy ai nhận trách nhiệm”, bà Phóng dẫn chứng.

“Con đường ông cha để lại, người dân vẫn đi lại hàng bao đời, bây giờ chủ đầu tư mở rộng thêm vài mét, láng nhựa lên bề mặt và tiến hành thu phí là bất hợp lý. Chủ trương đầu tư BOT hoàn toàn đúng, nhưng phải bảo đảm lợi ích của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, lợi ích của người dân phải được đặt lên hàng đầu”, bà Phóng nhấn mạnh.

“Tiếp xúc cử tri, người dân hỏi, giao thông là nhu cầu thiết yếu, không ai không phải tham gia giao thông, tại sao con đường từ bao đời nay người dân vẫn đi bình thường, giờ đi thì lại phải trả tiền? Nếu muốn thu tiền, thì doanh nghiệp làm đường mới, ai có nhu cầu đi nhanh, giảm bớt thời gian, công sức, chi phí các loại thì phải trả tiền, còn người dân không có nhu cầu thì phải được đi đường cũ, dù có xấu hơn nhưng không phải trả tiền mới hợp lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga phản ánh ý kiến của cử tri.

Mặc dù đánh giá cao hiệu quả mà các dự án giao thông BOT đem lại, nhưng ông Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ sự bức xúc trước việc trạm thu phí giao thông dày đặc, không bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm thu phí là 70 km như quy định.

“Nhiều dự án BOT làm ngay trên con đường độc đạo, người dân không thể không đi nhưng đi phải trả tiền là vô lý. Vô lý nữa là chất lượng nhiều con đường sau khi được đầu tư, nâng cấp bằng hình thức BOT không tương xứng với số tiền mà người dân bỏ ra. Vì sao nhà đầu tư thu phí cao, thời gian thu phí kéo dài? Vì vốn đầu tư toàn đi vay ngân hàng và suất đầu tư quá cao”, ông Giàu lý giải.

“Ai đã từng đi dự khởi công, khánh thành, thông xe các dự án giao thông BOT sẽ thấy, ở đâu cũng có “sếp ngân hàng” đến dự. Điều này cho thấy chủ đầu tư BOT và ngân hàng rất nhanh nhạy, ăn ý với nhau trong hợp tác đầu tư BOT và cũng lý giải vì sao phí giao thông đường bộ lại cao khiến người dân phản ứng”, ông Nguyễn Đức Hải nói.

Để xử lý các tồn tại kể trên, theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán các dự án giao thông BOT. “Dự án nào chấp hành tốt, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho người dân và xã hội cũng phải đánh giá công tâm. Dự án nào thực hiện chưa đúng quy định, gây bức xúc cũng phải nêu rõ địa chỉ để xử lý”, bà Nga kiến nghị.

Đối với đoạn đường dưới 70 km mà trạm thu phí hoặc thu phí trên những “con đường xưa em đi”, theo nhiều đại biểu, Nhà nước cần phải bỏ tiền mua lại và trả lại đường cho người dân.

Sớm xóa bỏ bất cập các trạm BOT giao thông
Bộ GTVT đang nghiên cứu, đưa ra chính sách chung nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người dân.
Bình luận bài viết này
  • Lê Minh Thọ 13:43 | 15-08-2017
    Bài viết phản ánh được suy nghĩ của nhiều người dân. Dự án BOT giao thông là cần thiết, nhưng dự án này có được triển khai thực hiện hay không, chủ yếu lệ thuộc phía Bộ Giao thông. Lợi ích của một số quan chức Bộ Giao thông lệ thuộc chủ yếu vào 2 điểm: 1. Chỉ định doanh nghiệp được thực hiện dự án; 2. Vị trí đặt trạm thu phí sau khi dự án được hoàn thành. Điều này đã hình thành nên thế chân vạc của lợi ích nhóm: Quan chức xấu của ngành giao thông - Doanh nghiệp - Quan chức xấu địa phương gây bức xúc xã hội
Xem thêm trên Báo Đầu Tư