Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
GDP quý I tăng 7,38%, kinh tế tăng tốc
Nguyên Đức - 30/03/2018 08:48
 
Đã hơn 10 năm nay, GDP quý I mới đạt mức tăng trưởng hơn 7%, đưa nền kinh tế tiếp tục tăng tốc.
TIN LIÊN QUAN

Tăng trưởng GDP cao nhất 10 năm qua, do đâu?

Một cách hồ hởi, khi công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP quý I năm nay đã ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. “Mức tăng trưởng này đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Nỗ lực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, nền kinh tế đã tiếp tục đà tăng trưởng cao trong quý I năm nay.
Nỗ lực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, nền kinh tế đã tiếp tục đà tăng trưởng cao trong quý I năm nay.

Ông Lâm chia sẻ, hiếm có năm nào mà Chính phủ lại ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 vào đúng ngày đầu năm như năm nay; sau đó lại tiếp tục chỉ thị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty không được để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Phân tích rõ hơn về mức tăng trưởng này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết, có sự đóng góp rất lớn của khu vực công nghiệp. “Quý I năm nay, khu vực chế biến, chế tạo đã tăng tới 13,56%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, trong khi năm ngoái chỉ tăng 7,8%”, ông Thúy nói.

Dù đà hồi phục kinh tế đã khá mạnh mẽ, song Thủ tướng luôn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Theo ông Thúy, đóng góp chính cho sự tăng trưởng này chính là ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm điện tử và linh kiện, trong đó dấu ấn của Samsung là mạnh mẽ nhất. Nếu như năm 2010, ngành này chỉ đóng góp 9,9% giá trị tăng thêm của công nghiệp, thì nay, mức đóng góp là 17,6%, chủ yếu do sự tăng tốc sản xuất của các tổ hợp nhà máy Samsung.

Nhưng không chỉ là công nghiệp, theo ông Dương Mạnh Hùng, Phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, động lực cho tăng trưởng GDP quý I còn nằm ở khu vực nông nghiệp. “Ngành nông nghiệp đang tăng trưởng cao trở lại. Sau 13 năm, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản mới có được mức tăng trưởng trên 4%”, ông Hùng nói.

Ông Hùng phân tích, trong công nghiệp, việc ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương, dù ít, trong khi năm ngoái “âm” 8%, cũng đã tác động tới tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Chưa kể, tiêu dùng cũng tăng trưởng tốt, du lịch tăng trưởng cao, xuất nhập khẩu tăng mạnh, xuất siêu 1,3 tỷ USD… Những yếu tố này được cho là đã tạo động lực để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 7,38% trong quý I năm nay. “Cũng phải tính tới yếu tố là năm ngoái, tăng trưởng GDP thấp, nên nếu so sánh, thì GDP quý I năm nay sẽ tăng trưởng cao”, ông Lâm nói.

Chưa thể sớm thỏa mãn

Tăng trưởng GDP cả năm ngoái đạt 6,81%, nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã luôn nhắc nhở rằng, không được “ngủ quên trên chiến thắng”. Bởi vậy, dù đà hồi phục của nền kinh tế đã khá mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay, song Thủ tướng luôn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải rất nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

“Tuy quý I đạt tăng trưởng cao như vậy, song mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay là không dễ đạt, phải rất cố gắng”, người đứng đầu cơ quan thống kê quốc gia đã nói như vậy.

Thậm chí, phân tích cụ thể hơn, ông Lâm cho rằng, còn rất nhiều yếu tố rủi ro, thách thức có thể đến với nền kinh tế Việt Nam. Lạm phát cao chỉ là một vấn đề. Bên cạnh đó, còn là những thách thức đến từ giải ngân vốn đầu tư phát triển còn thấp, 3 tháng chỉ bằng 14,4% kế hoạch năm; ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khó có thể duy trì đà tăng trưởng cao trong hai quý cuối năm, thậm chí tốc độ tăng sẽ giảm dần…

“Các chính sách mới của Mỹ cũng sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam”, ông Lâm nói. Theo ông, trong khi nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều khả năng chỉ là một “quân bài” chính trị, sẽ không có nhiều tác động tới kinh tế - xã hội Việt Nam, thì việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành các chính sách thuế mới lại được dự báo là có những ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mỹ giảm thuế sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng cũng tác động không thuận tới kinh tế toàn cầu. Giảm thuế sẽ làm tăng tiêu dùng của người dân, của Chính phủ, qua đó có thể làm tăng thâm hụt ngân sách của họ. Thâm hụt tăng sẽ dẫn tới chính sách thắt chặt, qua đó ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Giảm thuế cũng sẽ khiến luồng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư tài chính - chiếm tới 75% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Mỹ - quay trở về Mỹ. Các dòng vốn đầu tư khác cũng sẽ hướng về thị trường này. Khi đó, môi trường kinh tế, tài chính thế giới sẽ có những biến động khó lường, ảnh hưởng tới Việt Nam.

“Đây là điều cần quan tâm theo dõi. Chính phủ hồi tháng 2 vừa qua đã chỉ đạo các bộ, ngành sớm nghiên cứu, có chính sách để ứng phó với các tác động do thay đổi chính sách của Mỹ. Đây là điều cần tiếp tục quan tâm”, ông Lâm nói.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nhấn mạnh, những đổi thay chính sách của Mỹ có thể gây áp lực đến tỷ giá và giá trị của đồng tiền Việt Nam. “Nếu tiền đồng bị mất giá, sẽ gây hệ lụy với xuất nhập khẩu, tới ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

Rõ ràng, dù kinh tế đang diễn biến tích cực, nhưng rủi ro, thách thức còn rất lớn. Điều quan trọng là làm sao có kịch bản kinh tế chuẩn xác, để theo đó điều hành và quyết liệt thực hiện, giống như năm ngoái, Việt Nam đã từng làm được.

Thông tin cho biết, hôm nay (30/3), một cuộc họp bàn về xây dựng kịch bản kinh tế 2018 sẽ diễn ra. Kết quả cuộc họp sẽ là định hướng quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư