Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam cần lực lượng doanh nghiệp quốc gia
Khánh An - 25/01/2017 08:21
 
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chìa khóa tăng trưởng của năm 2017 là năng lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Năm mới đến, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đang nhìn năm tới với những nét vẽ nào?

Tôi muốn nhắc đến câu chuyện Thủ tướng Chính phủ tuyên bố không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016, dù biết tình hình khó khăn. Kết quả là cuối năm đây là chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Đây là quyết định không dễ, nhưng cách tiếp cận này thể hiện tư duy rất rõ là không chạy theo chủ nghĩa thành tích, không nhìn vào ngắn hạn. Trong hội nhập, khi chúng ta đang trong cuộc đua với thế giới, mà chỉ nhìn xuống chân mình, lại nhìn từng năm một, thậm chí 6 tháng một, cứ thấy có khả năng không đạt mục tiêu là điều chỉnh giảm để… đạt được, thì càng dễ ngã. Đáng nói là với cách nhìn từng năm một, điều chỉnh chỉ tiêu khi có vấn đề thì sẽ có tâm lý năm nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, các vấn đề về cơ cấu, dài hạn sẽ không được thực sự quan tâm.

Bởi vậy, tín hiệu từ Chính phủ năm vừa rồi là sự thay đổi tích cực.

Nhưng khó khăn trong năm nay còn rất nhiều, toàn những khó khăn mang tính cơ cấu.

Một là, nông nghiệp, nông thôn chưa bao giờ “bi kịch” như năm vừa rồi. Hạn hán, ngập mặt, lụt… Đây không chỉ là vấn đề thiên tai mà là thay đổi toàn bộ cấu trúc phát triển trong những năm tới đây, không chỉ cơ cấu ngành hàng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn các vấn đề xã hội đi kèm.

Hai là, Việt Nam hội nhập chứ không còn mở cửa, nghĩa là không thể tự quyết việc đóng hay mở nữa, mà là một phần không thể tách rời của nền kinh tế thế giới. Giờ là lúc phải luyện nội lực để hít thở mạnh mẽ trong hội nhập, chứ không phải là đứng ngoài, phòng thủ.

Ba là, nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam (FTA) tham gia đang có vấn đề. Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). EU đang thay đổi cấu trúc so với những gì chúng ta biết khi ký kết Việt Nam – EU FTA. Hàn Quốc cũng đang trong giai đoạn có vấn đề của họ…, nên cũng có thể ảnh hưởng đến VK FTA. Các dự báo về kinh tế Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ tác động đến chúng ta…

Đây chính là những vấn đề tăng trưởng kinh tế năm 2017 đang đối mặt, thưa ông?

Bởi vậy, tôi vẫn cho rằng, tăng trưởng bao nhiêu không phải là vấn đề thực sự quan trọng, quan trọng là cách làm, tạo dựng cho thị trường phát triển thuận lợi nhất.  Khi đó, các con số tăng trưởng sẽ xuất hiện bền vững. Chúng ta sẽ không cần căn ke từng phần trăm một nữa…

Đó là sơ đồ tăng trưởng tính đến câu trúc mới chứ không chỉ tính tới tốc độ. Câu chuyện vẫn là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đủ năng lực để hấp dẫn các nguồn vốn chất lượng.

Tái cơ cấu không phải là chỉnh sửa, tháo gỡ, mà phải là thay đổi.

Khi đó, một phần trăm tăng trưởng sẽ khác với hiện tại. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ bám được với kinh tế thế giới để nhảy nhanh, chứ không phải lò dò từng bước một. Nói một cách nôm na, một bước của con hổ rất khác một bước của con kiến. Chúng ta muốn có bước đi của một con hổ. 

Năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế nói đến động lực mới của năm nay và những năm tới là doanh nghiệp Việt Nam…

Đúng là động lực mới, nhưng thực chất doanh nghiệp Việt Nam còn quá yếu. Đây là điểm khó của nền kinh tế Việt Nam.

Trở lại TPP, nếu không có TPP, FDI có thể sẽ có những tác động, nhưng cũng có thể là tác động tích cực vì các dòng FDI không thực sự tốt, dòng FDI kiếm lợi nhờ sự dễ dàng của thị trường sẽ giảm đi.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ buộc phải thể hiện mình tốt hơn – nghĩa là phải cải thiện mạnh mẽ hơn để hấp dẫn các dòng vốn chất lượng thực sự.

Nhưng, doanh nghiệp Việt Nam yếu, không liên kết được, thậm chí không đủ sức tạo thành lực lượng. Điều này sẽ khiến việc kết nối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, để tạo thế vững mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam, sẽ còn khó khăn.

Vậy khuyến nghị của ông là?

Lực lượng doanh nghiệp sẽ là trục cơ bản để phát triển. Chúng ta cần có các tập đoàn tư nhân mạnh để tạo ra trục tăng trưởng này. Vì 1 triệu doanh nghiệp mà toàn doanh nghiệp li ti, chỉ lo kiếm sống cho mình, cho gia đình mình thì chưa đủ. Chúng ta cần có những doanh nghiệp có mục tiêu cạnh tranh quốc tế, hướng tới mục tiêu làm giàu, chinh phục các thử thách mới…

Bởi vậy, cách tiếp cận về doanh nghiệp phải thay đổi.

Một là, cần phải quan niệm một doanh nghiệp là tài sản quốc gia và đất nước phải bảo vệ. Ai phạm sai lầm, cá nhân nào vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng không để doanh nghiệp sụp đổ.

Hai là, khởi nghiệp đừng là phong trào. Hai yếu tố của khởi nghiệp cần phải xác định rõ, đó là sáng tạo và sự cạnh tranh.

Ba là, Chương trình 5 năm tới phải tạo ra được lực lượng doanh nghiệp quốc gia trên cơ sở hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng. Chúng ta phải giải được bài toán, vì sao sau thời gian dài hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư