Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Mục tiêu tăng trưởng 2017: Chỉ ra khó khăn không phải để bàn lùi
Mạnh Bôn - 10/01/2017 08:25
 
Những ngày làm việc đầu tiên của năm 2017 đã bắt đầu với mục tiêu đặt ra là tăng trưởng GDP đạt 6,7%. Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, có không ít rào cản để đạt được mục tiêu này. “Chỉ ra khó khăn không phải là bàn lùi, mà để tìm ra giải pháp thực hiện được mục tiêu đã đặt ra”, ông Lâm chia sẻ.
TIN LIÊN QUAN

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% có những khó khăn nào, thưa ông?

Nghị quyết 23/2016/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, phải nói đây là một thách thức vô cùng lớn. Ở góc độ khách quan, kinh tế thế giới phục hồi chậm. Gần đây nhất, tất cả các định chế tài chính - ngân hàng có uy tín trên thế giới đều dự báo là kinh tế thế giới năm nay không sáng sủa hơn năm 2016, thậm chí Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 có khả năng thấp hơn năm 2016.

.
.

Kinh tế Việt Nam là một phần của kinh tế thế giới, một khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu không tăng, thậm chí giảm, thì bảo đảm tăng trưởng GDP năm 2017 cao hơn năm 2016 (6,7% so với 6,21%) là một thách thức rất lớn.

Bên cạnh đó, cả thế giới đang “phấp phỏng” trước các chính sách của Tổng thống Mỹ đắc cử, ông Donald Trump và cũng chưa lường hết được hậu quả của Brexit tác động thế nào tới kinh tế toàn cầu?

Chưa rõ quan điểm của ông Donald Trump về hoạt động đầu tư, thương mại của Mỹ trong thời gian tới ra sao, nhưng nhiều khả năng sẽ không tiếp tục thực hiện các chính sách mà Tổng thống Barack Obama đã theo đuổi suốt 8 năm qua.

Sự kiện Brexit cùng với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang nổi lên gần đây tại các nền kinh tế lớn chắc chắn tác động rất lớn tới trao đổi thương mại toàn cầu. Một khi các cường quốc kinh tế thực hiện cả thuế quan lẫn hàng rào kỹ thuật bảo hộ sản xuất trong nước thì các nền kinh tế nhỏ hơn cũng đáp trả bằng giải pháp tương tự, khi đó thương mại toàn cầu sẽ bị tổn thương, đặc biệt đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Độ mở của nền kinh tế cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào thương mại thế giới và vào nhu cầu của các nước đối tác. Khi các thị trường lớn giảm nhu cầu, thiết lập các hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước sẽ tác động ngay đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

Một nguyên nhân khiến GDP năm 2016 tăng thấp hơn mục tiêu là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp nhất kể từ năm 2011 do thiên tai, hạn hán. Năm 2017, yếu tố thiên nhiên, thời tiết sẽ tác động ra sao?

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường nghe câu hát “anh ở trong này không có mùa Đông” để nói về thời tiết giữa 2 miền Nam - Bắc. Mùa Đông ở miền Bắc rất lạnh, còn ở miền Nam vẫn nắng nóng. Nhưng năm nay đã sắp hết mùa Đông, nhưng thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chủ yếu là nắng nóng. Điều này báo trước hiện tượng thời tiết ở miền Bắc biến đổi bất thường, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Còn ở miền Nam, trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản của cả nước thì xâm nhập mặn đã vào tận lõi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều người nói, hạn hán, xâm nhập mặn là cơ hội để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng chịu được với hạn hán, xâm nhập mặn có hiệu quả cao hơn, nhưng thực tế cho thấy, xâm nhập mặn không hẳn đã tốt cho nuôi trồng thủy sản.

Nên nhớ rằng, nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp vào GDP 17 - 18%, một khi khu vực này tăng trưởng chậm sẽ tác động ngay tới tốc độ tăng trưởng GDP.

Công nghiệp khai khoáng thì sao, thưa ông?

Giá dầu trên thế giới được dự báo khó có khả năng tăng mạnh, vì vậy hoạt động khai thác dầu thô sẽ còn khó khăn nên Chính phủ chỉ đặt kế hoạch khai thác 14,02 triệu tấn dầu thô trong năm nay. Hiện cả nước còn tồn kho 10 triệu tấn than, giá than trên thế giới cũng khó có khả năng tăng trở lại, nên ngành công nghiệp khai thác than chắc vẫn khó khăn.

Xem ra, nhìn vào đâu cũng thấy khó khăn?

Với chức năng là cơ quan thống kê trung ương, chúng tôi có trách nhiệm phân tích và dự báo phục vụ việc xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Những dự báo khó khăn nêu trên không phải là bàn lùi, mà giúp Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.

Bên cạnh những khó khăn kể trên, năm 2017 cũng có không ít thuận lợi.

Thứ nhất, các chính sách cải cách thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh đã phát huy hiệu quả trong năm 2016, khi có tới 110.100 doanh nghiệp được thành lập; gần 26.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là con số kỷ lục từ trước tới nay. Với môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 tiếp tục tăng là động lực để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, lạm phát được kiểm soát, tạo điều kiện để tăng trưởng tín dụng 18% vào năm nay và giữ được mặt bằng lãi suất, thậm chí lãi suất cho vay một số đối tượng, lĩnh vực còn có khả năng giảm thấp hơn năm 2016.

Thứ ba, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đang tăng. Một khi người tiêu dùng có niềm tin sẽ bỏ vốn ra đầu tư, tăng tiêu dùng qua đó làm tăng lượng cầu - yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư