Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Ngoài năm 2020 mới nên nghĩ đến việc tăng độ tuổi lao động
Hải Hà - 09/01/2017 08:25
 
Tăng tuổi nghỉ hưu với mục tiêu là sử dụng chất lượng nguồn nhân lực cao như bác sĩ giỏi, giáo sư giỏi, những nhà chuyên môn giỏi, nhưng phải tính toán là giữ đến mức độ nào để không ảnh hưởng đến số sinh viên, học sinh ra trường không có việc làm. Đây là ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
TIN LIÊN QUAN

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu, theo ông phương án nào là tối ưu?

Dự thảo Luật đã trình 2 phương án để xin ý kiến Chính phủ.

Phương án 1, giữ như bộ luật hiện hành về tuổi nghỉ hưu là, nam  60 tuổi và nữ là 55 tuổi.

Phương án 2, tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành “mượt mà”, không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.

.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đây là bài toán chúng ta phải tính rất cụ thể. Quan điểm của cá nhân tôi là giữ nguyên mức tăng tuổi nghỉ hưu theo Điều 187, Bộ luật Lao động hiện hành.

Theo ông, ưu điểm và hạn chế của các phương án trên là gì?

Trong Điều 187 có 3 khoản. Khoản thứ nhất, tuổi nghỉ hưu của nữ là 55, của nam là 60. Khoản thứ 2, quy định giảm tuổi cho những người làm công việc nặng nhọc hoặc vùng độc hại có thể giảm tới 5 năm, như vậy thực chất nữ có thể về hưu ở tuổi 45 và nam ở tuổi 50. Khoản thứ 3, quy định những người có chuyên môn kỹ thuật cao, những người có trình độ quản lý, khi đã đến tuổi nghỉ hưu mà có nhu cầu làm việc, thì có thể được làm việc tối đa không quá 5 năm.

Tuy nhiên, thực tế khoản 3 chúng ta mới chỉ áp dụng cho những đối tượng đang trong nhiệm kỳ giữ chức vụ từ Thứ trưởng, Phó chủ tịch tỉnh trở lên. Nếu Điều 187 mở rộng và áp dụng trên thực tế cho toàn bộ các ngành, cho phép những người có trình độ chuyên môn cao kéo dài thêm 5 năm khi doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cần, thì chúng ta vẫn giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khi áp dụng Điều 187 Bộ luật Lao động thì ưu điểm của phương án 1 sẽ vừa giải quyết được bài toán kinh tế, tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng, vừa giải quyết được vấn đề xã hội là giải quyết được việc làm cho người trẻ mới ra trường, trong hoàn cảnh thực tế đang có hàng vạn sinh viên ra trường thiếu việc làm mỗi năm.

Phương án thứ 2 cũng là phương án tốt, nhưng phải tính lộ trình. Theo tôi, phải ngoài năm 2020 chúng ta mới nên bắt đầu nghĩ đến việc quy định tăng độ tuổi lao động và không nên mỗi năm tăng 3 tháng, mà nên 3 năm tăng 1 năm để làm sao đến năm 2030, chúng ta nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 58; tiếp đến, năm 2037 thì nam là 65, nữ là 60, vì đến lúc đó, dân số của chúng ta bắt đầu già hóa và bắt đầu có hiện tượng thiếu lực lượng lao động, thì việc tăng tuổi sẽ đảm bảo cung lao động đáp ứng cầu sử dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm đảm bảo không vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, ông nhận định ra sao về vấn đề này?

Quỹ Bảo hiểm xã hội của chúng ta do Nhà nước quản lý, không bao giờ vỡ, nếu ai nói vậy là hoàn toàn sai lầm. Việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ tác động một phần do nguyên tắc của chúng ta là đóng - hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Hiện, Quỹ đang được quản lý chặt chẽ bằng Hội đồng Trung ương do Bộ trưởng Bộ tài chính quản lý, không ai sử dụng được, chúng ta đang đầu tư để tăng trưởng, bảo tồn và phát triển quỹ này.

Tuy nhiên, việc mất cân đối Quỹ là do chúng ta đang đóng quá ít, hưởng quá nhiều, tuổi thọ trung bình đang được nâng cao. Thực tế hiện nay, tính bình quân một người lao động đóng là 30 năm, mức đóng chưa tới 30% lương, khi về hưu hưởng lương hưu từ 18 - 20 năm, với mức hưởng tới 75%.

Để đảm bảo cân đối Quỹ, hiện chúng ta đang mở rộng diện bao phủ đóng bảo hiểm xã hội với những lao động có quan hệ lao động từ 1-3 tháng vì đã có liên thông giữa hệ thống bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện. Từ 1/1/2018, nếu vấn đề trên được kiểm soát, chúng ta sẽ có thêm khoảng 7,5 triệu người thuộc diện này tham gia thêm vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Phương án 1 được xem là tối ưu nếu được bổ sung, tuy nhiên, mức hưởng lương hưu của người lao động có thể ít hơn so với phương án 2 khi họ được kéo dài thời gian làm việc?

Cần tách tuổi nghề và tuổi hưu, nhằm tạo cho người lao động có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội. Ví dụ, người có chức vụ, có chuyên môn cao khi tới tuổi hưu có thể không đảm nhiệm tiếp vị trí như cũ, nhưng nếu họ vẫn có nhu cầu tham gia thị trường lao động, chúng ta nên quy định cho phép họ đóng tiếp bảo hiểm xã hội để có thể lĩnh lương hưu cao hơn, coi đó là việc tăng thêm của để dành.

Muốn làm được điều này, chúng ta cần đảm bảo số tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội phải công khai, minh bạch và nên coi đây là bài toán lâu dài cho Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư