Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Nhiều ngân hàng chưa thoát lỗ lũy kế
Vân Linh - 05/12/2017 15:18
 
Tuy lợi nhuận của hầu hết ngân hàng đã cải thiện rõ nét, song nhiều ngân hàng vẫn chưa xóa được khoản lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng, khiến cổ đông đứng ngồi không yên.
TIN LIÊN QUAN

Chưa thoát lỗ lũy kế

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo với Ngân hàng Eximbank do lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9/2017 là 118 tỷ đồng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 của Eximbank, thu nhập lãi thuần đạt 602 tỷ đồng, giảm hơn 16%; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 80 tỷ đồng, giảm 1,2%. Mặc dù trong quý này, Eximbank đã giảm trích lập dự phòng trong kỳ từ 262 tỷ đồng xuống 228 tỷ đồng (giảm 13%), nhưng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng chỉ đạt gần 60 tỷ đồng, bằng 1/2 cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 457 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch năm 2017.

.
.

Như vậy, sau hơn 2 năm, Eximbank chưa khắc phục được hết khoản lỗ lũy kế sau khi bị điều chỉnh hồi tố gần 1.000 tỷ đồng do hạch toán việc bán tài sản cho Eximland (công ty mà Eximbank nắm quyền chi phối) không đúng quy định. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Eximbank chưa khắc phục được nguyên nhân, dẫn đến việc cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016 do ảnh hưởng bởi khoản lỗ lũy kế này. 

Sau khi cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo, HĐQT Eximbank đã công bố kế hoạch khắc phục tình trạng lỗ lũy kế cuối năm 2016 và đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo. Tuy vậy, tình hình kinh doanh năm 2016 không được như kỳ vọng, với mức lợi nhuận sau thuế đạt 308 tỷ đồng, lỗ lũy kế 463 tỷ đồng.

Đến nay, Eximbank vẫn chưa thoát được khoản lỗ lũy kế nói trên, nên cổ phiếu vẫn trong diện cảnh báo. Chính điều này đã tác động tiêu cực lên thanh khoản và giá cổ phiếu EIB (hiện được giao dịch chưa tới 13.000 đồng/cổ phiếu). HOSE cho biết sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu EIB căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của Eximbank.

Khó khắc phục

Trên thị trường tài chính hiện nay, không chỉ Eximbank, một số ngân hàng khác cũng đang đối mặt với khoản lỗ trong nhiều năm qua. Chẳng hạn, tại VietBank, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy, kết quả kinh doanh có nhiều điểm sáng, lợi nhuận trước thuế đạt 73,4 tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch đề ra năm 2017. Tuy nhiên, ngân hàng này chưa xóa được khoản lỗ lũy kế 189 tỷ đồng, dù đã giảm 38% so với thời điểm dầu năm 2017 (lỗ lũy kế 262 tỷ đồng).

Trải qua hơn chục năm hoạt động và phát triển, VietBank hầu hết được biết đến liên quan tới câu chuyện kiện cáo với ACB khi vụ án “bầu” Kiên được mang ra xét xử. Đến năm 2014, ACB đã thoái hết vốn tại VietBank và ngân hàng này rơi vào những khó khăn lớn trong kinh doanh, như liên tục lỗ lũy kế, không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận hàng năm.

Trước bức xúc của cổ đông về tình hình kinh doanh của VietBank, HĐQT ngân hàng này trần tình, VietBank phải gánh nợ xấu trên 1.000 tỷ đồng vào năm 2009. Từ năm 2013 - 2016, Ngân hàng phải tìm các biện pháp khắc phục thu hồi nợ xấu theo yêu cầu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. 3 năm qua, VietBank lỗ luỹ kế trên 200 tỷ đồng. 

Ngày 4/11, VietBank đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện các thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung toàn bộ 324,9 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị đăng ký 3.249 tỷ đồng, tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trước đó, VietBank đã 2 lần hoãn đăng ký lưu ký tại VSD, nên khả năng hoàn thành kế hoạch đưa cổ phiếu lên UPCoM năm nay không khả thi.

Ngoài các ngân hàng trên, thực trạng lỗ lớn cũng xảy ra ở 3 ngân hàng gồm: CB Bank (trước là VNCB), OceanBank và GP Bank, khi tình hình tài chính vẫn không được cải thiện, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2017 vừa được gửi tới Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình tài chính của 3 ngân hàng này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư