Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Sắp báo cáo Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh: Mới có 3 Bộ "chủ động rà soát"
Khánh An - 28/09/2016 16:05
 
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng năm 2020, mới có 3 trong số 10 bộ chủ động rà soát các quy định liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

3 bộ được nêu danh là Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông – Vận tải.  

Như vậy, các bộ Công thương, Khoa học và Công nghệ, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng ở nhóm những cơ quan chưa có hoạt động tích cực.

Đương nhiên, hệ quả là các thủ tục liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành chưa có chuyển biến đáng kể là điểm nhấn được nêu trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng năm 2020 sẽ gửi Chính phủ trong cuộc họp Chính phủ tháng 9 tới đây.

Trong số các bộ được ghi nhận tích cực, dù còn nhiều việc phải tiếp tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đánh giá tích cực trong triển khai các giải pháp đổi mới quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu theo yêu cầu của Nghị quyết 19, nhất là trong thủ tục kiểm dịch thực vật.

Thủ tục kiểm dịch thực vật đã giảm được 2/3 giấy tờ hồ sơ, thời gian đã được rút ngắn đáng kể,…); đã hài hoá hoá thủ tục kiểm dịch và thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, từ chỗ do 2 đơn vị thực hiện, nay chỉ do 1 đơn vị là cơ quan kiểm dịch thực hiện; đã kết hợp thủ tục hợp quy và thủ tục kiểm tra chất lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu thành 1 thủ tục; đã bãi bỏ thủ tục đăng ký xuất khẩu cá tra; đã thực hiện đo thời gian hoàn thành thủ tục kiểm dịch đối với hàng hoá xuất nhập khẩu để kịp thời có các giải pháp rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp...

Đối với kiểm dịch động vật, đơn vị thực hiện kiểm dịch động vật được phân công thực hiện cả việc kiểm dịch thú y và kiểm tra an toàn thực phẩm. Cách áp dụng này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hợp lý, giảm được số lượng thủ tục, thời gian, nhân lực cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Trong số các bộ ít chuyển biến nhất, Bộ Công thương lại có tên. Đây cũng là bộ có số văn bản được nêu nhiều nhất. Hàng loạt các vấn đề đang được chờ giải quyết, gồm vấn đề kiểm tra formaldehyte và amin thơm trên các sản phẩm dệt may; Thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên các phương tiện, thiết bị nhập khẩu; Thủ tục “Xác nhận khai báo hoá chất” nhập khẩu…

Riêng thủ tục xác nhận khai báo hóa chất, việc quy định“Xác nhận khai báo hoá chất” tại Nghị định 26 và Thông tư 40 không đúng với quy định của Luật Hoá chất. Điều 43 Luật Hoá chất số 06/2007/QH12 ngày 21/11/2007 chỉ quy định doanh nghiệp phải khai báo, Bộ Công thương quy định biểu mẫu khai báo, không có bất cứ điều, khoản nào quy định Bộ Công thương xác nhận việc khai báo đó.

Mục đích của việc khai báo hoá chất chỉ để Bộ Công thương nắm được lượng hoá chất từng loại tồn đọng tại Việt Nam, không nhằm mục đích cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, với quy định “Xác nhận khai báo hoá chất” đã biến thủ tục này thành một giấy phép (nếu doanh nghiệp không có giấy này hàng hoá không được thông quan). Từ năm 2015, phí xác nhận khai báo hoá chất là 100.000 đồng/Giấy xác nhận khai báo hóa chất nhập khẩu; 200.000 đồng/ Giấy xác nhận khai báo hóa chất sản xuất.

Theo một khảo sát độc lập năm 2015, mỗi năm Cục Hoá chất (Bộ Công thương) cấp khoảng trên 50.000 Giấy xác nhận khai báo hóa chất, mất thời gian trung bình từ 12-14 ngày/lô hàng.

Như vậy, việc xác nhận khai báo hóa chất theo quy định hiện hành đã làm mất thời gian của doanh nghiệp và khoản chi phí chính thức vào khoảng 5-10 tỷ đồng/năm.

Tính đến ngày 26/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được báo cáo của 17 Bộ, cơ quan và 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng năm 202.

Các bộ gồm: Tài chính, Công thương, Nội vụ, Nông nghiệp phát triển nông thôn, BHXH Việt Nam, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin truyền thông, Văn hóa thể thao và du lịch, Quốc phòng, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, TTX Việt Nam.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Chính phủ yêu cầu từng Bộ, ngành, địa phương phải đề ra giải pháp hữu hiệu,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư