Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thủ tướng kỳ vọng Bộ Ngoại giao là "người dũng cảm" chống trì trệ
Như Chính - 27/02/2018 07:30
 
“Những cản trở, trì trệ luôn có ở một đất nước, một tổ chức, một cơ quan, cho nên phải có những người dũng cảm để chống trì trệ, chống vô tổ chức, chống xuống cấp của tổ chức, cơ quan, từ đó chúng ta xây dựng đất nước. Chính vì thế, Bộ Ngoại giao phải là người dũng cảm đó”.

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đến thăm Bộ Ngoại giao và chỉ đạo công tác đối ngoại năm 2018 ngày 26/2.

Phát biểu với các cán bộ, chuyên viên Bộ Ngoại giao tại buổi làm việc, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao đội ngũ cán bộ của ngành, trong đó có nhiều người mà Thủ tướng đã làm việc trực tiếp, có trình độ cao, có khả năng tổng hợp, xây dựng chính sách, tâm huyết, trách nhiệm.

Thủ tướng nêu rõ, trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp to lớn, nhiều mặt của Bộ Ngoại giao. Năm 2017, các hoạt động đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Thông qua các biện pháp vừa hợp tác, vừa đấu tranh, Việt Nam đã kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.

Bộ Ngoại giao đã thực hiện tốt công tác quan tâm chăm lo đồng bào ta ở nước ngoài, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, nhất là đối với các ngư dân, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, hướng về xây dựng quê hương đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem các hình ảnh về công tác đối ngoại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem các hình ảnh về công tác đối ngoại

Theo Thủ tướng, thành tích lớn nhưng cũng cần nói đến cả bất cập, hạn chế để rút kinh nghiệm, khắc phục. “Ta làm tốt công tác tại diễn đàn ASEAN nhưng nhận thức về ASEAN vẫn chưa lan tỏa đến người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng chỉ rõ và cho rằng, ngoại giao kinh tế, hội nhập kinh tế cần chú trọng hơn nữa, tranh thủ hiệu quả các cam kết trong các hiệp định tự do thương mại đã ký để phát triển thị trường. Công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo cần kịp thời, nhạy bén, khẩn trương hơn nữa trong bối cảnh quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp.

Trong mọi lĩnh vực công tác, kể cả Bộ Ngoại giao, còn có tình trạng một số công chức hoàn thành chưa tốt nhiệm vụ, do vậy, việc xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, vững mạnh cần tiếp tục là một ưu tiên quan trọng, góp phần vào xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là không ngồi chờ, không thụ động mà phải chủ động giúp doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng chính nhưng tình hình thế giới có nhiều thay đổi khó lường, do đó phải có cách làm phù hợp trong công tác đối ngoại, đưa đất nước tiến lên.

Bộ Ngoại giao cần khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh, siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, phục vụ. Cần đi đầu trong thực hiện phương châm hành động “10 chữ” mà Chính phủ đề ra trong năm 2018.

Thủ tướng bày tỏ “luôn đau đáu trong việc tìm ra một lối đi, cách làm hiệu quả nhất cho đất nước” và mong muốn Bộ Ngoại giao nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Việt Nam.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao

Thủ tướng đề nghị với 1.200 cán bộ, công chức, trong đó trên 1/3 dưới 35 tuổi, “các đồng chí cần cố gắng rèn luyện tốt hơn nữa, đề cao trách nhiệm cá nhân trong nghiên cứu, đề xuất xử lý công việc chuyên môn của cục, của vụ mình”. Việc đổi mới cách chỉ đạo, bám sát công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân, với nước, với Bộ rất quan trọng.

Cần chú trọng hơn nữa nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, nâng cao tiềm lực quốc gia; tổng hợp, đánh giá việc thực hiện các hiệp định, văn bản mà Việt Nam đã ký kết.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần, Việt Nam có nhiều đối tác chiến lược, cần đưa vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là với ASEAN, Liên Hợp Quốc nhằm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao tiềm lực đất nước. Kiên trì thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu.

Thủ tướng nhấn mạnh về quốc phòng an ninh, theo chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa và giữ nước từ khi nước chưa nguy, về đối ngoại phải thực hiện tốt chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế là một trọng tâm, cần có chủ trương sáng tạo, phương châm hoạt động, những cách làm mới để thúc đẩy việc này tốt hơn. Những nội dung về ngoại giao kinh tế cần được cụ thể hóa hơn để dễ vận dụng hơn, nhất là năm nay chúng ta có nhiều hiệp định thương mại được ký kết.

Các đại sứ, sứ quán cần tập hợp thông tin, nghiên cứu, kiến nghị về chiến lược, những phương hướng phát triển thị trường cho hàng hóa Việt Nam.

Các nhà ngoại giao, cơ quan ngoại giao không chỉ giúp chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế hiểu về Việt Nam mà còn phải giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiểu về đất nước và những cơ hội kinh doanh ở nơi mình công tác.

Cho biết luôn đọc kỹ các bức điện, báo cáo của Bộ Ngoại giao, các sứ quán, của các vụ, cục liên quan khác, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cần chọn những chuyên đề để báo cáo lãnh đạo Bộ và báo cáo Thủ tướng như: Những xu hướng của thị trường chứng khoán sắp tới, vấn đề Biển Đông, vấn đề tiền ảo, vấn đề xu hướng tiêu dùng khu vực...

Thủ tướng nhấn mạnh để thành công thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Do đó, cần quan tâm xây dựng lớp cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên. “Tinh thần lớn mà Thủ tướng muốn nói với đồng chí là phải tìm, đưa vào Bộ Ngoại giao những người tài đức; đầu ra phải cơ cấu lại, giảm những bộ phận không cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Những cản trở, trì trệ luôn có ở một đất nước, một tổ chức, một cơ quan, cho nên phải có những người dũng cảm để chống trì trệ, chống vô tổ chức, chống xuống cấp của tổ chức, cơ quan, từ đó chúng ta xây dựng đất nước. Chính vì thế, Bộ Ngoại giao phải là người dũng cảm đó”, Thủ tướng chia sẻ và đề nghị: "Các đồng chí cần đưa ra các sáng kiến mới, những ý tướng mới để chống trì trệ, cản trở sự phát triển đất nước. Đây là nhiệm vụ nặng nề mà tôi mong các đồng chí cố gắng”.

Về vấn đề cán bộ, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Ngoại giao cần nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công tác đối ngoại trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho các vị trí khác nhau ở cơ quan ngoại giao tại mỗi nước và thậm chí trong từng vụ, cục. Thủ tướng lấy ví dụ có một ngân hàng thương mại quốc tế đưa ra công thức 6:3:2, tức là một nhân viên tín dụng mỗi ngày phải gọi điện thoại cho 6 khách hàng, gặp 3 người và ký 2 hợp đồng, như vậy mới gọi là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thủ tướng mong rằng mỗi cán bộ, nhân viên ngoại giao là những chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao, luôn trung thành, kiên định về đường lối, linh hoạt, sáng tạo trong hành động vì một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu, nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc, hằng mong muốn.

Định hình luật chơi trong cơ chế đa phương
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới khiến chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư