Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Vina T&T Group tham vọng làm mới trái cây nội
Thế Hải - 05/06/2018 10:04
 
Quyết định về… “đá sân nhà” của Vina T&T Group, nhà xuất khẩu nông sản và trái cây quy mô gần 30 triệu USD/năm khiến thị trường các chuỗi bán lẻ trái cây trong nước đứng ngồi không yên.

Trở về nhà

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (Vina T&T Group) đang mặc áo tân binh khi vừa khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại ngay “đại bản doanh” của mình (số 79 - Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Đây là cửa hàng đầu tiên tại thị trường nội địa của doanh nghiệp có gần 10 năm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và trái cây sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Canada… Năm 2017, Vina T&T Group đạt doanh thu xuất khẩu 26 triệu USD, vượt mục tiêu ban đầu 8 triệu USD. 

Gần 1 năm trước, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T đã thổ lộ kế hoạch mở chuỗi bán lẻ nông sản tại thị trường nội địa, nhằm tận dụng tối đa nguồn cung tại các vùng sản xuất hiện có.

Vina T&T có danh mục trái cây đa dạng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu
Vina T&T có danh mục trái cây đa dạng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu

“Vina T&T Group đã nhìn thấy cơ hội rất lớn ở thị trường nội địa, nhất là những lúc chúng tôi có đơn hàng cung cấp trái cây tươi cho các doanh nghiệp, bệnh viện… để phục vụ sự kiện của họ. Tôi nghĩ, phải tận dụng cơ hội ngay tại thị trường của hơn 93 triệu người này”, ông Tùng nói về quyết định quay trở lại sân nhà.

Nhưng điều mà ông cảm thấy cần phải quay về hơn cả, đó là người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả giá cao để mua các loại trái cây nhập ngoại, trong khi trái cây chất lượng cao của Việt Nam lại dành cả để xuất khẩu. Các hệ thống bán lẻ trái cây Việt Nam gần đây cũng đã được để tâm, nhưng chưa thực sự tạo dấu ấn, thậm chí gần như không có cửa khi so với các chuỗi cửa hàng bán lẻ trái cây nhập ngoại.

Hiện trạng này có thể nhìn thấy ngay trong bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam hiện tại. Năm 2017, xuất khẩu rau quả cả nước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2016. Nhưng cũng năm 2017, tổng tiền phải chi để nhập khẩu rau củ, trái cây tươi lên tới 1,55 tỷ USD, tăng 67,2% so với năm 2016. 

Trong 4 tháng đầu năm 2018, con số chi nhập khẩu là 451 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, mặt hàng rau ước đạt 107 triệu USD, tăng 45,6%; mặt hàng quả là 328 triệu USD, tăng 37,2%...

Rõ ràng, cơ hội làm ăn cho những doanh nghiệp có tiềm lực và kinh nghiệm làm trái cây sạch với chuỗi sản xuất khép kín như Vina T&T không hề nhỏ, nhưng cạnh tranh không kém phần khốc liệt.

Trong ngành bán lẻ trái cây, nhìn vào số lượng cửa hàng, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư K.L.E.V.E đang là tên tuổi hay được nhắc tới với gần 40 điểm bán, hiện diện tại khắp các quận nội thành Hà Nội và 5 điểm bán tại TP.HCM sau chưa đầy 10 năm thành lập. Đại diện Klever Fruits cũng khẳng định, thời gian tới, Công ty chưa giới hạn điểm bán. Tuy nhiên, chuỗi Klever Fruits chuyên trái cây nhập ngoại, với mức giá cao, chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập khá ở các đô thị…

Còn tân binh Vina T&T có gì khi trở về nhà? Ông Tùng trả lời đó là lợi thế của nhà xuất khẩu trái cây lớn.

Điểm cộng đầu tiên từ lợi thế này là việc Vina T&T sở hữu vùng trồng trái cây rộng lớn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống 3 nhà máy chế biến trái cây tại Bến Tre và Tiền Giang.

Điểm cộng thứ hai là Vina T&T có danh mục đa dạng trái cây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, như chôm chôm, vú sữa, xoài, sầu riêng, dừa…

Điểm cộng thứ ba chính là hệ thống bán lẻ mà Vina T&T bắt đầu thiết lập. So với 80% tổng sản lượng trái cây tươi nội địa đang được phân phối và bán lẻ của kênh chợ truyền thống, sản phẩm thông quan hệ thống bán lẻ của Vina t&T sẽ đảm bảo chất lượng đồng đều, có kiểm soát…

“Chúng tôi xuất khẩu hàng đi Mỹ, Australia như thế nào, thì sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa như vậy, hoàn toàn không có sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã, bao bì, với giá cả rất cạnh tranh, để nhiều người có thể mua được”, ông Tùng nói.

Đặc biệt, ông Tùng hy vọng đây sẽ là yếu tố cơ bản, là điều kiện cần thiết để trái cây nội địa tìm được vị trí xứng đáng trong thị trường cũng như với lòng tin của người tiêu dùng. 

Dựa lưng vào thương mại điện tử

Tiềm năng thị trường lớn như vậy, song việc thâm nhập thị trường cũng không đơn giản với các doanh nghiệp như Vina T&T.

Trước hết, tâm lý khá phổ biến của người tiêu dùng trong nước là đánh giá cao hàng ngoại và chấp nhận chi trả cao hơn cho trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Australia, Ba Lan. Đó là chưa kể các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đang và sẽ sớm thực hiện sẽ tiếp tục nới rộng cánh cửa cho trái cây nhiều nước vào thị trường nội địa.

Với tâm lý như vậy, Vina T&T không dễ chinh phục được khách hàng trong một sớm một chiều. 

“Vina T&T không tham vọng đi nhanh, mà đang ở giai đoạn vừa làm vừa thăm dò thị trường và sẽ có những điều chỉnh để thích nghi với xu hướng tiêu dùng. Nhưng chúng tôi đang tự tin về giá cả”, ông Tùng nói.

Sự tự tin này đến từ việc Vina T&T có thể làm trực tiếp với nông dân tại vựa trái cây lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, từ An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu…, mà không qua bất cứ khâu trung gian nào, nên giá bán tới tay người tiêu dùng sẽ khá “mềm”, giúp cho nhiều tầng lớp người tiêu dùng có cơ hội tiêu dùng sản phẩm từ chuỗi bán lẻ này.

Thử làm một phép tính. Giá xoài cát bán tại vườn khoảng 25.000 đồng/kg, qua các khâu trung gian, vào đến siêu thị hoặc chợ dân sinh là 80.000 - 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, sản xuất các loại trái cây của Vina T&T theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đạt chuẩn xuất khẩu cao hơn, nhưng nhờ lược bỏ được chi phí các khâu trung gian, nên giá đến tay người tiêu dùng không cao hơn so với mặt bằng giá tại chợ dân sinh.

Vina T&T đã tham gia cung cấp trái cây cho Sự kiện Phu nhân ngoại giao vào bếp năm 2017. Tại sự kiện đó, nhiều phu nhân hỏi tôi: Tại sao ở Việt Nam đã lâu mà không hề được thưởng thức những loại trái cây chất lượng như thế này? Tôi nghĩ, mình phải làm một điều gì đó để trả lời cho bằng được câu hỏi của các phu nhân ngoại giao. Ý tưởng về hệ thống bán trái cây xuất khẩu tại nội địa đã nhen nhóm từ đó.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T

Thậm chí, nhờ vào việc phát triển vùng nguyên liệu tốt, có thời điểm giá bán trái cây đi Mỹ của Vina T&T còn rẻ hơn giá chợ đầu mối. Lý do là, nguồn hàng được mua trực tiếp từ nông dân với số lượng lớn, chứ không mua qua trung gian gây đội giá.

Nhưng, giá tốt vẫn chưa đủ để tân binh này có được chỗ đứng chắc chắn. Thử hình dung, trái cây Việt xuất khẩu vài tỷ USD mỗi năm, song ở thị trường trong nước vẫn thường xảy ra tình trạng nông sản ế thừa, giá giảm. Để gây dựng được thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng về trái cây nội, việc mà Vina T&T phải làm là thuyết phục người tiêu dùng nội tin dùng và chi trả nhiều hơn cho trái cây nội được cung cấp tại các hệ thống cung cấp sản phẩm sạch, đạt các tiêu chuẩn như hàng xuất khẩu.

Thêm nữa, thuê mặt bằng cao, sử dụng nhiều nhân công sẽ ngốn một khoản chi phí lớn. Để giải quyết vấn đề này, kế hoạch của Vina T&T là đầu tư mạnh vào mảng bán hàng trực tuyến. “Chúng tôi đưa toàn bộ thông tin sản phẩm, kích cỡ, hình ảnh các gói quà và giá cập nhật lên trang bán hàng để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Như vậy, doanh nghiệp không đầu tư quá lớn vào mặt bằng, mà vẫn thu hút được khách hàng, quảng bá được thương hiệu”, ông Tùng chia sẻ.

Bán hàng đa kênh đang thực sự “bùng nổ”, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những doanh nghiệp nào không nhanh chân tận dụng công nghệ để đưa sản phẩm ra thị trường, đem tới tận tay người tiêu dùng thì sẽ tự đánh mất đi cơ hội “vàng” trong kinh doanh.

Bài toán này đã được Vina T&T tính đến và có lời giải. Tuy nhiên, tham vọng của Vina T&T chưa dừng lại đó. Thừa nhận chữ duyên trong mỗi thương vụ kinh doanh, ông Tùng cho biết, nếu các bước thử thị trường của mô hình cửa hàng bán lẻ đầu tiên hiệu quả, Công ty sẽ tiến ra Đà Nẵng, Hà Nội và tham vọng dài hơi là sau khi gây dựng được chuỗi bán lẻ ổn định, Vina T&T sẽ tính đến phương án kinh doanh nhượng quyền thương hiệu.

“Các sản phẩm trái cây nhiệt đới, như xoài, sầu riêng, nhãn… ta có nguồn cung tốt, đảm bảo được đúng chuẩn xuất khẩu thì tại sao lại nhường quá nhiều sân cho hàng ngoại?”, ông Tùng đặt câu hỏi. 

Hơn ai hết, Công ty Vina T&T phải tự tìm ra lời giải cho chính mình.

Doanh nhân Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group: Ghi điểm cho trái cây Việt
Sau những va vấp ban đầu, Vina T&T và CEO Nguyễn Đình Tùng đang sải những bước dài trên con đường xuất khẩu trái cây sang Mỹ đầy chông gai và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư