Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
491 tỷ đồng hoàn thiện cầu Tân Kỳ-Tân Quý; Sẽ có khu đô thị nghìn tỷ ở Hà Tĩnh
Hạnh Nguyên (tổng hợp ) - 15/10/2022 10:05
 
TP.HCM chi 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý; Hà Tĩnh thống nhất chủ trương đầu tư dự án khu đô thị nghìn tỷ…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

TP.HCM chi 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý 

HĐND TP.HCM đã thông qua việc chi 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) sau 4 năm ngừng thi công.

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý được TPHCM phê duyệt năm 2017, khởi công đầu năm 2018, theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thay thế cầu cũ bị sụt mố cầu năm 2016.

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2025
Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2025

Cầu dài gần 225 m, rộng 16 m cùng đường gom hai bên cầu dài hơn 367 m với tổng mức đầu tư 312,7 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 132 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó tổng vốn đầu tư dự án lên tới 668 tỷ đồng do tính luôn cả lãi vay trong thời gian xây dựng và chờ thu phí.

Theo hợp đồng giữa thành phố và Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO - chủ đầu tư), cầu sẽ hoàn thành cuối năm 2018, sau đó dự kiến hoàn vốn sau hơn 9 năm thu phí thông qua trạm BOT An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1, cách đó khoảng 500 m.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 - thời điểm công trình dự tính hoàn thành nhưng mới đạt 70% khối lượng rồi “trùm mền” đến nay.

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố, các đại biểu đã đồng ý chi thêm 491 tỷ đồng để hoàn thành dự án. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư. Như vậy, dự án sẽ chấm dứt hợp đồng BOT, chuyển qua đầu tư công.

Dự kiến, năm 2023 thành phố sẽ thanh toán các chi phí đã thực hiện cho Công ty IDICO. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật và hoàn thành công trình vào năm 2025.

Cũng tại kỳ họp, hai dự án bị chậm tiến độ cũng được HĐND thành phố cho tăng tổng mức đầu tư. Cụ thể, Khu dân cư Cá Cháy, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, tăng từ 100 tỷ lên 112 tỷ đồng, lùi thời gian hoàn thành vào 2023. Dự án xây dựng tuyến kè bảo vệ khu dân cư ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, vốn tăng từ gần 114 tỷ đồng lên 121 tỷ đồng, lùi thời gian hoàn thành vào năm 20203, thay vì 2020.

HĐND Thành phố cũng đồng ý bố trí vốn cho nhiều dự án cấp bách khác, gồm: dự án chống ngập Khu trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (60 tỷ đồng); nhà tạm giữ Công an quận 7 (49 tỷ đồng); xây dựng ban chỉ huy quân sự xã Đa Phước (8 tỷ đồng) và xã Quy Đức (8 tỷ đồng).

Thành phố cũng ưu tiên vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực văn hoá mang ý nghĩa lịch sử, gồm: sửa chữa, trùng tu di tích Đình Tân Túc (gần 42 tỷ đồng); Đình Phú Lạc (gần 27 tỷ đồng); Đình Bình Trường (gần 11 tỷ đồng).

Tập đoàn PNE (Đức) đề xuất Dự án Trang trại điện gió ngoài khơi tại Bình Định

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan làm việc với nhà đầu tư để thống nhất khu vực khảo sát, tránh việc chồng lấn giữa các Dự án về khu vực đề xuất Dự án Trang trại điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên Bang Đức)

Đối với đề xuất dự án này, trước đó, ngày 10/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu cũng đã Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ các quy định của pháp luật nhà nước, trả lời và hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư biết để triển khai thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Ngày 22/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE được khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu trong quá trình thực hiện khảo sát, nghiên cứu Nhà đầu tư phải phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan để thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các quy hoạch khác trên địa bàn và không ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển. Thời gian cho phép nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu là 12 tháng, kể từ ngày cho chủ trương.

Ngày 29/12/2020, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký văn bản, gửi Bộ Công thương, cho biết, Tập đoàn PNE được UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Theo báo cáo đề xuất của Tập đoàn PNE và đơn vị tư vấn lập Hồ sơ đề xuất nghiên cứu, bổ sung quy hoạch (Viện Năng lượng), Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định có tổng quy mô công suất 2.000MW, được chia làm 03 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2025; Giai đoạn mở rộng 1, công suất 700MW, dự kiến vận hành năm 2026 và Giai đoạn mở rộng 2, công suất 600MW, dự kiến vận hành năm 2027.

Tổng diện tích khu vực khảo sát, nghiên cứu và đề xuất bổ sung quy hoạch Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định là 96.470 ha. Diện tích chủ yếu là trên mặt nước biển, không chồng lấn với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

Phương án đấu nối của Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định vào hệ thống điện quốc gia, theo đề xuất của đơn vị tư vấn thì giai đoạn thí điểm, công suất 700MW sẽ xây dựng đường dây 220kV mạch kép từ trạm gom nâng áp trên bờ của Nhà máy đến đấu vào thanh cái 220kV của trạm biến áp 220kV Phù Mỹ hiện hữu.

Trong giai đoạn mở rộng 1, công suất 700MW sẽ lắp đặt 1 máy biến áp nâng áp 220/500kV, công suất 900MVA tại trạm gom nâng áp của Nhà máy và xây dựng đường dây 500kV mạch kép từ Nhà máy đến đấu vào thanh cái 500kV của trạm biến áp 500kV Bình Định.

Và giai đoạn mở rộng 2, công suất 600MW sẽ lắp đặt thêm 1 máy biến áp nâng áp 220/500kV, công suất 900MVA tại trạm gom nâng áp của Nhà máy và đấu nối chung vào đường dây 500kV mạch kép đã xây dựng trong giai đoạn mở rộng 1.

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lúc đó cho rằng, việc đề xuất bổ sung quy hoạch Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định của Tập đoàn PNE là phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 và tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung Nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định nêu trên vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), làm cơ sở để xúc tiến đầu tư dự án theo quy định.

Trà Vinh kêu gọi đầu tư Khu du lịch khoáng nóng Duyên Hải vốn 600 tỷ đồng

Tỉnh Trà Vinh đang kêu gọi đầu tư Dự án Khu du lịch khoáng nóng Duyên Hải. Mục tiêu nhằm đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và khu vui chơi giải trí hiện đại đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, các thương gia, chuyên gia đang làm việc tại tỉnh Trà Vinh, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Dự án được thực hiện tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Dự án được thực hiện tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Dự án có tổng diện tích 30 ha, địa điểm thực hiện dự án tại Khóm Long Thạnh, Phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Mỏ nước khoáng nóng thị xã Duyên Hải thuộc loại khoáng nóng Bicarbonat (nước soda), kềm yếu rất phù hợp để khai thác sử dụng vào mục đích tắm ngâm, chữa bệnh và đạt tiêu chuẩn loại khoáng thiên nhiên đóng chai, có giá trị kinh tế cao. Nhiệt độ khoáng luôn không thay đổi bằng 38,4oC. Trữ lượng nước được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước phê duyệt là 240 m3/ngày (cấp B).

Thuận lợi của Dự án là có vị trí nằm ngay trung tâm thị xã Duyên Hải, trên tuyến giao thông đến khu du lịch biển Ba Động, hệ thống cấp thoát nước, điện cao thế và hạ thế đã được đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng và khách sạn mini, điện thoại và internet, nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đã được đào tạo đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư.

Về giao thông, Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh – Duyên Hải đang được đầu tư nâng cấp mở rộng, đi lại thuận lợi, nhanh chóng.

Thêm vào đó, mặt bằng khu vực Dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản; hệ thống đường giao thông nội bộ trong khu vực dự án đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh; hệ thống điện sử dụng hệ thống truyền tải điện chung của tỉnh Trà Vinh; nước sạch của nhà máy nước thị xã Duyên Hải đảm bảo nhu cầu cấp nước của dự án

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng, hình thức đầu tư liên doanh hoặc 100% vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cần Thơ cấp quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án, vốn trên 29.670 tỷ đồng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ, trong 9 tháng đầu năm nay, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư mới 5 Dự án (ngoài khu công nghiệp), với tổng vốn đầu tư đăng ký 29.670,66 tỷ đồng.               

Một góc TP. Cần Thơ. Ảnh: Hữu Phúc
Một góc TP. Cần Thơ. Ảnh: Hữu Phúc

Cũng trong thời gian này, TP. Cần Thơ đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.344 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 17.467,681 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch về số lượng doanh nghiệp và vượt 9,17% kế hoạch về vốn đăng ký. So cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp tăng 44,36% và số vốn tăng 33,96%; so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tăng 21,51% và số vốn tăng hơn 2 lần.

Bên cạnh thu hút đầu tư, cấp mới đăng ký kinh doanh tăng cao, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố tiếp tục được khôi phục và phát triển;  các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch đều có mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 30,86% so cùng kỳ năm trước.

Về thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 86.166,17 tỷ đồng, tăng 43,53% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 85,70% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 1.739,61 triệu USD, đạt 86,12% kế hoạch, tăng 20,08% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 429,41 triệu USD, đạt 85,88% kế hoạch, tăng 6,53% so với cùng kỳ.

Về du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách đến thành phố hơn 4,321 triệu lượt, tăng 111% so với cùng kỳ; các doanh nghiệp lưu trú phục vụ 1,915 triệu lượt khách, đạt 96% kế hoạch, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.095 tỷ đồng, đạt 91,1% kế hoạch, tăng 135% so cùng kỳ năm 2021.

Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành Dự án PPP cảng hàng không Quảng Trị

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1196/QĐ – TTg thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức PPP.

Phối cảnh nhà ga Cảng hàng không Quảng Trị.
Phối cảnh nhà ga Cảng hàng không Quảng Trị.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng làm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; GTVT; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức PPP.

Cảng hàng không Quảng Trị được đầu tư xây dựng tại xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là vị trí trọng điểm của miền Trung, kết nối giữa giao thông Bắc Nam về Quốc lộ 1-đường Hồ Chí Minh và giao thông Bắc Nam với trục Hành lang kinh tế Đông Tây qua Quốc lộ 9 và cửa khẩu Lao Bảo, là cửa ngõ quan trọng để thu hút hành khách đến tiểu vùng sông Mekong vào miền Trung Việt Nam.

Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là một trong 28 cảng hàng không nằm trong quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg và được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT.

Đồng thời sân bay Quảng Trị cũng nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định phê duyệt. Tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 giai đoạn là 5.898,861 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 là 2.947,968 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.950,893 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện Dự án là 50 năm.

Quảng Bình kêu gọi nhà đầu tư dự án nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình vừa có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đề xuất chủ trương đầu tư 2 Dự án Nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới và Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới (giai đoạn 1); với thời gian khởi công trong năm 2023, hoàn thành dự án trong năm 2024.

Cụ thể, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới tại khu đất xử lý nước thải có diện tích khoảng 0,34 ha; tổng vốn đấu tư khoảng 15 tỷ đồng; thời gian hoạt động dự án 17 năm.

Dự án này có quy mô đầu tư mới nhà máy xử lý nước thải với công suất là 350 m3/ ngày đêm; gồm hệ thống thu gom (D 150mm, D 400mm) dài 1,5km; 1 trạm quan trắc tự động; xây dựng nhà máy và khu xử lý.

Về hiện trạng khu đất và hạ tầng, hạng mục dự án có liên quan, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết, hiện trạng khu đất xây dựng nhà máy xử lý nước thải là đất bằng chưa sử dụng do UBND phường Bắc Lý quản lý; khu đất này đã có trong đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới (đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 745 ngày 17/4/2002, điều chỉnh tại Quyết định số 525 ngày 17/02/2006).

Bên cạnh đó, hệ thống thu gom nước thải đã đầu tư một phần hệ thống đường ống thu gom nước thải; các hạng mục khác có liên quan đã được đầu tư hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước đến khu đất.

Đối với Dự án Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới (giai đoạn 1), dự án được thực hiện tại khu đất có ký hiệu XLN với diện tích 0,56 ha; tổng vốn đầu tư dự án khoảng 35 tỷ đồng; thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Dự án có quy mô đầu tư mới nhà máy xử lý nước thải với công suất là 600 m3/ngày đêm, gồm hệ thống thu gom (D150mm, D400mm) dài 7,055 km; 2 trạm bơm nâng cốt (1 trạm công suất 200 m3/ ngày đêm và 1 trạm công suất 100 m3/ ngày đêm); 1 trạm quan trắc tự động; xây dựng nhà máy và khu xử lý.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình lưu ý, khu đất thực hiện dự án hiện chủ yếu là đất lâm nghiệp (rừng keo) của hộ gia đình chưa được giải phóng mặt bằng với dự kiến chi phí khoảng 2,7 tỷ đồng (đã có trong đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 438 ngày 04/3/2010).

Về năng lực nhà đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình yêu cầu nhà đầu tư có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư  và có khả năng huy động 100% vốn (vốn tự có và vốn huy động khác) để thực hiện án theo tiến độ đầu tư; trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh.

Về kinh nghiệm, nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm để thực hiện dự án, trong đó đã hoặc đang thực hiện ít nhất 1 dự án nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn hơn công suất dự án yêu cầu với vai trò là chủ đầu tư hoặc nhà thầu xây lắp chính.

Nhà đầu tư quan tâm dự án đề nghị nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư về cơ quan tiếp nhận Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình (tiếp nhận tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Bình; địa chỉ nộp hồ sơ số 9, Quang Trung, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới) trước 16h ngày 31/10/2022.

Mọi thông tin cần biết, nhà đầu tư liên hệ phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, địa chỉ số 117, Lý Thường Kiệt, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới (liên hệ ông Võ Văn Tùng theo SDT 0913 295 020).

Đề xuất bổ sung hạng mục, kéo dài tiến độ Dự án kết nối giao thông Tây Nguyên

Ban quản lý Dự án 2 vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.

Theo đó, trên cơ sở kiến nghị của địa phương, kết quả rà soát tổng thể công trình Quốc lộ 19 và tận dụng nguồn lực hiện đã được WB cam kết cho, Ban quản lý dự án 2 kiến nghị Bộ GTVT xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Cụ thể, Dự án sẽ hoàn thành nâng cấp khoảng 127 km Quốc lộ 19; xây dựng mới 3 cầu và xây dựng mới khoảng 39km tuyến tránh theo tiêu chuẩn đường cấp III.

Trên địa phận tỉnh Bình Định, Dự án sẽ nâng cấp đoạn Km 50+000 - Km 67+000; xây dựng mới 3 cầu (Trắng 2 - Km 24+650, Nước Xanh - Km 36+546, Đồng Xiêm - Km 39+482); xây dựng tuyến tránh Tây Giang dài khoảng 8 km.

Trên địa phận tỉnh Gia Lai, Dự án sẽ nâng cấp các đoạn Km67-Km70+740; Km83+600- Km90; Km131+300-Km167; Km180-Km243; xây dựng tuyến tránh thị xã An Khê dài khoảng 13,7km; xây dựng tuyến tránh thành phố Pleiku dài khoảng 13km; xây dựng tuyến tránh Kon Dơng dài khoảng 4km.

Các hạng mục dự kiến bổ sung thêm là cầu Trắng 2 (Km24+650); cầu Nước Xanh (Km36+546); cầu Đồng Xiêm (Km39+482); tuyến tránh Tây Giang dài khoảng 8km; tuyến tránh Kon Dơng dài khoảng 4km.

Các nội dung thực hiện bổ sung này cơ bản tận dụng nguồn lực của Hiệp định tín dụng đã ký kết; chỉ bổ sung một phần vốn đối ứng (123 tỷ đồng) để thực hiện các hạng mục công việc không được WB tài trợ.

Cùng với việc bổ sung hạng mục, Ban quản lý dự án còn kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ 2017 – 2023 thành 2017 – 2025.

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có mục tiêu tăng cường kết nối giao thông và logistics dọc theo hành lang Đông – Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung; xây dựng hành lang an toàn giao thông đường bộ trên Quốc lộ 19, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn giao thông quốc tế.

Dự án tiến hành thành nâng cấp khoảng 127 km Quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27 km - 35 km tuyến tránh đường cấp III theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005 với tổng vốn đầu tư Dự án 155,8 triệu USD, trong đó vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc (trong chương trình Aus4Transport) cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD.

Giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đạt 21% kế hoạch

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công quý III/2022 và ước giải ngân quý IV/2022. Theo báo cáo, tổng số vốn mà Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao trong năm 2022 là hơn 803 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2021 được phép kéo dài sang năm 2022 gần 137 tỷ đồng sang năm 2022 và vốn thuộc kế hoạch năm 2022 là: 666,2 tỷ đồng.

Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 9/2022 là: 169 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch. Trong đó, thanh toán kế hoạch vốn năm 2021 được phép kéo dài sang 2021 là hơn 47 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch.Thanh toán kế hoạch vốn năm 2022 là gần 122 tỷ đồng, đạt 18,3% kế hoạch (vốn trong nước là gần 97 tỷ đồng, đạt 22,7% kế hoạch; vốn nước ngoài là 25 tỷ đồng, đạt 10,4% kế hoạch).

Đối với các Dự án ODA kế hoạch năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao giải ngân 239,8 tỷ đồng để triển khai thực hiện 01 dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” vay vốn ODA của ngân hàng Phát triển châu Á tại các Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh, Đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.

Kế hoạch vốn năm 2022 để tiếp tục triển khai thực hiện các hợp đồng mua sắm thiết bị đã ký hợp đồng trong năm 2021 và đấu thầu một số gói thầu mới (tỷ lệ vốn dành cho đấu thầu gói thầu mới chỉ chiếm 10% kế hoạch vốn).

Do quy định của hợp đồng mua sắm thiết bị, sau khi nhà thầu hoàn thành lắp đặt tĩnh thiết bị mới đủ điều kiện thanh toán 60% giá trị hợp đồng. Tất cả các hợp đồng mua sắm thiết bị của năm 2021 đều ký hợp đồng trong tháng 12/2021, nên đến thời điểm tháng 9/2022 mới đến thời hạn nghiệm thu, giải ngân vốn.

Tính đến 30/9/2022, số vốn nước ngoài đã giải ngân là 25 tỷ đồng, đạt 10,4% kế hoạch. Ước giải ngân cả năm 2022 vốn ngoài nước là 220 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch.

Số vốn không có khả năng giải ngân 19,67 tỷ đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 2997/LĐTBXH-KHTC ngày 05/8/2022 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính sớm báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chuyển cho các đơn vị khác có nhu cầu sử dụng.

Nguyên nhân dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo giải trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là tình hình dịch Covid - 19 thời gian qua dẫn đến việc nhập khẩu thiết bị khó khăn, vì vậy các hợp đồng đã ký đều phải gia hạn khoảng 01 - 02 tháng. Ngoài ra, các gói thầu mới gặp khó khăn trong việc thuê đơn vị thẩm định giá để xác định giá gói thầu nên việc triển khai chậm hơn dự kiến.

Theo kế hoạch, trong những tháng cuối năm 2022 các dự án sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 02 gói thầu, 03 gói thầu còn lại sẽ chuyển sang thực hiện năm 2023. Hiện tại, các hợp đồng mua sắm thiết bị đã ký kết năm 2021 đã cơ bản hoàn thành công tác lắp đặt, nghiệm thu tĩnh và đang thực hiện kiểm soát chi thanh toán tại các kho bạc địa phương, dự kiến sẽ giải ngân thanh toán 60% giá trị hợp đồng trong tháng 10/2022 và giải ngân lần cuối trong quý IV năm 2022, đảm bảo hoàn thành số vốn ODA còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm vốn kế hoạch năm 2022.

Hà Tĩnh thống nhất chủ trương đầu tư dự án khu đô thị nghìn tỷ

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Một góc thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh
Một góc thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh

Trước đó, theo đề nghị của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh này, đề xuất Dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà có tổng diện tích 297.921m2, sẽ xây dựng nhà ở thương mại và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân đầu tư xây dựng nhà ở theo quy hoạch; xây dựng và kinh doanh nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng.

Theo đó, Dự án sẽ có 99 căn nhà ở thương mại liền kề xây thô hoàn thiện mặt ngoài bám các tuyến đường quy hoạch 35m, 93 căn liền kề bám đường quy hoạch 16m, 75 căn khu liền kề bám đường quy hoạch 26m. Số căn xây thô là 267 căn trên tổng số 607 lô đất của toàn bộ dự án.

Dự án được triển khai tại xãã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh và thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà.

Với phạm vi ranh giới dự án khu đô thị gồm phía Bắc giáp đê Đồng Môn, phía Nam giáp Quốc lộ 1 (Cầu Cày) và khu dân cư thôn Liên Phú, phía Đông giáp đất nông nghiệp và khu dân cư thôn Liên Phú, xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh và phía Tây giáp Sông Cày, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà.

Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.958 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Dự án sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Sở Xây dựng Hà Tĩnh là cơ quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh giao UBND tỉnh triển khai dự án đảm bảo các quy định hiện hành; đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thương mại - dịch vụ, môi trường, sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nhà thầu thi công cao tốc lao đao vì thiếu xăng dầu

Dù chấp nhận mua dầu với giá cao hơn giá công bố, nhưng nhà thầu thi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vẫn không thể mua đủ dầu để vận hành máy móc.

Việc thiếu xăng, dầu những ngày qua tại các tỉnh phía Nam không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, mà còn ảnh hưởng đến cả các công trình thi công đường cao tốc.

Tại Dự án thi công đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sau lễ phát động thi đua 120 ngày đêm để thông xe vào cuối năm 2022, các nhà thầu đang tăng tốc để về đích đúng tiến độ thì lại gặp phải tình cảnh thiếu xăng, dầu trong những ngày qua. Để đảm bảo tiến độ nhiều nhà thầu chấp nhận mua dầu với giá cao song cũng không có nguồn cung.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL03 do Công ty Vinaconex thi công, cho biết gói thầu XL03 mỗi ngày cần khoảng 5.000 lít dầu cung cấp cho 300 đầu xe, máy thiết bị. Thế nhưng, mỗi ngày các nhà thầu đi gom cũng chỉ được khoảng 600 đến 1.000 lít dầu để thi công.

Theo ông Hải, thời tiết đã ít mưa hơn, nhà thầu đang tăng tốc thi công nhưng lại không đủ xăng dầu nên tiến độ bị ảnh hưởng rất lớn.

Tương tự, tại gói thầu XL02 do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Công ty Phương Thành) thi công, ông Trần Viết Lai, Phó giám đốc điều hành gói thầu XL02 cho biết, một ngày toàn gói thầu sử dụng khoảng 20.000 lít dầu. Trong đó, riêng nhà thầu Phương Thành sử dụng khoảng 13.000 lít dầu để dùng cho máy khoan, máy đào đá, máy xúc, xe vận chuyển đá.

Ngoài ra, trên công trường có 4 trạm nghiền sàng hoạt động liên tục, 2 trạm bê tông nhựa, 3 trạm bê tông xi măng phải chạy dầu để tăng tốc thi công.

Ông Lai cho biết, dù đã chủ động tìm kiếm nguồn dầu với giá cao hơn giá công bố từ 3.000 - 5.000 đồng/lít nhưng cũng không có nguồn cung. “Tình hình diễn ra rất nghiêm trọng nếu kéo dài nhà thầu sẽ cực kỳ khó khăn", ông Lai nói.

Được biết, hầu hết các nhà thầu thi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đều đang gặp phải khó khăn liên quan đến nguồn cung xăng dầu. Nếu tình trạng này không được giải quyết sớm Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ không kịp về đích vào cuối năm nay. 

56 tỷ đồng được tài trợ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi

Các doanh nghiệp đã tài trợ gần 56/80 tỷ đồng tiền an sinh sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi. Riêng các dự án đầu tư vẫn đang hoàn thiện thủ tục.

TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn với tổng giá trị hơn 16 tỷ USD vào tháng 4 năm nay. Ảnh: Trọng Tín
TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn với tổng giá trị hơn 16 tỷ USD vào tháng 4 năm nay. Ảnh: Trọng Tín

Thông tin được UBND TP.HCM báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra vào chiều nay (13/10).

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi diễn ra vào đầu tháng 4 đã được tổ chức chu đáo, tiếp nối chuỗi hoạt động thu hút sáng kiến từ giới doanh nghiệp để phát triển Thành phố, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khu vực này.

Tại Hội nghị, Thành phố đã trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư và trao 31 bản ghi nhớ đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi với tổng trị giá hơn 16 tỷ USD (tương đương 381.160 tỷ đồng) và 80 tỷ đồng an sinh xã hội.

Hiện nay, đối với nguồn an sinh xã hội, ông Mãi cho biết các đơn vị tài trợ với tổng số tiền gần 56 tỷ đồng.

Riêng 10 Dự án đang cấp giấy chứng nhận đầu tư thì hiện nay đang xúc tiến các thủ tục. Với 31 bản ghi nhớ, ông Mãi cho biết đây chỉ là các ý tưởng dự án cho nên đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục.

Về tình hình phát triển phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định kinh tế của Thành phố đang phục hồi theo đúng định hướng.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 9,97% so với cùng kỳ, trong đó GRDP quý 3 ước tăng 30,02%; các chính sách điều hành của Trung ương và Thành phố đã phát huy hiệu quả tích cực, phù hợp tình hình thực tế trong từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350.000 tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán năm và tăng 27,7% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 47,8 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 19,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 24,4% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến Thành phố ước đạt 20,61 triệu lượt, tăng 66,1% so với cùng kỳ; Khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 2,11 triệu lượt, tăng 100%.

Phát biểu định hướng buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước khi vào Thành phố công tác, ông đã có hội ý qua với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, với tinh thần là phải cho Thành phố một cơ chế thuận lợi và năng động hơn.

Trong đó, Thành phố được thí điểm một số lĩnh vực với chính sách cụ thể. Chủ tịch nước cho rằng, Thành phố là một siêu đô thị lớn nhưng hiện nay đã quá tải, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã thấy vấn đề này và đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan trung ương nghiên cứu đề xuất.

Trước mắt, Thành phố cần đề xuất một số cơ chế sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đưa Thành phố vượt qua những thách thức trước mắt.

Do đó, trong buổi làm việc này, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu lắng nghe kiến nghị của Thành phố, bàn bạc theo tinh thần giúp Thành phố phát triển dựa trên khoa học công nghệ và tri thức trẻ.

Đồng thời, ông cũng đề nghị các đại biểu đóng góp trên tinh thần không cần phải tốn nhiều ngân sách nhưng vẫn giúp cho Thành phố xanh, sạch hơn, an toàn hơn và nghĩa tình.

Chốt tiến độ chỉ định thầu xây lắp cao tốc Bắc - Nam

Theo thông tin từ Bộ GTVT, sau khi phê duyệt xong 12/12 Dự án thành phần, hiện nay, các chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 208 km/721,2 km thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đạt 29%). Dự kiến đến ngày 5/11/2022, Bộ GTVT sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán toàn bộ 12 dự án thành phần.

Liên quan tới công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và chuẩn bị khởi công, Bộ GTVT cho biết là đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án (chủ đầu tư) rà soát phạm vi, quy mô gói thầu xây lắp và trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Tính đến giữa tháng 10/2022, Bộ GTVT đang tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo với các mốc tiến độ như sau: phê duyệt thiết kế, dự toán gói thầu đầu tiên cho toàn bộ 12 dự án thành phần (để gửi Kiểm toán nhà nước) trước ngày 31/10/2022; kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán các gói thầu khởi công xong trước ngày 20/11/2022; hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu trước ngày 20/11/2022; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát xong trước ngày 16/12/2022.

Trên cơ sở các bước tiến độ nêu trên, các chủ đầu tư sẽ tiến hành ký hợp đồng xây lắp trước ngày 20/12/2022; chuẩn bị công tác khởi công các gói thầu đầu tiên từ ngày 21/12/2022 đến này 24/12/2022. Các gói thầu còn lại hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công trong quý I/2023 theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ.

Dự kiến, dự toán các gói thầu xây lắp dự kiến được chuyển sang Kiểm toán Nhà nước soát xét trong đợt đầu gồm: Gói thầu số 1 đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi; Gói thầu số 2 đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng; Gói thầu số 3 đoạn Vũng Áng - Bùng; Gói thầu số 2 đoạn Bùng - Vạn Ninh; Gói thầu số 2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ; Gói thầu số 1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Gói thầu số 1 đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn; Gói thầu số 2 đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh; Gói thầu số 2 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong; Gói thầu số 3 đoạn Vân Phong - Nha Trang; Gói thầu số 2 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang; Gói thầu số 3 đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Được biết, Bộ GTVT đã phối hợp với Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện kiểm toán các gói thầu trước khi chỉ định thầu. Đồng thời tại Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán các gói thầu của Dự án trước khi chỉ định thầu.

“Tuy nhiên, hiện nay Kiểm toán nhà nước đang đợi ý kiến chấp thuận của Quốc hội để triển khai thực hiện”, Bộ GTVT cho biết.

Quy hoạch Sân bay Nội Bài đến năm 2050 phải đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

UBND Thành phố Hà Nội vừa giao các sở, ngành liên quan thực hiện thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Quy hoạch xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu chỉ đạo của Phó Thủ tướng để phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong công tác triển khai nghiên cứu quy hoạch, bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham mưu, báo cáo UBND Thành phố Hà Nội những nội dung vượt thẩm quyền (nếu có). 

Trước đó, ngày 21/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đi kiểm tra thực địa và chủ trì cuộc họp về Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi nghe đơn vị tư vấn là Công ty ADPi, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kết quả nghiên cứu Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ý kiến của các cơ quan tham dự họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kết luận như sau:

Trong giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng của ngành Hàng không rất nhanh. Theo quy hoạch hiện tại (Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ), Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có công suất đến năm 2020 là 20 - 25 triệu hành khách/năm, định hướng sau năm 2020 là 50 triệu hành khách/năm.

Năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phục vụ hơn 29 triệu hành khách/năm. Nếu không kịp thời quy hoạch, đầu tư mở rộng sẽ không đáp ứng được nhu cầu, gây ùn tắc, quá tải. Do đó cần quan tâm đầu tư sớm, đáp ứng tăng trưởng của thị trường.

Sân bay Nội Bài có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ Thủ đô đón khách quốc tế đến bằng đường hàng không, do đó, cần xác định quan điểm đầu tư Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với quy mô lớn, hiện đại, tầm cỡ quốc tế, có tầm nhìn xa, khẳng định vị thế đất nước và là công trình bền đẹp để lại cho mai sau.

Các bộ, ngành đều nhất trí với phương án đề xuất quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, quy mô đến năm 2050 đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, phương án quy hoạch phải phục vụ cho phát triển lâu dài của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định thông qua.

Đây là công trình trọng điểm, do đó yêu cầu quá trình triển khai phải chặt chẽ về pháp lý.

Bộ Quốc phòng sớm có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải về phương án quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đặc biệt là việc sử dụng đất quốc phòng.

ACV khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định; phấn đấu khởi công công trình vào năm 2025.

Giao 48,6 ha biển xây bến container số 3, số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng

Dự án đầu tư các bến container số 3 và số 4 thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại Khu bến cảng Lạch Huyện) do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường trao quyền sử dụng khu vực biển cho Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng các bến cảng container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại Khu bến cảng Lạch Huyện), TP. Hải Phòng.

Địa điểm khu vực biển được giao là khu bến cảng Lạch Huyện thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng. Khu vực biển được phép sử dụng có diện tích 48,6 ha, độ sâu được phép sử dụng đối với khu vực biển làm khu nước trước bến từ 16 m, khu bến xà lan dịch vụ 5 m được giới hạn bởi các điểm góc từ P1 đến P33 có tọa độ thể hiện trên Sơ đồ khu vực biển kèm theo Quyết định này (Sơ đồ được trích lục từ tờ bản đồ địa hình đáy biển có tên Quảng Yên phiên hiệu F-48-82-B, tỷ lệ 1:50.000 Hệ tọa độ VN-2000, kinh tuyến trục 105° múi chiếu 6° do Bộ Tài nguyên và Môi trường xuất bản năm 2022 được chuyển về Hệ tọa độ VN-2000 kinh tuyến trục 105°45’ múi chiếu 3°, độ cao, độ sâu sử dụng theo Hệ độ cao quốc gia).

Thời hạn sử dụng khu vực biển là theo thời hạn của Dự án đầu tư các bến cảng container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; hình thức nộp tiền và số tiền sử dụng khu vực biển phải nộp là hàng năm; số tiền sử dụng khu vực biển phải nộp cụ thể là 365,5 triệu đồng/năm.

Sau ngày 30/3/2026, trường hợp Nhà nước thay đổi mức thu tiền sử dụng khu vực biển, Công ty Cảng Hải Phòng có trách nhiệm nộp tiền theo mức thu tiền sử dụng khu vực biển mới được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Công ty Cảng Hải Phòng được yêu cầu tiến hành sử dụng khu vực biển đúng mục đích, tọa độ, diện tích, phạm vi ranh giới và độ sâu khu vực biển được giao. Tước khi tiến hành sử dụng khu vực biển phải thông báo Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) để tổ chức thực hiện việc bàn giao trên thực địa. Báo cáo, cung cấp thông tin tình hình sử dụng khu vực biển cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư Dự án phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường biển, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường trong khu vực biển được giao khi tiến hành hoạt động sử dụng khu vực biển; không được mâu thuẫn với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác đang được phép khai thác, sử dụng; có biện pháp thi công để tránh sạt lở bờ biển; phải cải tạo phục hồi, cải thiện môi trường biển sau khi hết thời hạn sử dụng khu vực biển.

Dự án Đầu tư xây dựng các bến cảng container số 3 và số 4 gồm 2 bến container số 3, 4 có tổng chiều dài 750m, khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT đầy tải và lớn hơn giảm tải; 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chứa 100 - 160 Teus, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 1,1 triệu Teus/năm.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.946 tỷ đồng.

Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km18 - Km80 qua tỉnh Lạng Sơn

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km18 – Km80, tỉnh Lạng Sơn trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Công văn số 910/TTg-CN, Phó thủ tướng yêu cầu việc đầu tư dự án trên phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí.

Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7394/VPCP-KTTH ngày 7/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư đường quốc lộ qua địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan liên quan triển khai Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km 18 – Km 80, đúng quy định của pháp luật.

Trong các tuyến đường Quốc lộ đi qua địa bàn Lạng Sơn, Quốc lộ 4B là tuyến đường huyết mạch kết nối Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, phục vụ vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu của các tỉnh ra các cửa khẩu song phương Chi Ma, cửa khẩu phụ Bản Chắt của tỉnh Lạng Sơn; kết nối với cửa khẩu Móng Cái và các Khu du lịch Hạ Long, Bái Tử Long, sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đây là tuyến đường có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay, Quốc lộ 4B đoạn từ Km3+700 đến Km18 kết nối từ thành phố Lạng Sơn vào Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đang được tỉnh Lạng Sơn đầu tư với quy mô đường cấp III đồng bằng, mặt cắt ngang rộng 24,5m gồm 4 làn xe cơ giới rộng 15m, 2 làn xe thô sơ rộng 5,5m, dải phân cách giữa rộng 3m, lề đường 1m, tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Đoạn còn lại từ Km18 - Km80 là đoạn tuyến nối từ Khu du lịch Mẫu Sơn đi các huyện Lộc Bình, Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn và huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Hiện trạng tuyến đường được đầu tư từ những năm 2000 theo quy mô đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa rộng 5,5m. Tuyến đường hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh theo từng năm, làm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng Đông Bắc.

Sẵn sàng khởi công Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào đầu năm 2023

Liên quan tiến độ Dự án xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, UBND , ông Lê Hải Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Trong thời gian qua, đơn vị tư vấn thực hiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chậm trễ trong việc giải trình và hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Chúng tôi đã có những chỉ đạo cụ thể để khơi thông vấn đề này”.

Đối với công tác tư vấn thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng đánh giá Liên danh Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Hoàng Long - Công ty cổ phần tư vấn xây dựng A2Z là đơn vị Lập báo nghiên cứu khả thi đã triển thực hiện hoàn thành hồ sơ dự án khá tốt, nỗ lực phối hợp với Ban chỉ đạo dự án làm việc bộ ban ngành, hội đồng thẩm định nhằm đảm bảo tiến độ chất lượng đã đề ra. Mặc dù do quy định về thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng chậm làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị nhưng tất cả đều quyết tâm để khởi công dự án như kế hoạch.

Dự án xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là công trình thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo phương thức PPP.

Tuyến đường cao tốc này được người dân tỉnh Cao Bằng cũng như khu vực Đông Bắc mong chờ từ lâu, sẽ kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh đến Tân Thanh, Cốc Nam với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng, qua đó sẽ tạo thuận lợi cho thông thương, đi lại của người dân, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua.

Công trình này còn giúp kết nối các trục ngang tuyến trong mạng lưới hệ thống đường cao tốc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế khu vực phía Bắc, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng Đông Bắc với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Từ đây, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Vào cuối tháng 2/2022, UBND tỉnh Cao Bằng và liên danh các nhà đầu quan tâm dự án tư gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest đã ký thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây là dấu mốc được đánh giá là bước tiến quan trọng của dự án, đẩy nhanh quá trình huy động nguồn lực để hiện thực hóa tuyến đường này.

Theo đó, ngoài phần vốn ngân sách Nhà nước và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, đối với phần vốn còn lại, nhà đầu tư sẽ huy động bằng hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Cho đến thời điểm này, cam kết về nguồn vốn cho dự án đã được cả 3 bên là Nhà nước, nhà đầu tư quan tâm dự án và tổ chức tín dụng thống nhất. Để đảm bảo phần vốn của ngân sách địa phương, tỉnh Cao Bằng đã chủ động rà soát, điều chỉnh, cắt giảm 22 dự án đầu tư công khác với tổng số vốn là 4.080 tỷ đồng để dồn toàn bộ nguồn lực cho dự án cao tốc.

Đặc biệt, ngày 18/5/2022, Tỉnh ủy, UBND 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và các nhà đầu tư quan tâm dự án đã tiến hành dâng hương tại đền thờ Bác, báo cáo đến Người những khó khăn vướng mắc và nguyện hứa quyết tâm, cam kết đồng lòng thực hiện dự án.

Với ý nghĩa có tính chất quyết định của dự án đến sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, trong thời gian qua, UBND tỉnh Cao Bằng đang cùng với nhà đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thành các công tác chuẩn bị để khởi công công trình vào đầu năm 2023, hiện thực hóa giấc mơ xây dựng tuyến giao thông mang tính chiến lược này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư