Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Agriseco thu trái ngọt từ mảng dịch vụ chứng khoán
Thanh Thủy - 03/07/2022 17:26
 
Tăng trưởng mảng dịch vụ chứng khoán đã mang về trái ngọt cho Agriseco năm 2021 và cũng là trụ cột tăng trưởng doanh thu chính nửa đầu năm 2022.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xử lý tồn đọng quá khứ

Lần đầu tiên sau 6 năm, bảng cân đối kế toán của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) đã xóa được toàn bộ lỗ luỹ kế. Từ một công ty chứng khoán top đầu thị trường với quy mô 2.120 tỷ đồng, Agriseco đứng lùi lại, một phần bởi nhiều đối thủ nâng cao năng lực tài chính hay gia nhập mới thông qua mua bán - sáp nhập (M&A), một phần bởi bản thân công ty chứng khoán này tập trung cho bài toán “làm sao để sống được và khỏe lên từng ngày”.

Agriseco báo lỗ ròng 187 tỷ đồng năm 2015 và tiếp tục ghi nhận thêm khoản lỗ hơn 405 tỷ đồng năm sau đó. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm 2016 là âm 562 tỷ đồng, “ăn mòn” tương đương 26,4% quy mô vốn điều lệ.

Chỉ riêng việc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc GPBank đã buộc Agriseco trích lập dự phòng 240 tỷ đồng trong năm 2015, cùng hàng trăm tỷ đồng do chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính như trái phiếu Vinashin, cổ phiếu CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG)… 

Có những khoản đầu tư kịp hồi phục sau nhiều năm, trở thành “của để dành” ghi nhận lại lợi nhuận nhờ hoàn nhập dự phòng. Việc thu hồi các khoản nợ tồn đọng và các khoản góp vốn đầu tư kém hiệu quả đã giúp Agriseco thu về 197,4 tỷ đồng trong năm 2021. Hợp đồng đầu tư góp vốn HAGL Agrico là một trong số này. Giá trị khoản đầu tư ban đầu 275 tỷ đồng, dự phòng đã trích là 228,6 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, Agriseco đã thu được 258,2 tỷ đồng, gồm 2 tỷ đồng HAGL Agrico thanh toán từ năm 2017; 92,2 tỷ đồng thu từ việc bán cổ phiếu HNG và 164 tỷ đồng theo cam kết mua cổ phần của một cá nhân.

Tận dụng lợi thế sẵn có từ ngân hàng mẹ cũng là nhằm mở rộng mảng dịch vụ chứng khoán, tiếp tục đi theo chiến lược bớt phụ thuộc nguồn thu tự doanh mà Agriseco vạch ra từ thời điểm tái cơ cấu 5-6 năm trước.

Hay khoản đầu tư góp vốn Vinaconex - ITC (VCR) sau nhiều năm cũng đã thoái được gần một nửa lượng cổ phiếu nắm giữ với giá tốt. Lũy kế đến ngày 31/12/2021 đã thoái được 2.391.267 cổ phiếu, còn lại 2.500.000 cổ phiếu dự kiến tiếp tục thoái trong năm 2022.

Tuy nhiên, khá nhiều khoản nợ khó đòi dù Công ty khởi kiện từ lâu. Liên quan đến cổ phiếu GPBank, Agriseco đã được Toà án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc CTCP Ngôi sao Chí Linh có nghĩa vụ trả Agriseco số tiền 37,86 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi. Hay đối với khoản đầu tư vào trái phiếu Vinashin (nay là SBIC), Công ty nộp đơn khởi kiện từ đầu năm 2021, nhưng khả năng trả nợ rất thấp do SBIC vẫn thua lỗ và đang trong quá trình tái cơ cấu.

Chiến lược tận dụng lợi thế từ ngân hàng mẹ

Bên cạnh việc dành nguồn lực thu hồi những khoản nợ xấu xuất phát từ các khoản đầu tư trước khi Agriseco bắt đầu báo lỗ năm 2015, thời gian qua, công ty chứng khoán này vẫn đang triển khai hoạt động kinh doanh để bù đắp lại cho các khoản thua lỗ trước đây.

Khoản lỗ luỹ kế bắt đầu giảm dần từ năm 2017, khi Agriseco có lãi trở lại, nhưng với tốc độ chậm. Đến năm 2021, cùng sự thuận lợi của thị trường và nguồn lực của Công ty, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt xa kế hoạch ban đầu đề ra. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối có lãi trở lại từ quý III/2021.

Nhờ doanh thu tăng mạnh ở các mảng môi giới, cho vay ký quỹ, tự doanh, công ty chứng khoán này đã ghi nhận mức lãi kỷ lục gần 432 tỷ đồng trong năm 2021, gấp 3,57 lần so với thực hiện năm trước đó.

Nửa đầu năm 2022 là khoảng thời gian không dễ dàng với ngành chứng khoán, khi thị trường không chỉ lao dốc về điểm số, mà sụt giảm mạnh về quy mô giao dịch. Cập nhật về tình hình kinh doanh tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa tổ chức, ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Agriseco cho biết, doanh thu mảng dịch vụ chứng khoán vẫn tăng trưởng 50% so với cùng kỳ. Mảng đầu tư tự doanh nhờ nhận định khá tốt về thị trường nên vẫn có lãi, nhưng chỉ bằng 48% cùng kỳ. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ, đạt khoảng một nửa kế hoạch đề ra.

Mục tiêu lợi nhuận năm 2022 của Agriseco là 178 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi kỷ lục năm 2021, nhưng vẫn cao hơn kết quả kinh doanh các năm trước đó. Công ty này cũng đang lên kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông trong kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Chia sẻ về chiến lược của Công ty, ông Tuấn cho biết, ngay từ năm 2016, Agriseco đã xác định chuyển hướng sang tăng tỷ trọng từ kinh doanh dịch vụ chứng khoán và giảm tỷ trọng doanh thu từ hoạt động đầu tư góp vốn. Sự tăng trưởng doanh thu môi giới và doanh thu cho vay ký quỹ các năm gần đây và đặc biệt trong năm 2021 hay nửa đầu năm 2022 cũng phản ánh xu hướng này.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm Agriseco sẽ tập trung khai thác lợi thế từ hệ sinh thái ngân hàng mẹ Agribank. Trong định hướng kinh doanh giai đoạn tới, Agriseco xác định thị trường mục tiêu là các tỉnh ngoài, xác định lợi thế cạnh tranh tại thị trường TP.HCM hay Hà Nội không lớn. Khách hàng mục tiêu là tệp khách hàng của Agribank, đồng thời cũng tận dụng lợi thế từ kênh phân phối bán hàng qua mạng lưới và nhân sự của Agribank.

“Các năm trước, Công ty cũng đã tận dụng tương đối tốt, nhưng chưa tập trung khai thác bởi nhiệm vụ thời gian đó là làm sao để tồn tại, sống được và khoẻ lên từng ngày. Nhưng đến nay đã đủ điều kiện”, ông Phan Văn Tuấn nhấn mạnh.

Agribank tích cực triển khai, đảm bảo hỗ trợ lãi suất đúng đối tượng
Nhờ sớm chuẩn bị, tính đến nay, Agribank đã giải ngân gần 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng được thụ hưởng từ đợt hỗ trợ lãi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư