Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Gia tăng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng GDP
Thanh Huyền - 27/03/2024 09:05
 
Kinh tế số ngày càng nổi lên như một lĩnh vực quan trọng khi các ngành có xu hướng số hóa ngày càng cao. Vì vậy, cần đề ra các giải pháp để kinh tế số đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng.

Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng được nhiều quốc gia nghiên cứu, phát triển. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số” lần thứ 3, diễn ra tại Học viện Chính sách và Phát triển cuối tuần qua.

Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%...

“Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế ở mức khá cao trong ASEAN. Chính phủ cũng thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong thúc đẩy phát triển kinh tế số…”, PGS-TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), để đạt được mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quyết định số 411/QĐ-TTg, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nhận diện và đo lường kinh tế số, từ đó đề xuất cách thức thực hiện phù hợp với thực tế. Do vậy, việc thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số là rất cần thiết, đặc biệt đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP.

Để đo lường đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…, xây dựng phương pháp tính chỉ tiêu kinh tế số phù hợp với lý luận chung của Tài khoản quốc gia và thực tế nguồn thông tin hiện có của Việt Nam.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năm 2023, các ngành có tỷ trọng giá trị tăng thêm do hoạt động số hóa cao nhất là thương mại (bán buôn, bán lẻ) có tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP là 1,75%; tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện với tỷ trọng 0,45%, ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn là 0,26%…

Bà Hương cho biết, các ngành kinh tế có xu hướng số hóa ngày càng cao, như hoạt động kinh doanh, thương mại bán buôn, bán lẻ do hoạt động kinh doanh online ngày càng phát triển và nhu cầu mua sắm online của người dân cũng ngày càng tăng lên; sản xuất và phân phối điện; hoạt động tài chính ngân hàng; hoạt động phát thanh truyền hình… có xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ.

Theo ông Matthew Francois, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của Hãng McKinsey & Company, có 3 lĩnh vực kinh tế số có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam, gồm giao dịch thương mại điện tử trực tuyến; chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính và thúc đẩy kỹ năng số.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, GS-TS. Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, Chính phủ cần hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, trong đó chú trọng vào hạ tầng an toàn an ninh mạng. Bên cạnh đó là hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.

Đánh giá hiện trạng, các vấn đề đặt ra của kinh tế số
Kinh tế số là một động lực mới của tăng trưởng kinh tế, cũng là vấn đề mới, vấn đề khó, tri thức cao cấp. Vì vậy, việc đánh giá đúng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư