Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Quảng Ninh đặt mục tiêu vào top 5 cả nước về chuyển đổi số toàn diện
Thanh Sơn - 23/04/2024 14:47
 
Quảng Ninh đang tăng tốc trên nhiều lĩnh vực để trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, phấn đấu đến năm 2025 đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện.

Chuyển đổi số được tỉnh Quảng Ninh xác định là xu hướng tất yếu của phát triển, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ năm 2012, địa phương này đã bắt đầu triển khai ý tưởng về chuyển đổi số. Đến ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân đánh giá sự hài lòng qua việc quét mã QR. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân đánh giá sự hài lòng qua việc quét mã QR. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định 20 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 40 nhiệm vụ, giải pháp. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay có 16/20 mục tiêu đã hoàn thành, đạt 80%; 4/20 mục tiêu đang trong lộ trình triển khai thực hiện đến hết năm 2025.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh nằm trong nhóm top đầu về chuyển đổi số toàn quốc, đứng vị trí thứ 3/63 các tỉnh/thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index) năm 2022; đứng thứ 1 toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, kết quả công bố Cải cách hành chính các tỉnh, thành phố, Quảng Ninh đứng vị trí thứ 2 về chỉ số thành phần Chính quyền số. Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số, Quảng Ninh được ghi nhận và biểu dương là địa phương điển hình trong nhóm top đầu về hạ tầng số.

Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai mạnh mẽ việc thanh toán số. Ngoài ra, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xác thực định danh điện tử; hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 177/177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động là 100%.

Tại hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến vào nhiều nội dung, trong đó có đánh giá tình hình, kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới đây, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần phải làm rõ, đánh giá rõ những mục tiêu từ nay đến năm 2025 để có giải pháp cụ thể triển khai đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra. Trong đó, chú trọng mục tiêu về xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành kinh tế; về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; đánh giá khả năng đưa ứng dụng về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy mới đây
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban Thường trực Tỉnh ủy mới đây

Về các giải pháp, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất từ nay đến hết năm 2024 phải tập trung cao điểm vào phát triển dữ liệu, xây dựng dữ liệu phục vụ chính quyền số, dữ liệu phục vụ kinh tế số và dữ liệu phục vụ xã hội số; tập trung chuyển đổi số cho các lĩnh vực ưu tiên.

Trong đó, Quảng Ninh phải là địa phương trong đi đầu chuyển đổi số của ngành y tế, với việc xây dựng nền tảng số hỗ trợ cho tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; số hóa bệnh án điện tử liên thông thông suốt giữa các cơ sở y tế và giữa các cơ sở y tế với người dân để phục vụ cho nhân dân một các thuận lợi nhất trong tra cứu, theo dõi khám chữa bệnh.

Đối với ngành giáo dục, Quảng Ninh phấn đấu là địa phương đi đầu chuẩn hóa học bạ điện tử cho tất cả cấp học, ngành, bậc học; số hóa và quản lý thống nhất hệ thống văn bằng, chứng chỉ, chương trình đào tạo gắn với từng học sinh, sinh viên; xây dựng nền tảng tra cứu học liệu.

Cùng với đó phải tập trung thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, nông thôn, ngành du lịch, hải quan, tài nguyên môi trường, bảo hiểm.

Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung khai thác có hiệu quả hạ tầng số, phấn đấu đứng trong top 3 của cả nước về lĩnh vực này, trong đó tập trung vào xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo công nghệ điện toán đám mây, bảo đảm hạ tầng số để phát triển xã hội số và kinh tế số.

Quảng Ninh gỡ khó cho các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp Sông Khoai
Ngày 19/4, tại TX Quảng Yên, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh (QEZA) cùng Công ty cổ phần đô thị Amata Hạ Long đồng tổ chức hội nghị gặp mặt các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư