Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 27 tháng 06 năm 2024,
Giới trẻ bị “bẫy nợ” bủa vây
Trần Mạnh - 09/06/2024 10:11
 
Mua sắm bằng thẻ tín dụng, vay nóng để chi tiêu… đã trở thành thói quen của một bộ phận giới trẻ trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, thói quen “vung tay quá trán”, không biết quản lý tài chính cá nhân đang đẩy một bộ phận giới trẻ vào cảnh nợ nần.

 

Thua lỗ, nợ nần vì thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính

“Người dân không biết tiêu tiền và đầu tư là một sự lãng phí, khiến đất nước khó phát triển”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế lo ngại.

Theo các cố vấn tài chính, thế hệ  trẻ ngày càng cởi mở trong chi tiêu, liều lĩnh hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư, song lại ít có ý thức tiết kiệm. Thói quen này khiến nhiều người trẻ rơi vào thua lỗ, nợ nần.

Số liệu về phân bổ chi tiêu trong các gia đình trung lưu do Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản (FIDT) thực hiện trên 300 khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập của người trên 35 tuổi cao hơn 10 - 15% so với người trẻ dưới 35 tuổi. Khả năng thích ứng với công nghệ và xu hướng mới tốt hơn cũng giải thích cho việc có đến 89% người trẻ tại các thành phố lớn sở hữu thẻ tín dụng, trong khi với những người trên 30 tuổi, tỷ lệ này là 40%.

Việc vay nợ trước khi học được phương pháp quản lý nợ khiến nhiều người trẻ sập “bẫy” tài chính. Để khắc phục tình trạng này, các cố vấn tài chính cho rằng, người trẻ nên có ý thức chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư song song với nhau một cách bài bản từ khi còn chưa giàu.

Đầu tiên, phải xác định thu nhập, xem xét các khoản tiết kiệm và đầu tư hiện có, lập kế hoạch tài chính cá nhân chi tiết để xác định mức độ chi tiêu, tiết kiệm. Sau đó, phải xác định được các mục tiêu tài chính quan trọng (mua nhà, mua xe…) và có kế hoạch để đạt mục tiêu đó. Với những khách hàng đang nợ nần, phải ưu tiên kế hoạch trả nợ, sau đó mới đến kế hoạch tiết kiệm, đầu tư.

“Sai lầm của người trẻ về quản lý tài chính cá nhân chủ yếu do thiếu kiến thức tài chính, không có kỹ năng chi tiêu và quản lý tiền bạc. Vì vậy, lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia, các cố vấn tài chính là bước khởi điểm đầu tiên để có được kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư thông minh và hợp lý”, một cố vấn tài chính đưa ra lời khuyên.

 

Lập kế hoạch tài chính và đầu tư hiệu quả

Chị Ngân Hải Quân, một cố vấn tài chính cá nhân cho biết, chị từng có thời gian dài rơi vào cảnh thu nhập không đủ chi tiêu, không có khoản dự phòng và tiết kiệm hàng tháng. Mãi sau này, khi tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân, chị mới biết lập kế hoạch tài chính và đầu tư hiệu quả.

“Điều tôi hài lòng nhất hiện nay là đã xây dựng được một danh mục tài sản đầu tư, dù là rất nhỏ, nhưng an toàn và bền vững để gia tăng tài sản”, chị Ngân chia sẻ.

Trên thực tế, dù nhận thức, trình độ quản lý tài chính cá nhân của người Việt chưa cao, song rất ít người tìm đến dịch vụ cố vấn tài chính cá nhân. Ông Lâm Anh Tuấn, cố vấn tài chính cá nhân cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là nhiều nhà đầu tư còn định kiến về nghề này. Nhiều người vẫn coi môi giới chứng khoán, bất động sản, tư vấn viên bảo hiểm... là một dạng của đa cấp. Ngoài ra, một số khách hàng cho rằng, tư vấn viên tài chính thường đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích khách hàng, nên từ chối khi được giới thiệu dịch vụ.

Do đó, để lấy được niềm tin của khách hàng, bên cạnh việc trang bị kiến thức về các kênh đầu tư, thuế, kế hoạch hưu trí, sản phẩm bảo hiểm,  thị trường bất động sản…, nâng cao năng lực chuyên môn về lập kế hoạch tài chính, quản lý rủi ro…, các cố vấn tài chính cần tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

“Đã đến lúc, cần có khuôn khổ pháp lý về tiêu chuẩn năng lực, hành nghề và cả tiêu chuẩn đạo đức cho chức danh tư vấn tài chính, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân như  các quốc gia phát triển đang làm”, ông Ngô Thành Huấn, Tổng giám đốc Công ty FIDT đề nghị.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển thị trường tài chính cá nhân, phải nâng cao nhận thức của người dân về các loại hình tài chính.

Chưa giàu đã già và sai lầm trong quản lý tài chính cá nhân
Về hưu từ tuổi 40 mà vẫn tự do tài chính là tham vọng của không ít người trẻ. Thế nhưng, với đa số, tuổi 40 ập đến mà giấc mơ tự do tài chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư