Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Hướng về Điện Biên Phủ anh hùng
Phương Thu - 06/05/2024 08:37
 
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các tổ chức, cá nhân trên cả nước đang hướng về Điện Biên bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.
Sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 	Ảnh: Đức Thanh
Sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.   Ảnh: Đức Thanh

Tri ân anh hùng, liệt sĩ

Từ cuối tháng 2/2024, rất nhiều đoàn xe chở cựu chiến binh từ các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa… về Điện Biên với niềm mong được tận mắt thấy đồi A1, đồi D, đồi E, Bộ Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng.

Trước lúc cất bước đến các địa danh ghi dấu hào hùng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, từng đoàn cựu chiến binh tỏa về các nghĩa trang liệt sĩ A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao để từng người được tự tay thắp nén hương viếng anh linh các anh hùng liệt sĩ. Thả hồn theo từng hồi chuông trầm mặc giữa thinh không, trái tim mỗi cựu chiến binh lại trào dâng niềm xúc động thật khó diễn tả thành lời.

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng, người đã từng về Điện Biên rất nhiều lần, tới nỗi chính ông không nhớ chi tiết từng lần, nhưng cảm nhận về sự chuyển mình của mảnh đất lịch sử trong ông thật rõ. “Ngày nào cũng theo dõi thông tin, hình ảnh Điện Biên trên báo, các phương tiện thông tin đại chúng, ấy vậy mà về Điện Biên lần này, tôi thực sự ngỡ ngàng khi tận mắt thấy những đổi thay. Điện Biên hôm nay có thêm nhiều tuyến giao thông hiện đại, thêm nhiều công trình xây dựng mới. Đặc biệt, sân bay Điện Biên hoàn thành nâng cấp, mở rộng đã đem lại diện mạo, vóc dáng và sức hút mới cho vùng đất chiến trường xưa”, thiếu tướng Lưu Xuân Cải chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, thiếu tướng Lưu Xuân Cải cho biết, thành viên đoàn cựu chiến binh Hải Phòng tham gia chuyến hành trình “Về nguồn - tri ân Điện Biên Phủ” lần này gồm các đồng chí lãnh đạo, trưởng các ban, hội cựu chiến binh Thành phố và chủ tịch hội cựu chiến binh một số huyện. Ngoài việc chính là thăm hỏi, động viên một số chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, thì mỗi thành viên trong chuyến đi này còn có trách nhiệm xây dựng chương trình để tới đây kết nối, hướng dẫn các đoàn cựu chiến binh cơ sở tổ chức về nguồn ở Điện Biên.

Mỗi lần về Điện Biên thăm lại đồi A1, đồi D1, hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng…, tôi như vẫn nghe được những tiếng hò dô, tiếng xung phong của các chú, các anh đã xông lên trên chiến trường đỏ lửa. Điện Biên Phủ trong tôi rất đỗi thiêng liêng, anh hùng!.

- Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng

Trong trái tim mỗi người lính, ba tiếng “Điện Biên Phủ” rất đỗi thiêng liêng. Bởi vậy, không chỉ những chiến sĩ từng tham gia trận đánh Điện Biên Phủ, mà lớp trẻ hôm nay đều mong mỏi được về thăm chiến trường Điện Biên Phủ, để hiểu hơn tấm gương anh dũng chiến đấu của thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh cho hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam và nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Cùng là thành viên đoàn cựu chiến binh Hải Phòng về nguồn, cựu chiến binh, doanh nhân Phạm Hồng Điệp mang theo cảm xúc riêng thật khác. Cựu chiến binh Phạm Hồng Điệp chia sẻ: “Khâm phục ý chí của những người chiến sĩ Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi đã làm một sa hình về trận chiến Điện Biên Phủ tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền”.

Cũng trong khuôn viên Nam Cầu Kiền, cựu chiến binh Phạm Hồng Điệp đã làm riêng khu vườn kỷ vật và khu nhà lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với mong muốn lớp lớp công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền nói riêng, thế hệ trẻ Hải Phòng nói chung hiểu thêm về trận chiến Điện Biên Phủ; về tấm gương sống, chiến đấu, làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

Tri ân đất và người Điện Biên

Cùng niềm mong tưởng niệm, tri ân và ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ nơi chiến trường Điện Biên Phủ, những ngày đầu tháng 3/2024, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức các chuỗi hoạt động “Về nguồn, tri ân đất và người Điện Biên”. Kính cẩn dâng hương trên từng phần mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong lòng TP. Điện Biên Phủ, hàng trăm hội viên, cán bộ phụ nữ các cấp từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước còn thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, được triển khai trên địa bàn 5 xã: Thanh Chăn, Sam Mứn, Noong Luống, Pa Thơm (huyện Điện Biên) và xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng). Gần 500 suất quà và tiền mặt đã trao tặng các mẹ liệt sĩ, gia đình chính sách, phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn; tặng 70 ngôi nhà Đại đoàn kết cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và tặng 2 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xúc động cho biết: “Được về Điện Biên Phủ đúng dịp nhân dân cả nước hướng về Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong cả nước đều ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, bổn phận trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Noi gương anh dũng chiến đấu và cống hiến của các thế hệ cha anh đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi hội viên phụ nữ Việt Nam nguyện một lòng đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, góp phần cùng các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh”.

Mới đây, tại Đền thờ Liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa và tỏ lòng biết ơn vô hạn với Bác và anh linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đoàn nguyện sẽ tiếp bước các thế hệ cha anh, phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, quyết tâm mang hết tinh thần sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao…

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác cũng đã dự lễ gắn biển trao tặng nhà Đại đoàn kết; thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên; tặng học bổng, hỗ trợ 900 triệu đồng nâng cấp cơ sở vật chất trường học và cầu dân sinh trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Nắm chặt đôi tay của cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự tri ân, biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp của các chiến sĩ Điện Biên cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ trưởng mong muốn các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, giáo dục, vận động con cháu tích cực học tập, khắc phục khó khăn, thi đua lao động tốt, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cảm ơn tấm lòng, tình cảm của nhân dân cả nước đã luôn dõi theo, ủng hộ và hướng về Điện Biên, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nỗ lực cao nhất, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt là ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ toàn vẹn đường biên, mốc giới và thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân các dân tộc.

Theo mục tiêu đó, đặc biệt hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã xác định tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện 2 chương trình, gồm “Mái ấm nghĩa tình” và “Đưa điện về vùng cao”, với mong muốn tri ân các gia đình chính sách, đồng bào nghèo ở vùng cao để đồng bào được ở trong những ngôi nhà vững chắc, có điện để cuộc sống vơi bớt khó khăn. Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và nhân dân cả nước, năm 2023, Điện Biên đã hoàn thành làm mới, sửa chữa 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách; chương trình “Đưa điện về vùng cao” cũng nhận được sự hỗ trợ nguồn lực của nhiều cấp, nhiều ngành, nên đã có thêm hàng ngàn gia đình đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú… ở các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa được sử dụng điện lưới quốc gia. Riêng huyện Điện Biên Đông, với sự hỗ trợ kinh phí 50 tỷ đồng của Thành ủy TP.HCM, tới đây sẽ hoàn thành mục tiêu đưa điện về 100% bản trên địa bàn.

Với tinh thần “Điện Biên với cả nước, cả nước với Điện Biên”, tỉnh Điện Biên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, sự phối hợp giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với chính sách cởi mở, thông thoáng, tỉnh cũng mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển du lịch, đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của khu vực Tây Bắc.

Xe đạp thồ - "Vua vận tải" của chiến trường Điện Biên Phủ
Với gần 21.000 chiếc xe đạp thồ được huy động, Việt Nam đã làm nên được một điều kì diệu mang tên Điện Biên Phủ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư