Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Phòng chống thảm họa cháy nổ: Xử phạt nghiêm thì trách nhiệm mới luôn “thức”
Ngô Nguyên - 21/09/2023 08:15
 
Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội làm 56 người chết là một thảm họa lớn, chỉ sau vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tại TP.HCM làm chết 60 người hơn 20 năm trước. Nhìn từ các vụ cháy cho thấy, vấn đề cốt tử là trách nhiệm con người.
Cứu hộ các nạn nhân vụ cháy tại chung cư mini phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Cứu hộ các nạn nhân vụ cháy tại chung cư mini phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Hàng ngàn cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy

Đúng thời điểm Hà Nội xảy ra vụ cháy chung cư mini làm chết 56 người, UBND TP.HCM có báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐNĐ ngày 7/12/2017 của HĐND Thành phố (Nghị quyết 23) về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Theo đó, TP.HCM có 3 khu chế xuất, 19 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 22 cụm công nghiệp, hơn 530.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, trong đó có 117.969 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và 9.446 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.

Đáng lưu ý, trong số 9.446 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, có tới 1.174 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC như: không đủ điều kiện về khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, giao thông phục vụ chữa cháy...

Tới nay, toàn TP.HCM chỉ có 401/1.174 cơ sở (chiếm 34,2%) thực hiện các giải pháp PCCC theo Nghị quyết 23. Tới 194 chung cư, cư xá chưa thực hiện các giải pháp PCCC theo Nghị quyết 23. Điển hình như cư xá Lý Thường Kiệt (quận 10, TP.HCM) được xây dựng từ trước năm 1975, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống báo cháy tự động; vật dụng, hàng hóa che chắn phương tiện chữa cháy; người dân làm “chuồng cọp” gây cản trở công tác cứu nạn cứu hộ...

Một số chung cư, cư xá nằm trong diện giải tỏa, xây mới theo kế hoạch của Thành phố nên thường không có Ban quản trị, Ban quản lý. Kết cấu hạ tầng xuống cấp, hầu như không được trang bị phương tiện, hệ thống PCCC, hoặc có lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng, xuống cấp hư hỏng, không còn tác dụng.

Đáng nói, do không có Ban quản trị nên không thể kêu gọi người dân đóng góp, trong khi kinh phí cải tạo, sửa chữa, lắp đặt hệ thống PCCC rất lớn. Chưa kể, hầu hết người dân sinh sống tại các khu vực này là người có thu nhập thấp, nên việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị quyết 23 gặp rất nhiều khó khăn.

Một số cơ sở thuộc sở hữu của Nhà nước như trường học, bệnh viện, bảo tàng, trụ sở cơ quan, chợ, ký túc xá cũng chưa thực hiện các yêu cầu, giải pháp tại Nghị quyết 23. Nguyên nhân do các cơ sở này hoạt động phụ thuộc vào nguồn kinh phí Nhà nước, muốn cải tạo, sửa chữa phải xin chủ trương, xin cấp nguồn kinh phí, mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, còn 235 cơ sở thuộc sở hữu tư nhân chưa thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết 23. Trong đó, nhiều cơ sở xây dựng không có giấy phép, sai phép, không phù hợp quy hoạch hoặc không đảm bảo về môi trường, có cơ sở thuộc diện di dời và có nguyện vọng di dời, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do chưa có sự phối hợp toàn diện giữa cơ quan, đơn vị có liên quan và chủ đầu tư. Một số trường hợp muốn đáp ứng được các yêu cầu an toàn về PCCC thì buộc phải phá dỡ hoàn toàn (hoặc một phần) nhà xưởng, công trình, nhà kho... dẫn đến chủ doanh nghiệp hầu như không thực hiện được do kinh phí đầu tư xây dựng mới rất lớn, trong khi sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn này hết sức khó khăn.

Đánh thức trách nhiệm

Ngay sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini phố Khương Hạ, UBND TP. Hà Nội lập tức có công điện giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát 100% chung cư mini, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Yêu cầu các đơn vị hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ cơ sở khắc phục ngay các tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát nạn đối với người dân đang sinh sống, làm việc tại các khu nhà ở nhiều căn hộ.

Cũng ngay lập tức, UBND TP.HCM có văn bản yêu cầu Công an Thành phố khẩn trương tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch tổng kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC đối với các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini trên địa bàn.

Cứ sau mỗi đợt thảm họa, các cơ quan chức năng lại “tổng kiểm tra” là chuyện đã từng.

Đơn cử, sau thảm họa cháy chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM) xảy ra rạng sáng 23/3/2018 khiến 13 người tử vong, 72 người bị thương và tài sản bị thiệt hại hơn 126 tỷ đồng, TP.HCM đã ồ ạt tổng kiểm tra chung cư.

Thậm chí, tại quận 1, nơi có 86 chung cư xây dựng trước năm 1975, trong đó khoảng 30 - 40 chung cư xuống cấp nghiêm trọng, đích thân ông Đoàn Ngọc Hải lúc đó là Phó chủ tịch UBND quận 1 dẫn đầu một đoàn đi kiểm tra an toàn PCCC. Lúc đó, cả nước cũng “rầm rộ” tổng kiểm tra.

Tới tháng 9/2022, Bình Dương xảy ra thảm họa cháy quán karaoke làm 32 người tử vong, cũng lập tức nhiều tỉnh, thành phố lại “rầm rập” tổ chức tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, xử phạt, thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về PCCC…

Các cuộc tổng kiểm tra rà soát được cho là đã “đánh thức” trách nhiệm của nhiều người, gồm cả người dân, doanh nghiệp cho tới nhà quản lý, trong khi đáng lẽ trách nhiệm phải luôn “thức”.

Buộc trách nhiệm luôn “thức”

Quy định bắt buộc trong xây dựng là phải đảm bảo tiêu chuẩn PCCC, áp dụng không chỉ với chung cư, nhà xưởng, mà cả nhà trọ.

Chẳng hạn, trong việc xây nhà trọ cho thuê, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu phải thẩm duyệt thiết kế theo quy định PCCC trước khi đi vào hoạt động đối với nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà ở hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên, hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên.

Thậm chí, nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3... cũng phải làm hồ sơ phương án PCCC, trang thiết bị PCCC.

Với nhà ở riêng lẻ đã được "hô biến" thành khu nhà cho thuê, từ năm 2020, TP.HCM ban hành hướng dẫn làm nhà trọ với quy định chặt chẽ về diện tích tối thiểu, phải có cửa chính, cửa sổ bảo đảm yếu tố thoáng gió, đảm kết nối hạ tầng và an toàn trong công tác PCCC.

Có nghĩa là, quy chuẩn PCCC bắt buộc được siết “từ gốc tới ngọn”, từ khâu thiết kế, xây dựng đến vận hành. Việc hậu kiểm, giám sát đảm bảo PCCC cũng “tầng tầng lớp lớp” các cấp chính quyền, tới tận cấp phường, xã.

Tại TP.HCM và Hà Nội, một nhà dân trong hẻm, một nhà trọ trong ngóc ngách nếu có sửa chữa không phép thì lập tức cán bộ quản lý cơ sở tới lập biên bản, đình chỉ, xử lý ngay. Vậy tại sao căn nhà chỉ được cấp phép 6 tầng mà “biến” thành 9 tầng ở Khương Hạ, ngay giữa trung tâm Thủ đô mà không ai hay, không ai xử lý?

Căn nhà được cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ đó còn biến thành chung cư mini khi cho 150 nhân khẩu thuê ở, tức thành nhà trọ, là kinh doanh, phải đảm bảo quy định pháp lý về PCCC. Vậy tại sao lại để bịt bùng, không lối thoát, mà không cấp chính quyền nào xử lý?

Vụ việc mới nhất này, đồng thời nhìn lại vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TP.HCM năm 2018 cho thấy, vấn đề nằm ở chính con người. Đầu tư phương tiện PCCC chỉ mới là bước đầu, quan trọng là ý thức con người. Trách nhiệm của mọi người trong công tác PCCC, từ cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, đến người dân phải luôn “thức”, chứ không phải chỉ được “đánh thức” mỗi khi thảm họa xảy ra, rồi một thời gian sau lại rơi vào quên lãng.

Chập mạch dây dẫn bình ắc quy xe tay ga gây ra vụ cháy chung cư mini
Theo kết luận giám định nguyên nhân được công bố, do chập mạch đường dây dẫn điện của bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô tay ga đặt giáp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư