Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 25 tháng 12 năm 2024,
Lãi suất nóng lên, ngân hàng lo biên lãi ròng sụt giảm
Thùy Liên - 10/05/2024 08:26
 
Bước sang tháng 5, thêm loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động. Trong khi đó, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Nhiều nhà băng e ngại, túi lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.
Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng nhẹ.  Ảnh: Dũng Minh

Tìm giải pháp để cải thiện biên lãi ròng

Sự xoay chiều của lãi suất huy động từ đầu tháng 4/2024 tới nay nhận được sự chú ý của nhiều cổ đông ngân hàng, bởi lãi suất đầu vào nóng lên trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn chịu áp lực giảm sẽ ảnh hưởng đến biên lãi ròng (NIM) và túi lợi nhuận của các nhà băng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, NIM của Vietcombank liên tục tăng trong giai đoạn 2020 - 2023, song giảm sút từ đầu năm 2024 đến nay. Nguyên nhân là tốc độ giảm lãi suất cho vay đang diễn ra nhanh hơn tốc độ giảm lãi suất huy động vốn, đặc biệt từ 6 tháng cuối năm 2023 đến nay. Quy mô sử dụng vốn tăng chậm, tín dụng trung - dài hạn liên tục giảm, trong khi tín dụng ngắn hạn tăng cũng khiến NIM bình quân của ngân hàng sụt giảm.

“Vietcombank đang nỗ lực tăng tín dụng trung dài hạn để cải thiện NIM”, ông Tùng cho biết.

Không chỉ Vietcombank, VietinBank cũng đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để cải thiện NIM. Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT VietinBank cho biết, vừa qua, Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. VietinBank đang theo sát tình hình thị trường và có những giải pháp phù hợp để giữ vững NIM. Quý I/2024, NIM của VietinBank tăng nhẹ từ mức 2,85% vào cuối năm 2023, lên 2,93% và mục tiêu năm 2024 là lên 3%.

Dù vậy, theo nhận định của lãnh đạo nhiều ngân hàng, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn ở mức thấp, thanh khoản dồi dào, nên lãi suất huy động năm nay nếu tăng thì cũng chỉ tăng nhẹ. Thêm vào đó, lãi suất huy động giảm sâu trong nửa cuối năm 2023 và quý I/2024 sẽ giúp chi phí vốn bình quân của ngân hàng năm nay hạ nhiệt. Đây là cơ sở để các ngân hàng giữ vững hoặc cải thiện NIM.

Năm 2023, NIM toàn ngành ngân hàng ở mức khoảng 3,5%, các chuyên gia phân tích kỳ vọng, con số này có thể cải thiện và đạt mức 3,7 - 3,8% trong năm nay. Mức độ phục hồi NIM của từng ngân hàng không giống nhau, tùy thuộc vào giá vốn đầu vào, danh mục cho vay, lãi suất cho vay, tốc độ số hóa, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA)…

“NIM ngân hàng năm 2024 sẽ không cao, nhưng cũng không quá thấp. Bởi vì, lãi suất huy động đi xuống và lãi suất cho vay cũng phải giảm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để đồng hành với các doanh nghiệp”, ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT TPBank nhận định.

Lãi suất quá thấp, tiền gửi sẽ chảy ra khỏi nhà băng

Trong tuần đầu tháng 5/2024, có 3 ngân hàng thương mại thông báo tăng lãi suất huy động. Trước đó, trong tháng 4/2024, có khoảng 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động.

Năm 2023, biên lãi ròng (NIM) của VPBank sụt giảm theo xu hướng chung (giảm từ 5,5 - 5,6% về 4,4%). Tuy nhiên, NIM đã tăng dần từ quý I/2024, dự kiến năm nay sẽ tiếp tục tăng, nhưng không phải nhờ tăng lãi suất cho vay, mà do tiết kiệm được chi phí vốn. Gần đây, lãi suất huy động có tăng ở một số ngân hàng, nhưng chúng tôi đánh giá chỉ là tăng tạm thời. Nhìn chung, năm nay, lãi suất ở mặt bằng thấp, dự kiến, NIM của VPBank sẽ phục hồi, đạt mức 4,9 - 5%.

- Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank

“Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước, nhưng mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy, thanh khoản tại các ngân hàng thương mại vẫn ở mức dồi dào. Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm”, các chuyên gia phân tích của Wigroup nhận định.

Tính đến cuối tháng 3/2024, tín dụng tăng trưởng dương trở lại, trong khi huy động vốn tăng trưởng âm. Tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm vào đầu năm nay sau khi liên tục tăng trưởng trong 25 tháng trước đó. Có thể thấy, dòng tiền gửi đáo hạn đã rời bỏ ngân hàng.

“Lãi suất huy động chỉ giảm được ở mức độ nào đó, nếu giảm quá, thì khách hàng không gửi tiền. Hiện nay, lãi suất đã ở đáy”, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank nhận định.

Theo các chuyên gia, lãi suất tiền gửi quá thấp đã khiến dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục tăng cao, còn giá vàng thì tăng trên 20%. Một số phân khúc bất động sản phục hồi cũng đang hấp thụ một lượng vốn không nhỏ.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân (Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam) cho rằng, do cầu tín dụng chưa phục hồi, nên dù lãi suất huy động nhích lên, lãi vay vẫn chịu áp lực giảm. Vì vậy, trước mắt, các ngân hàng phải chấp nhận biên lợi nhuận thấp. Khi tín dụng phục hồi, lãi suất cho vay mới có thể tăng, và nếu tăng, thì cũng chỉ tăng ở mức độ nhẹ.

Lợi nhuận ngân hàng vẫn “trông cậy” vào tín dụng
Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng cải thiện sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh thu ngoài lãi ảm đạm, nhất là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư