Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Lợi nhuận ngân hàng vẫn “trông cậy” vào tín dụng
Vân Linh - 20/01/2024 10:09
 
Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng cải thiện sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh thu ngoài lãi ảm đạm, nhất là mảng kinh doanh bảo hiểm.
Năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. 

Đến thời điểm này, hầu hết các nhà băng chưa đưa ra báo cáo tài chính năm 2023, song theo đánh giá từ lãnh đạo một ngân hàng, bên cạnh những ngân hàng đạt lợi nhuận cao, không ít nhà băng hụt chỉ tiêu kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng 3 quý đầu năm chậm, riêng quý cuối năm sôi động hơn, nhưng cũng khá cạnh tranh về lãi suất, nên biên lãi thuần thu hẹp. Tuy nhiên, đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng năm qua vẫn chủ yếu từ tín dụng.

Thị trường bảo hiểm chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng niềm tin, có ngân hàng giảm tới 80% thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm. Công ty Chứng khoán KBSV còn cho rằng, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng vẫn phải đối diện với những khó khăn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động bancassurance. Do đó, nguồn thu từ hai mảng ngân hàng đầu tư và kinh doanh bảo hiểm cần thêm thời gian mới có thể hồi phục. 

MB vừa công bố lợi nhuận năm 2023 đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 22% - cao hơn VietinBank (hơn 24.000 tỷ đồng) nhưng thấp hơn Agribank (25.300 - 25.400 tỷ đồng), BIDV (26.750 tỷ đồng) và Vietcombank (40.400 tỷ đồng). Tính đến ngày 31/12/2023, tín dụng của MB đạt 615.400 tỷ đồng, tăng 28,8% so với đầu năm - cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế (13,71%) cũng như các nhà băng thuộc nhóm Big4.

LPBank cho biết, Ngân hàng thu về hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023. Tổng tài sản của Ngân hàng tính đến cuối năm đạt hơn 382.953 tỷ đồng, tăng 48%% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 39.686 tỷ đồng, với tỷ lệ 16,83%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.

Theo Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này trong năm 2023 đạt 21%, trong đó dư nợ tăng cao nhất vào tháng cuối năm. Tuy nhiên, có những khoản vay mới được giải ngân với lãi suất chỉ 6%/năm, thấp hơn một nửa so với giai đoạn mặt bằng lãi suất cao đầu năm.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng, tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn. Các nhà băng vẫn thận trọng khi xây dựng kế hoạch năm 2024, dù không ít ngân hàng đạt mức lợi nhuận lên đến hàng tỷ USD trong năm 2023.

Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Tuy vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn nhờ chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều, lãi suất huy động chạm “đáy” và lợi nhuận trước dự phòng có sự cải thiện, các nhà băng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức 12% và vẫn chịu áp lực từ nền kinh tế, cũng như thị trường bất động sản chậm phục hồi. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành có thể không bằng năm ngoái, nhưng sẽ đạt khoảng 10%.

Theo các chuyên gia của VCBS, sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng tiếp tục diễn ra và càng mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Ngược lại, ngân hàng có bộ “đệm” mạnh, hay các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn năm nay sẽ có động lực tăng trưởng mạnh, kỳ vọng vượt bình quân ngành, với mức tăng lợi nhuận 18-20%.

Lợi nhuận ngân hàng cả năm 2023 tăng trưởng thấp
Tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu cao, khiến bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý IV/2023 và cả năm 2023 tăng trưởng thấp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư