Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 20/4: Quy trách nhiệm về tiến độ cấp hộ chiếu vắc-xin; Phát hiện trẻ em bị hội chứng MIS-C sau mắc Covid-19
D.Ngân - 20/04/2022 08:49
 
Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm nếu thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót, ảnh hưởng tới việc cấp hộ chiếu vắc-xin.

Nước ta có thêm hơn 13.000 ca Covid-19 tại 61 tỉnh, thành phố

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 13.271 ca nhiễm mới tại 61 tỉnh, thành phố (giảm 229 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là TP.HCM (giảm 378 ca), Hải Dương (giảm 187 ca), Yên Bái (giảm 99 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (tăng 280 ca), Lâm Đồng (tăng 263 ca), Bắc Giang (tăng 243 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.429 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.502.590 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.186 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.494.842 ca, trong đó có 9.065.417 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.536.828), TP.HCM (607.699), Nghệ An (477.687), Bình Dương (383.022), Bắc Giang (381.519).

Về tình hình điều trị, có thêm 2.540 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.068.234. Ngoài ra, có 896 bệnh nhân đang thở ô xy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 7 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố.

Như vậy, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 15 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.982 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội: Tiêm hơn 33.000 mũi vắc-xin cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 19/4 đến 18h ngày 20/4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.012 ca Covid-19, trong đó có 299 ca cộng đồng; 713 ca đã cách ly.

Cụ thể, 1.012 bệnh nhân phân bố tại 269 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Nam Từ Liêm (74), Hoàng Mai (69), Bắc Từ Liêm (66), Sóc Sơn (63), Đông Anh (41).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là 1.537.339 ca.

Chỉ còn hơn 126.000 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi (giảm hơn 1.700 ca so với ngày trước đó); trong đó, 439 ca điều trị tại các bệnh viện, số còn lại gần 125.600 ca theo dõi, cách ly tại nhà.

Thành phố Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ cho 176.700 liều vắc xin Moderna để tiêm cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Trong 4 ngày (từ ngày 16 đến 19/4), Hà Nội đã tiêm được 33.382 mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện nay, chưa ghi nhận các phản ứng nặng sau tiêm. 

Một số quận, huyện đã triển khai tiêm xong cho học sinh lớp 6 và tiếp tục tiêm cho học sinh lớp 5, lớp 4.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan tổ chức rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm nếu thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót không được cập nhật kịp thời.

Thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 1908/BYT-CNTT, hoàn thành trước ngày 25/4/2022.

Liên quan việc cấp "hộ chiếu vắc-xin" Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố cũng về việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và triển khai ký xác nhận "Hộ chiếu vắc-xin".

Tại văn bản, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh,  thành phố giao Tổ công tác Đề án 06 của các tỉnh,  thành phố chủ trì chỉ đạo thực hiện làm sạch dữ liệu tiêm chủng Covid-19 theo Công văn số 1495/BYT-CNTT ngày 24/03/2022 về việc đôn đốc, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng Covid-19 phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Thời gian hoàn thành trước ngày 5/5/2022.

Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn: Tổ chức rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và duy trì việc xử lý phản ánh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thời gian hoàn thành hai nội dung này trước ngày 30/4/2022.

Cả 2 văn bản này, Bộ Y tế nêu rõ, người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm nếu thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót không được cập nhật kịp thời, ảnh hưởng đến việc cấp hộ chiếu vắc-xin, phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế.

Trước đó, từ ngày 15/4, Bộ Y tế bắt đầu thực hiện ký xác nhận cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân đã tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Theo số liệu tổng hợp từ hơn 200 cơ sở tiêm chủng, đến nay, gần 500.000 người đã có xác nhận hộ chiếu vắc-xin.

Hộ chiếu vắc-xin điện tử là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành, hiện được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng. 

Hiện có 19 nước công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam, gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.

Phát hiện trẻ em bị hội chứng MIS-C sau mắc Covid-19

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo báo cáo nhanh từ các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, thành phố ghi nhận có 315 trẻ được chẩn đoán MIS-C hoặc nghi ngờ MIS-C trên tổng số trẻ em mắc Covid-19 (trong cùng giai đoạn) là 71.076 trẻ, chiếm tỷ lệ 0,4%.

Tất cả đều đáp ứng tốt với điều trị, không có trường hợp nào tử vong. Trong đó, lứa tuổi thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi (149 trường hợp, chiếm 47,3%); kế đến là trẻ từ 5 đến 12 tuổi (145 trường hợp, chiếm 46%) và cuối cùng là trẻ trên 12 tuổi (21 trường hợp, chiếm 6,7%).

Hội chứng MIS-C (viết tắt của “Multisystem Inflammatory Syndrome in Children”) là tình trạng viêm các cơ quan khác nhau bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ em có tiền sử mắc Covid-19 trước đó. Đây là một hội chứng mới, được xác nhận lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2020 tại Mỹ và Anh. 

Hội chứng này thường xảy ra vào khoảng 2 đến 6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2 và cũng có thể gặp sớm hơn hoặc trễ hơn khoảng thời gian này.

Trẻ mắc hội chứng MIS-C thường có các biểu hiệu như sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như ói, đau bụng, tiêu chảy. 

Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim. 

Riêng biến chứng viêm mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như dãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim. 

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo trẻ nghi mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi; thuốc điều trị MIS-C bao gồm các thuốc ức chế, điều hòa hệ miễn dịch (như corticosteroids, Imunoglobuline tiêm tĩnh mạch - IVIG..), các thuốc vận mạch trong những trường hợp nặng và các thuốc hỗ trợ khác. Một số trường hợp nguy kịch cần được hỗ trợ hô hấp tuần hoàn tại khoa Hồi sức tăng cường.

Các trẻ sau khi bị MIS-C đã điều trị ổn định được xuất viện vẫn cần phải theo dõi và tái khám định kỳ mỗi tháng trong ít nhất 3-6 tháng sau đó, hoặc tái khám ngay khi có các biểu hiện nặng khác để theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trên hệ tim mạch. 

Nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, đa số các trường hợp mắc hội chứng MIS-C sẽ có đáp ứng tốt.

MIS-C là một hội chứng nặng và nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ em đã nhiễm Covid-19 trước đó với tỷ lệ khá thấp (0,4%). 

Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa trẻ em mắc hội chứng MIS-C là cho tất cả trẻ em đủ điều kiện từ 5 tuổi trở lên tiêm vắc-xin phòng Covid-19. 

Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế nhiễm Covid-19 như thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, những khu vực có khả năng lây truyền cao ngay cả khi đã được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.

Tin mới về Covid-19 ngày 4/4: Dự kiến cấp hộ chiếu vắc-xin từ 15/4
Bộ Y tế tiến hành cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/4/2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư