Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 6/7: Bệnh nhân mắc cúm A tăng cao bất thường; Bệnh nhân Covid-19 nặng tăng
D.Ngân - 06/07/2022 09:13
 
Tại nhiều cơ sở y tế số bệnh nhân mắc cúm A tăng cao bất thường.

Tăng bất thường

Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong vài tuần trở lại đây tiếp nhận số lượng bệnh nhân cúm A tăng bất thường so với cùng thời điểm này các năm trước.

Theo các chuyên gia, đây là điều bất thường bởi loại cúm này thường xuất hiện nhiều vào mùa Đông Xuân.

Ảnh minh họa.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, mỗi ngày bệnh viện cũng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân có dấu hiệu cúm A đến thăm khám và điều trị. 

ThS.BS. Nguyễn Thu Hường,Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, như các năm thời điểm này dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay ghi nhận sự đảo ngược so với ca mắc sốt xuất huyết khi chỉ ghi nhận lác đác vài ca nhưng bệnh nhân cúm A lại tăng.

Bình thường vào mùa hè bệnh cúm mùa ít xuất hiện, rất hiếm khi mới gặp 1 ca bệnh, do thời tiết khô nóng không thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm cho cho virus cúm phát triển và gây bệnh. 

Loại virus này thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm. 

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa Đông Xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa). Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9…. 

Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau là sốt, viêm đường hô hấp, đau họng… 

TP.HCM: Sốt xuất huyết tăng hơn 180% so với cùng kỳ

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến tuần 26 (từ ngày 24 đến 30/6), thành phố ghi nhận 21.750 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 181,5% với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 346 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 26 là 1,6% (346/21.750) tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tuần 26, thành phố ghi nhận 2.428 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 158 ca (6,9%) so với trung bình 4 tuần trước. 

Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. 

Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở thành phố là 11 trường hợp.

Cũng trong tuần 26, toàn thành phố ghi nhận 175 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 98 phường, xã thuộc 19/22 quận, huyện, TP.Thủ Đức; tăng 1 ổ dịch mới so với tuần 25 (136 ổ dịch).

Bệnh nhân Covid-19 nặng tăng

Số bệnh nhân mắc Covid-19 cần phải nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây tại một số cơ sở y tế. Hầu hết các trường hợp này đều có bệnh lý nền và chưa tiêm vaccine mũi nhắc lại. 

Tại bệnh viện tuyến đầu điều trị Covid-19 ở Hà Nội là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho 61 bệnh nhân Covid-19. 

Trong số này có 18 bệnh nhân nặng, tăng hơn so với tháng 4, 5 và đầu tháng 6. Trong 18 bệnh nhân nặng có 2 ca phải thở oxy mask và 15 ca thở oxy, đều là người có bệnh nền.

Theo ThS. Trần Văn Giang, Phó Trưởng Khoa Virus Ký sinh trùng, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trong tháng 4 và tháng 5, trung bình khoa tiếp nhận 1-2 ca Covid-19 mỗi ngày. 

Bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ chuyển nặng như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 6 đến nay, bệnh nhân Covid-19 ở nhóm người cần đến cơ sở y tế vào nhập viện gia tăng, mỗi ngày khoa tiếp nhận 7-10 bệnh nhân. 

So với tháng trước, số lượng bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi khiến khoa gần như kín chỗ. Trong số những bệnh nhân nhập viện điều trị, có tới 1/3 ca trở nặng.

Khoa Hồi sức tích cực hiện có 20 giường hồi sức dành cho bệnh nhân Covid-19, tuy nhiên ở thời điểm này, tại đây đang điều trị cho 17 trường hợp nặng. 

Nếu so với 1 tháng trước, số bệnh nhân nặng phải vào Khoa Hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi và hầu hết các ca này đều có bệnh nền.

Gần đây cũng ghi nhận sự tăng nhẹ ca nhiễm đến điều trị tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (Hoàng Mai, Hà Nội) thuộc Bệnh viện Đại học Y. 

Nếu như thời điểm tháng 4-5 có ngày bệnh viện không tiếp nhận ca bệnh nào, thì 2 đến 3 tuần nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1-3 ca.

PGS.TS. Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh viện hiện đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2 ca phải thở oxy, còn lại là bệnh nhân nhẹ. 

Các bệnh nhân vào nhập viện chủ yếu là bệnh nền cần phải nằm viện điều trị, không có ca tái nhiễm.

WHO ghi nhận hơn 5.300 ca bệnh đậu mùa khỉ trong nửa đầu năm 2022

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đến nay đã tiếp nhận báo cáo xác nhận về hơn 5.300 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ thông qua các kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Có tới 85% trong số này là các trường hợp tại châu Âu.

Hiện WHO vẫn yêu cầu các quốc gia đặc biệt chú ý tới các ca mắc đậu mùa khỉ nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan căn bệnh này. Mặc dù số ca mắc đang tăng nhanh nhưng WHO vẫn chưa ấn định ngày nhóm họp lần hai ủy ban khẩn cấp gồm các chuyên gia của tổ chức này để thảo luận về tình hình dịch bệnh.  

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các quốc gia Trung Phi và Tây Phi. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 5 năm nay, số ca mắc đã gia tăng bên ngoài những quốc gia này. 

Cho đến nay, hầu hết các bệnh là nam giới quan hệ tình dục đồng tính, trẻ tuổi và tại các khu vực thành thị. Những triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt cao, sưng tấy hạch bạch huyết, phát ban giống như bệnh thủy đậu, ớn lạnh và kiệt sức.

[Infographic] Bệnh cúm mùa: Tác nhân gây bệnh, biểu hiện và cách phòng chống
Không khí ô nhiễm và thời tiết thường thay đổi đột ngột là thời điểm cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh cho người, đặc biệt là bệnh cúm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư