Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Covid-19 thách thức “hệ miễn dịch” của Vietravel
Huy Vũ - 17/02/2020 08:17
 
Giữa lúc “sức đề kháng” đang có những biểu hiện suy giảm, dịch Covid-19 xảy ra khiến Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) càng lâm vào thế khó và cần tính toán lại những nước cờ chiến lược.
Với 80% doanh thu đến từ dịch vụ lữ hành, Vietravel đang xoay trở chiến lược để đối phó với dịch Covid-19. Ảnh: Lê Toàn
Với 80% doanh thu đến từ dịch vụ lữ hành, Vietravel đang xoay trở chiến lược để đối phó với dịch Covid-19. Ảnh: Lê Toàn

Thách thức từ “cỗ máy xay tiền”

Cuối năm 2019, Vietravel  công khai khoản lỗ sau thuế hơn 14 tỷ đồng trong báo cáo quý IV hợp nhất (chưa soát xét).

Nguyên nhân lỗ được Vietravel giải trình do đầu tư vào các công ty con và các công ty này đang trong quá trình tái cấu trúc. Bên cạnh đó, do phát triển kênh bán qua đại lý môi giới và các trang mạng trực tuyến, nên chi phí, hoa hồng tăng so với cùng kỳ 2018. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cũng khiến tỷ lệ lãi gộp của Vietravel giảm.

Tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour trực thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển giao thông - vận tải, năm 1995, Vietravel chính thức phát triển độc lập. Với những bước tiến mạnh mẽ, Vietravel vượt qua một số “tên tuổi” cùng thời như Fiditour, Saigontourist, dẫn đầu thị trường du lịch Việt Nam về doanh thu.

Quay trở lại vấn đề doanh thu, lợi nhuận của Vietravel. Sự sụt giảm doanh thu trong quý IV/2019 đã khiến lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Công ty giảm 32% so với năm 2018, chỉ đạt 39,93 tỷ đồng. Việc báo lỗ không lâu sau khi công bố thành lập Hàng hãng hàng không Vietravel Airlines cũng là thông tin khá bất ngờ.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, thì kết quả này không quá khó hiểu. Lợi nhuận mỏng, trong khi phải gánh các khoản chi phí cao là yếu tố chủ đạo đưa Vietravel vào thế khó. Cụ thể, số liệu tại báo cáo hợp nhất năm 2018 (đã soát xét) của doanh nghiệp này cho thấy, dù doanh thu thuần đạt tới 7.238 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lại rất khiêm tốn, chỉ đạt 56 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần của Vietravel chưa đến 1%.

Giá vốn bán hàng của doanh nghiệp này khá cao, 6.764 tỷ đồng, chiếm hơn 90% doanh thu thuần. Điều này khiến lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietravel teo tóp lại, chỉ còn 468 tỷ đồng.

Hệ thống gồm 9 công ty con chịu sự kiểm soát của công ty mẹ cùng mạng lưới 55 chi nhánh ở trong nước và nước ngoài từng là sức mạnh của Vietravel, nay đang trở thành “cỗ máy xay tiền”, khi chi phí quản lý doanh nghiệp (373 tỷ đồng, trong đó 1/3 là chi phí nhân viên) chiếm gần 80%.

Việc đầu tư vào hệ thống chi nhánh từng là chiến lược tạo đột phá cho Vietravel. Với mô hình bán lẻ truyền thống khi Internet chưa phát triển, việc sở hữu lượng chi nhánh dày đặc là lợi thế cho các doanh nghiệp và Vietravel đã tập trung đầu tư, phát huy tối đa lợi thế này.

Nhưng với sự phát triển vượt bậc của Internet và công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt công nghệ, tối ưu chi phí tiếp cận khách hàng, cắt giảm chi nhánh để có mức giá cạnh tranh hơn. Vietravel cũng đã thừa nhận, sự vươn lên và cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ là một trong 3 nguyên nhân dẫn đến sụt giảm lãi gộp trong quý IV/2019.

Trong khi đó, việc sở hữu Hãng hàng không Vietravel Airlines chưa thể hiện rõ lợi thế của Vietravel, nhất là khi chi phí hoạt động của doanh nghiệp này đang khá cao vì bộ máy cồng kềnh. Hơn nữa, để lập hãng hàng không, Vietravel đã phải phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 24 tháng với lãi suất 9,25%/năm trong 15 tháng đầu tiên và tăng lên 11%/năm trong thời gian còn lại.

Cần phải nói thêm rằng, đầu tư vào lĩnh vực hàng không là một bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng và nằm trong kế hoạch của Vietravel. Hơn 10 năm trước, công ty này từng thắng rất đậm với chiến lược đầu tư xe du lịch cỡ lớn để cung cấp phương tiện di chuyển cho khách du lịch trong nước.

Tuy nhiên, “nước cờ” đầu tư vào hàng không ở thời điểm hiện tại có phần mạo hiểm, vì thị trường hàng không đã mở cửa hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm. Số liệu của Cục hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2018, có 68 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không trong nước khai thác thị trường Việt Nam. Từ 2008 - 2018, số lượng tàu bay tăng 3 lần (từ 60 chiếc lên 192 chiếc); mạng đường bay mở rộng từ 25 đường bay nội địa lên con số 60, từ 54 đường bay quốc tế lên con số 130.

Năm 2019, Thomas Cook, doanh nghiệp du lịch của Anh với hơn 170 năm kinh nghiệm đã buộc phải phá sản. Mô hình cồng kềnh với khoảng 600 văn phòng cùng việc mở hãng hàng không riêng vào năm 2013 đã đẩy công ty này vào thế khó khi thị trường du lịch trọn gói biến động mạnh do quy mô ngày càng thu hẹp dần, cộng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Đây là lời cảnh báo đối với bất kỳ doanh nghiệp du lịch nào trên thế giới.

Tìm kế thoát khó

Mới đây, ông Bùi Thế Duy, CEO Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt thẳng thắn chia sẻ, dịch bệnh như một đòn “trời giáng” vào các công ty du lịch Việt Nam.

Thông thường, vào cuối năm, các công ty du lịch, nhất là lữ hành quốc tế, đều phải đặt cọc tiền cho các hãng hàng hàng không để có vé máy bay (yếu tố quan trọng nhất trong giá thành tour) và các nhà cung cấp dịch vụ để triển khai chiến lược kinh doanh cho năm sau.

Như vậy, có thể thấy, nợ ngắn hạn của công ty du lịch luôn lớn hơn nợ dài hạn và tình trạng của Vietravel cũng tương tự. Đơn cử, trong báo cáo năm 2018 của Vietravel, nợ ngắn hạn là 926 tỷ đồng, trong khi nợ dài hạn chỉ 56 tỷ đồng.

Đổi lại, điểm mạnh của các công ty du lịch là dòng tiền mặt dồi dào. Khi khách đã nộp trước tiền tour, họ có thể dùng khoản tiền đó để mở một tour khác và cứ thế xoay vòng vốn.

Tuy nhiên, nếu một số lượng lớn tour không thành, doanh nghiệp sẽ mất dòng tiền, cộng với việc đã đặt cọc cho các nhà cung cấp dịch vụ, khiến lượng tiền mặt càng khan hiếm. Lúc đó, nhân lực càng nhiều, số lượng chi nhánh, văn phòng càng lớn, thì áp lực chi phí của doanh nghiệp sẽ càng nặng nề.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khách du lịch có xu hướng lên kế hoạch đi du lịch và đặt tour từ trước nhiều ngày. Cũng vì thế, xác suất huỷ tour khi có những biến động lớn, như dịch bệnh, là rất cao.

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều công ty du lịch trở tay không kịp và Vietravel cũng không ngoại lệ. Thêm vào đó, việc sụt giảm doanh thu từ trước khi dịch xảy ra rõ ràng không có lợi cho doanh nghiệp.

Doanh thu chính của Vietravel đến từ dịch vụ lữ hành (chiếm khoảng 80% cơ cấu doanh thu). Nguồn tiền này đến từ du lịch nội địa, đưa du khách nước ngoài vào Việt Nam (inbound tour) và đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound tour).

Ảnh hưởng của Covid-19, thị trường khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, đặc biệt là khách Trung Quốc và du lịch nội địa giảm mạnh. Vietravel chỉ còn mảng outbound tour để “gỡ gạc” trong thời gian tới. Đây cũng là thị trường sống còn của hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Bảo, đồng sáng lập Công ty Du lịch Tugo cho biết, gần đây, khách du lịch Việt Nam ưa chuộng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hoặc cao cấp hơn là Mỹ, châu Âu… Ngành du lịch các nước này cũng đang chịu thiệt hại do lượng khách Trung Quốc giảm đột biến, nên sẽ tìm cách thu hút khách từ các thị trường khác.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi thị trường không dễ dàng đối với các công ty du lịch Việt vì visa vào các thị trường này khó hơn, đặc biệt, giá cả luôn là yếu tố “đau đầu” nhất.

Trên thực tế, Vietravel có đủ năng lực và kinh nghiệm tổ chức tour tới các thị trường này nhờ vào chiến lược định vị phân khúc khách hàng trung lưu trong thời gian qua. Hơn nữa, với thương hiệu đã được khẳng định, khả năng thu hút khách hàng của Vietravel trong “cuộc chiến” giảm giá giữa bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch là rất cao.

Thế nhưng, với gánh nặng từ chi phí vận hành hệ thống, việc giảm giá liên tục  sẽ là thử thách lớn đối với sức chịu đựng và có thể làm lung lay mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu trong số các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam của Vietravel.

Nhìn rộng ra, không chỉ Vietravel, Covid-19 còn đang thách thức “hệ miễn dịch” của các doanh nghiệp du lịch có mô hình tương tự.

Chủ tịch, Tổng giám đốc Vietravel hé lộ kế hoạch lập hãng hàng không
Riêng ngành du lịch có tới 90% doanh nghiệp tư nhân đang tham gia phát triển. Thị trường cũng đang chứng kiến việc các doanh nghiệp lữ hành đã bắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư