Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nguy cơ cao từ việc người dân đổ xô ra đường khi cách ly xã hội
Việc tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội cần phải tiếp tục được thực hiện nghiêm để tránh những nguy cơ lây nhiễm cho cả cộng đồng.
Nguy co cao tu viec nguoi dan do xo ra duong khi cach ly xa hoi hinh anh 1Theo các chuyên gia, việc người dân đổ xô ra đường tiểm ẩn nhiều nguy cơ cao trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Tình trạng chủ quan trong việc thực hiện cách ly xã hội khi người dân đổ xô ra đường có thể khiến những nỗ lực của Chính phủ bị “đổ vỡ.” Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, hành động này còn có thể kéo theo nguy cơ lây nhiễm rất cao khi dịch hoàn toàn có thể bùng lên.

Phố phường đông đúc trở lại

Tính đến ngày 10/4, Việt Nam đã bước sang tuần thứ hai thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều biện pháp quyết liệt đã được Chính phủ và các địa phương áp dụng nhằm hạn chế sự lây nhiễm virus COVID-19.

Thế nhưng, trong một vài ngày gần đây đã xuất hiện tâm lý chủ quan khi người dân bắt đầu đổ xô ra đường.

Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên tại đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), mặc dù đã gần trưa (ngày 10/4) nhưng lượng phương tiện đổ ra đường vẫn khá đông, khác hẳn với cảnh vắng vẻ trước đó vài ngày. Một số cửa hàng tạp hóa cũng bắt đầu mở cửa, hàng hóa kê nhô hẳn ra phía ngoài vỉa hè.

Nguy co cao tu viec nguoi dan do xo ra duong khi cach ly xa hoi hinh anh 2Người Hà Nội lại ra đường như chưa từng có "giãn cách xã hội". (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Tại ngã tư Cầu Giấy - Láng, lượng phương tiện cũng bắt đầu đông trở lại. Mỗi khi đèn đỏ, các phương tiện đứng sát ngay cạnh nhau.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều khu vực khác của thành phố Hà Nội.

[Người Hà Nội vẫn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm về giãn cách xã hội]

Chị Lý Thu (30 tuổi) đã sinh sống tại khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) đã được 5 năm nay. Nhận xét về gần 10 ngày giãn cách xã hội, chị nói: “Khu dân cư HH (Linh Đàm) tập trung cả nghìn người. Những ngày bình thường luôn đông đúc, đường thường xuyên tắc. Từ ngày thực hiện giãn cách xã hội thì người dân hạn chế ra ngoài, mấy ngày đầu đường vắng như mồng 1 Tết. Tuy nhiên, từ 2-3 ngày nay, khu sân chung bắt đầu có nhiều người hơn, có chỗ túm năm tụm ba, không đứng cách xa nhau, thậm chí chơi đá bóng.”

Đáng chú ý, quanh khu đô thị HH (Linh Đàm) là khu vực cấm họp chợ, nhưng từ lâu, các tiểu thương coi như tấm biển này không tồn tại.

Đồng tình với ý kiến của chị Thu, anh N.Đ.Trường (24 tuổi), sống tại tòa nhà HH3C (Linh Đàm, Hà Nội), cho biết: “Thực tế là ban quản trị các tòa nhà làm rất tốt công tác tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhở người dân. Nhưng không hiểu sao, bắt đầu 2 ngày nay có nhiều người, chủ yếu là người cao tuổi, đi dạo, tập thể dục quanh bờ hồ Linh Đàm. Các cụ hay đi gần nhau thành từng nhóm. Chợ đông người hơn, thậm chí xe bán rong bắt đầu xuất hiện trở lại. Tôi nghĩ là mọi người đang lơ là cảnh báo bệnh dịch.”

Nguy co cao tu viec nguoi dan do xo ra duong khi cach ly xa hoi hinh anh 3Hàng quán rong bắt đầu xuất hiện trở lại tại Linh Đàm. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Thực tế, hiện tượng tập trung đông người đi dạo, tập thể dục tại nơi công cộng không chỉ ở khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai) mà tại các nơi khác như công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô, hồ câu phường Phương Liệt… cũng xuất hiện tình trạng tương tự.

Anh T.X.Đoàn (34 tuổi), người dân tại khu vực đường Hồ Tùng Mậu – ngã tư Xuân Thủy, nơi cửa ngõ phía bắc thành phố, cho biết: “Phải nhìn nhận thực tế là mấy ngày gần đây đường phố đã đông hơn hẳn những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội. Mặc dù không còn xe khách, cũng ít xe máy hơn bình thường nhưng lượng xe ô tô cá nhân đang có xu hướng trở lại… như những ngày chưa có chỉ thị.”

“Dịch COVID-19 đang âm thầm và có thể bùng lên”

Phân tích sâu hơn về hiện tượng này, phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cho hay: “Có một bộ phận người dân cho rằng khi thấy số ca mắc giảm, nghĩ là chúng ta đã khống chế dịch thành công. Thực tế, không phải vậy, bởi dịch đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên.”

“Trước đây, với các ca xâm nhập, người ta khoanh vùng lại, tập trung lại dễ, biết nguồn cơn từ đâu. Còn bây giờ, dịch lây ra cộng đồng nên rất khó. Vì thế, chúng ta mới cần giãn cách xã hội. Hiện nay chúng ta không biết được đâu là người mang bệnh, đâu là người lành. Dù số người nhiễm chưa nhiều, nó vẫn có khả năng lây,” phó giáo sư Phu phân tích.

Ông Phu chỉ rõ, số ca giảm không có nhiều ý nghĩa vì thực tế ngày giảm ngày tăng chứ không phải giảm hết. Những ca trong cộng đồng do chưa tiến hành xét nghiệm được hết các đối tượng nghi ngờ nên chưa thể đánh giá đầy đủ.

Nguy co cao tu viec nguoi dan do xo ra duong khi cach ly xa hoi hinh anh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ở nước ngoài đã chứng minh quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ vỡ trận. Do đó, người dân phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, nghiêm chỉnh và quyết liệt, tuyệt đối không được chủ quan.

Gần đây có nhiều ca bệnh như 243, 247 và 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

[Hà Nội triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch tại thôn Hạ Lôi]

Trước vấn đề trên, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay chúng ta phải xác định khi phát hiện ca bệnh không cố truy tìm lây từ đâu mà xác định đó chính là 1 ổ dịch (là F0) cần xử lý. Người này có 2 khả năng, lây nhiễm ra cộng đồng hai là lây nhiễm cho những người xung quanh.”

Theo giáo sư Long, có nhiều người không có triệu chứng, lây sang người khác, bởi vậy quan trọng nhất là việc phòng chống. Điều này rất quan trọng, chúng ta cần khoanh vùng cách ly rất nhanh những người tiếp xúc xung quanh.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay việc xác định nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, không xác định được nhiều nguồn lây, người dân càng cần phải thực hiện nghiêm túc biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Các chuyên gia y tế cho rằng biện pháp này có ý nghĩa quyết định trong việc kiểm soát dịch bệnh .

Tăng cường giám sát, không để “vỡ trận”

Thực tế, hiện tượng người dân đổ xô ra đường sau hơn 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội đã gián tiếp khiến nỗ lực của Chính phủ cũng như chính quyền nhiều địa phương có nguy cơ “vỡ trận.”

Hà Nội được coi là một trong những địa phương “mạnh tay” nhất trong việc thực hiện quy định giãn cách xã hội khi đi đầu trong việc xử phạt các lỗi như không đeo khẩu trang, ra đường không thuộc diện được phép. Tuy nhiên, thực tế vài ngày qua cũng khiến lãnh đạo thành phố “đau đầu.”

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung hiện tượng người dân đổ ra đường có thể “phá vỡ những chỉ đạo của Chính Phủ” và tạo thành mối nguy cơ cao.

Nguy co cao tu viec nguoi dan do xo ra duong khi cach ly xa hoi hinh anh 5Hà Nội bắt đầu đông đúc trở lại. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Ông Chung khuyến cáo người dân phải thực hiện nghiêm túc chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vì “thà chấp nhận ở trong nhà thêm một vài ngày nữa còn hơn là để bị kéo dài 1-2 tháng nữa.”

Tại phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội), ông Nguyễn Ngọc Phan (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường) cho hay: Ngay sau khi phát hiện tình trạng người dân ra đường nhiều hơn, chính quyền phường này đã thành lập ngay 8 tổ công tác ứng trực tại các điểm vui chơi giải trí, nơi công cộng.

“Đối với người dân ra ngoài không thuộc diện được phép, chúng tôi sẽ giải thích và yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, phía Ủy ban Nhân dân phường cũng tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh với tần suất 6 ca/ngày,” ông Phan nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phan, việc người dân đổ ra đường khiến cho lực lượng chính quyền hết sức vất vả vì ngoài công tác chuyên môn sẽ còn phải đảm đương thêm công tác nhắc nhở, xử phạt.

Nguy co cao tu viec nguoi dan do xo ra duong khi cach ly xa hoi hinh anh 6Một trong 8 chốt trực đột xuất tại phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) để đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 chiều 10/4. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Để chấn chỉnh lại, tại phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cần chấn chỉnh, thực hiện nghiêm biện pháp cách ly xã hội với biện pháp mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường…

“Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về cách ly xã hội khi hiện có gần 5 tỷ người - một nửa dân số thế giới - phải cách ly tại nhà. Các thành phố lớn trên thế giới đều im ắng, vắng vẻ. Như vậy, chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay khi chưa bao giờ trong những thập kỷ gần đây có đại dịch tương tự” - Thủ tướng nhấn mạnh./.

Nguy co cao tu viec nguoi dan do xo ra duong khi cach ly xa hoi hinh anh 7Một trong 8 chốt trực đột xuất tại phường Long Biên (quận Long Biên, Hả Nội) để đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 chiều 10/4. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
[Infographic] Cách ly xã hội toàn quốc: Các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn mở cửa
Cách ly xã hội hay dãn cách xã hội (social distancing) là một trong những biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư