Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tư duy quốc doanh làm khó cổ phần hóa
Bảo Duy - 19/08/2016 07:35
 
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chậm khi 7 tháng qua, cả nước mới tiến hành cổ phần hóa được 39 doanh nghiệp và 2 đơn vị sự nghiệp. Cùng kỳ năm ngoái, con số này cao gấp hai lần.

Chưa bàn tới việc các cơ quan quản lý nhà nước, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải giải trình khi tiến độ cổ phần hóa không đảm bảo, nhưng ở góc độ thị trường, cung cách “chậm ổn định” này chắc đang thử thách độ kiên nhẫn của giới đầu tư với các món hàng hấp dẫn, nhưng chỉ để trưng bày.

Lẽ dĩ nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ lại đặt ra câu hỏi làm gì và làm thế nào để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa. Song, câu hỏi phù hợp hơn vào thời điểm hiện nay là tại sao, Nhà nước vẫn  muốn giữ chi phối trong các doanh nghiệp này? Bao giờ, Nhà nước mới thôi sản xuất bia, bán nước ngọt?…

.
Cổ phần hóa DNNN là sự phân bổ lại nguồn lực, cơ cấu lại tài sản của Nhà nước theo mục tiêu của chủ sở hữu nhà nước

Thực ra, câu trả lời đã có từ chính người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông nói khi bàn tới việc sắp xếp DNNN của Bộ Công thương, đó là “cứ giữ mãi tư tưởng quốc doanh thì rất khó phát triển".

Thực tế đúng như vậy. Thử nhìn vào 6 tổng công ty nhà nước có tên trong danh sách trên, chỉ có 2 doanh nghiệp có kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước. Với số còn lại, vón nhà nước vẫn chiếm trên 51% vốn điều lệ tại 3 doanh nghiệp và 40% tại 1 doanh nghiệp.

Phải nói rõ, các doanh nghiệp này đang hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, lắp máy, tư vấn xây dựng, xây dựng, nghĩa là không phải là các ngành mà Nhà nước buộc phải dẫn dắt hay thị trường không muốn tham gia.

Tiếc rằng, đây vẫn là câu chuyện cũ, được nhắc lại nhiều lần mỗi khi đánh giá việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu DNNN. Hệ quả là, sau gần 20 năm thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp DNNN, tỷ lệ vốn nhà nước bán đi được mới chỉ đạt 5% tổng vốn của khu vực này.

Nhưng để giải bài toán về tư duy, không thể chỉ là giải pháp tuyên truyền nhận thức hay áp đặt mệnh lệnh hành chính như đang thấy trong nhiều văn bản. Thậm chí, việc áp đặt mệnh lệnh trong tiến độ cổ phần hóa đang phát sinh thêm những nghi vấn về hiệu quả sử dụng các khoản tiền thu được sau bán vốn nhà nước nếu không có kế hoạch cụ thể.

Về bản chất, cổ phần hóa DNNN là sự phân bổ lại nguồn lực, cơ cấu lại tài sản của Nhà nước theo mục tiêu của chủ sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi DNNN vẫn đang được coi là công cụ điều tiết vĩ mô của một số bộ, ngành, thì cổ phần hóa còn là sự phân bổ quyền lực. Điều này lý giải động lực khuyến khích để đẩy nhanh cổ phần hóa không có ở các bộ, ngành trong vai trò là đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Ở góc độ ngược lại, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa luôn treo rủi ro trên đầu người thực thi về hiểu quả sử dụng vốn nhà nước khi họ không thể chắc chắn mọi tính toán đều đúng trong thị trường đang biến động. Cũng không thấy có động lực nào với cả những người muốn làm nhanh.

Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ đã rất sốt ruột. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng yêu cầu “phải cổ phần hóa DNNN một cách mạnh mẽ để có nguồn lực cho tăng trưởng”, đồng thời đặt rõ mục tiêu với khu vực đang nắm trong tay lượng tài sản khổng lồ của đất nước là “DNNN phải thu gọn lại, nhưng hiệu quả thì phải tăng lên”.

Để thực hiện được, lời giải duy nhất có lẽ là thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Chỉ khi chủ sở hữu nhà nước thực sự bắt tay vào tái cơ cấu theo mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản của Nhà nước theo đúng vai trò của mình, thì những lấn cấn đại loại như bán vốn nhà nước thế nào, bao giờ, bao nhiêu... mới được giải tỏa.

Minh bạch thông tin để thúc cổ phần hóa
Việc áp dụng Nghị định 81/2015 về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và Nghị định 87/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư