Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Vỏ viên nhộng cứng của Việt Nam bị điều tra "kép" tại Mỹ
Hải Yến - 21/11/2024 14:43
 
Sản phẩm vỏ viên nhộng cứng xuất khẩu Việt Nam vừa bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC).
Với trị giá xuất khẩu 26 triệu USD trong năm 2023, sản phẩm vỏ viên nhộng cứng của Việt Nam đã bị điều tra
Với trị giá xuất khẩu 26 triệu USD trong năm 2023, sản phẩm vỏ viên nhộng cứng của Việt Nam đã bị điều tra "kép" tại Mỹ.

Chỉ sau ít ngày nhận Hồ sơ đề nghị điều tra từ đại diện ngành sản xuất nội địa, DOC vừa khởi xướng điều tra CBPG và CTC với sản phẩm vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu từ Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Trong vụ việc này, mặt hàng nói trên từ cả 4 nước đều bị đề nghị điều tra cả CBPG và CTC. 

Sản phẩm bị đề nghị điều tra: một số sản phẩm vỏ viên nhộng cứng (mã HS 9602.00.1040 và 9602.00.5010). Nguyên đơn trong vụ việc là Công ty TNHH Lonza Greenwood. 

Nguyên đơn nêu tên 02 công ty của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá và được trợ cấp.

Thời kỳ điều tra CBPG: tháng 4/2024 - tháng 9/2024. Thời kỳ điều tra CTC: Năm 2023. Thời kỳ điều tra thiệt hại: tháng 1/2021 - tháng 6/2024.

Theo nguyên đơn, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng từ Việt Nam trong năm 2023 là khoảng 26 triệu USD; Trung Quốc là 49 triệu USD, Ấn Độ là 67 triệu USD và Brazil là 4 triệu USD. 

Số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC), lượng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 12% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra vào Mỹ. Biên độ phá giá mà nguyên đơn cáo buộc với Việt Nam là 65,97% đến 89,33%.

Do Mỹ coi Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. 

Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là quốc gia thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất vỏ viên nhộng cứng. Các bên có thời hạn bình luận về nước thay thế trong vòng 30 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc.

                                   Một số mốc thời gian chính đối với vụ việc điều tra như sau:

Sự kiện

Điều tra CTC

Điều tra CBPG

Khởi xướng

13/11/2024

13/11/2024

Kết luận sơ bộ về thiệt hại 

9/12/2024

9/12/2025

Kết luận sơ bộ về CBPG/CTC

17/1/2025

2/4/2025

Kết luận cuối cùng về CBPG/CTC

2/4/2025

16/6/2025

Kết luận cuối cùng về thiệt hại

19/5/2025

31/7/2025

Ban hành Lệnh áp thuế

27/5/2025

7/8/2025

                                                         (Các mốc thời gian có thể được gia hạn)

Về thông tin cáo buộc trợ cấp, nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu đĩa giấy Việt Nam đã nhận được 23 chương trình trợ cấp từ Chính phủ, gây thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất vỏ viên nhộng cứng của Mỹ.

Để chuẩn bị ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra CBPG và CTC của Mỹ, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Doanh nghiệp phải hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Mỹ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc, bởi bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế CBPG và CTC cao nhất cho doanh nghiệp.

Chủ động đăng ký tài khoản IA ACCESS tại cổng thông tin điện tử của DOC (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới Cơ quan điều tra Mỹ.

Tính đến hết tháng 10 năm 2024, đã có 267 vụ việc điều tra PVTM từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (146 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (54 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (38 vụ việc) và chống trợ cấp (29 vụ việc).
Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại
Xơ sợi staple nhân tạo từ polyester vào Mỹ bị áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu
Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste (Fine Denier...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư