Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
1001 thủ đoạn gian lận của giới nhập khẩu phế liệu
H.Anh (Dân trí) - 21/07/2018 13:13
 
Trong quá trình kiểm tra, theo dõi, giám sát, hải quan đã phát hiện tình trạng doanh nghiệp đã thực hiện một số thủ đoạn, phương thức gian lận trong nhập khẩu phế liệu như làm giả, tẩy xoá, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.
  Giới kinh doanh phế liệu nhập khẩu có rất nhiều mánh khóe để qua mắt Hải quan (Ảnh minh họa)
Giới kinh doanh phế liệu nhập khẩu có rất nhiều mánh khóe để qua mắt Hải quan (Ảnh minh họa)

Một trong số thủ đoạn tinh vi nhất theo Tổng cục Hải quan là việc sử dụng giấy tờ giả để chứng minh hàng hoá không phải là phế liệu để nhập khẩu vào Việt Nam để không phải chịu các chính sách quản lý về phế liệu. Sau đó, khi các lô hàng này được xem xét thông quan thì chủ hàng lại từ chối đến nhận để tồn đọng tại cảng, nhằm biến Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, tốn kém chi phí tiêu huỷ.

Chính vì thế, để ngăn chặn các hành vi trên, ngoài việc ban hành bộ tiêu chuẩn nhận biết hàng kém chất lượng, tăng cường nhân lực, thiết bị máy móc, thu thập số liệu, điều tra xác minh chủ hàng…,Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hoả tốc gửi tới các cục hải quan địa phương tiếp tục công bố tình trạng khẩn để kiểm soát.

Cơ quan này cho rằng thời gian gần đây hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam tiếp tục có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận.

Tổng cục Hải quan lưu ý, trong quá trình làm thủ tục, hải quan địa phương cần chú ý 3 điểm gồm cơ sở pháp lý về quan lý chất thải, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài; Bám sát quy trình xử lý khi tiến hành thủ tục nhập cảnh cho các phương tiện vận chuyển phế liệu đã qua sử dụng và giám sát quá trình làm thủ tục, hồ sơ, đối chiếu thông tin, đặc biệt là thu đủ số tiền ký quỹ ít nhất 15 ngày trước khi tiến hành thủ tục thông quan.

Đối với số tiền ký quỹ, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị địa phương cần căn cứ vào Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó quy định tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu, việc này còn góp phần gắn trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân.

​Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng; nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng và nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng,

Đối với phế liệu sắt, thép khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng; khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng.

Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc đối tượng trên phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Cũng theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan, các đơn vị chức năng địa phương cần tiến hành rà soát, thông báo cho các doanh nghiệp, hãng tàu, đại lý phối hợp để làm việc xác định chủ sở hữu, phân loại theo số lượng, khối lượng, thành phần thời gian, địa điểm lưu trữ; Đồng thời xác minh các trường hợp vắng mặt, không xuất hiện ở địa phương hoặc có dấu hiệu lợi dụng để buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép.

Không cấm nhập khẩu phế liệu, Việt Nam thành… bãi rác
Lo ngại môi trường bị tác động xấu do nhập khẩu phế liệu gây ra, nhưng không thể cấm được nhập khẩu phế liệu, vì vậy, cho ý kiến vào Dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư