Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Không cấm nhập khẩu phế liệu, Việt Nam thành… bãi rác
Hàn Tín - 20/02/2014 16:27
 
Lo ngại môi trường bị tác động xấu do nhập khẩu phế liệu gây ra, nhưng không thể cấm được nhập khẩu phế liệu, vì vậy, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường vào sáng nay, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị “dựng hàng rào kỹ thuật” trước khi Việt Nam trở thành… bãi rác công nghiệp của các nước phát triển. >>> Ngăn doanh nghiệp đầu độc xã hội >>> Thanh Hóa yêu cầu "hỏa tốc" điều tra vụ Nicotex Thanh Thái >>> Mở đường cho nhập khẩu phế liệu >>> Mối họa từ hàng triệu tivi, tủ lạnh thải loại

Hiện cả nước có khoảng 160 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất, tái chế trực tiếp nhập khẩu phế liệu chiếm khoảng 75%; nhập khẩu để phân phối chiếm khoảng 18%; còn lại là doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), tổng số phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất năm 2011 vào khoảng hơn 2,9 triệu tấn, chủ yếu là phế liệu sắt, nhựa, giấy, xỉ cát, xỉ slay, thạch cao. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2011, nước ta đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn phế liệu sắt thép, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2010 với nguồn gốc của chủ yếu từ Mỹ, Nam Phi, Úc, EU.

Hàng năm có hàng trăm triệu tấn hàng các loại nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính ngạch. Trong đó, có nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm đến môi trường như máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, hết niên hạn sử dụng; linh kiện điện tử có chứa chất nguy hại vượt quá ngưỡng nhiều lần.

Số liệu thống kê của Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường cho thấy, chỉ tính riêng cảng Hải Phòng từ năm 2003 - 2006 đã có gần 2.300 container chứa khoảng 37.000 tấn ắc quy chì phế thải; năm 2008 - 2009 có 340 container rác phế liệu và hàng chục container ắc quy chì phế thải, vi mạch điện tử được nhập khẩu. Trong đó có hơn 300 container chất thải vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường khi lưu bãi. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm khi một số quốc gia láng giềng tạm ngừng nhập hàng tái xuất từ Việt Nam, tại cảng Hải Phòng đã ứ đọng gần 1.000 container. Sau một thời gian lưu giữ khá dài, lượng hàng này đã phát tán và phân huỷ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng từ tháng 5 năm 2009 đến tháng 5 năm 2011, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 37 vụ việc vi phạm, trong đó có 3.278 container chứa 56.618 tấn ắc quy chì phế thải và hàng hoá khác thuộc diện chất thải nguy hại đã nhập khẩu qua cảng biển, cửa khẩu Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT, Nguyễn Minh Quang, nguyên nhân của thực trạng trên là do việc nhập khẩu "rác" thải từ các nước tiên tiến thường mang lại lợi nhuận cao khiến không ít doanh nghiệp trong nước tìm cách "lách luật", ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau với danh nghĩa hợp pháp nhằm thu lợi bất chính.

Thủ đoạn vận chuyển, nhập rác trái phép vào nước ta theo ông Quang được núp dưới hình thức ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ 3 với những mặt hàng hợp pháp khi làm thủ tục khai báo, được nguỵ trang rất tinh vi, nhưng thực chất bên trong lại là chất phế thải. Khi bị phát hiện, doanh nghiệp trong nước đứng tên hợp đồng thường có công văn từ chối nhận hàng.

Mặc dù biết rất rõ tác hại của nhập khẩu phế liệu, nhưng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu phế liệu thuộc nhóm kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa làm nguyên liệu sản xuất trong nước.

Không cấm nhập khẩu phế liệu, Việt Nam thành… bãi rác
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển

“Cần cân nhắc lại nhập khẩu phế liệu”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị và đặt câu hỏi: “Phế liệu thuộc nhóm kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa đã bị các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển hơn Việt Nam rất nhiều và bản thân họ cũng thiếu nguyên liệu bỏ đi thì nhập khẩu về để làm gì?”.

Các loại phế liệu tiếp tục được nhập khẩu đều không thể tự tiêu hủy được, vì thế, theo ông Hiển cần phải cấm ngay nhập khẩu phế liệu để tránh biến Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp của các nước phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nếu trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam không cấm nhập khẩu phế liệu thì luật không thể cấm được.

“Nhưng cần phải dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu phế liệu, chỉ cho phép nhập khẩu loại phế liệu có thể xử lý thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước với giá thành rẻ, nguồn cung trong nước thiếu và ít gây hại đến môi trường trong quá trình xử lý”, ông Giàu đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, cả về mặt kinh tế lẫn các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thì khó có thể cấm nhập khẩu phế liệu.

“Ngoài dựng hàng rào kỹ thuật phải quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu ủy thác và phải giao cho UBND cấp tỉnh trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phế liệu nhập khẩu. Ngoài ra, luật phải giao trách nhiệm cho Bộ TNMT quy định tiêu chí về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu và phối hợp với Bộ Công Thương quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài và từ doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan vào nội địa”, ông Phúc phát biểu.

Thanh Hóa yêu cầu "hỏa tốc" điều tra vụ Nicotex Thanh Thái
Chiều qua, ngày 6/9, sau khi nhận được báo cáo kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn hỏa tốc gửi các Sở,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư