Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/12
Thanh Thuý - 11/12/2013 08:53
 
Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm của các công ty chứng khoán cho phiên 11/12.

1- HSG: Nâng khuyến nghị từ nắm giữ lên mua vào

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Lợi nhuận sau thuế tháng 10 và 11/2013 giảm nhẹ cùng kỳ. HSG công bố sản lượng tiêu thụ tháng 10 và 11/2013 tăng 32% so với cùng kỳ đạt 114.394 tấn. Trong đó xuất khẩu chiếm 46,4% tổng sản lượng tiêu thụ. Nhờ đó, doanh thu trong 2 tháng vừa qua tăng 30% so với cùng kỳ đạt 2.166 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong 2 tháng này lại giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ đạt 67,5 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng, việc sụt giảm lợi nhuận này có thể là do HSG bị ảnh hưởng bởi hàng tồn kho giá cao và giá bán của HSG có thể giảm nhẹ. Giá thép cán nóng HRC (nguyên liệu chính chiếm gần 90% giá thành sản xuất tôn mạ) thế giới đã giảm khoảng 2,5% kể từ cuối tháng 9 vừa qua.

Dự báo lợi nhuận sau thuế 2014 có thể giảm nhẹ. Chúng tôi dự phóng sản lượng tiêu thụ niên độ 2013-2014 của HSG tăng 14,7% so với cùng kỳ đạt 690.000 tấn. Điều này hoàn toàn khả thi sau khi HSG đưa dây chuyền mạ bổ sung công suất 120.000 tấn/năm vào hoạt động vào tháng 3/2013.

Do đó, chúng tôi dự báo doanh thu 2014 của HSG tăng khoảng 17% so với cùng kỳ đạt 13.756 tỷ đồng (giá bán có thể được điều chỉnh tăng nhẹ). Tuy nhiên chúng tôi cho rằng lợi nhuận gộp biên của HSG có thể bị thu hẹp do diễn biến giá HRC có thể không còn thuận lợi như trong năm 2013.

Ngoài ra, chi phí tài chính ròng trong năm 2014 của HSG cũng được dự báo tăng khoảng 20% so với cùng kỳ do nợ vay ngân hàng của HSG tăng khá nhiều vào cuối tháng 9 vừa qua. Vì vậy, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế 2014 của HSG có thể giảm 8,6% so với cùng kỳ đạt 530 tỷ. GĐ2 nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ hoạt động từ 2014.

Theo kế hoạch của HSG thì toàn bộ giai đoạn 2 nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014 (sớm hơn 1 năm so với dự báo trước đây của chúng tôi). Giai đoạn 2 gồm 2 dây chuyền thép cán nguội với tổng công suất 400.000 tấn/năm; 1 dây chuyền thép dày với công suất 400.000 tấn/năm và 1 dây chuyền mạ màu với công suất 150.000 tấn/năm. Như vậy, tổng công suất cán nguội của HSG sẽ tăng 67% lên gần 1 triệu tấn/năm. Do đó, chúng tôi kỳ vọng HSG sẽ tăng trưởng mạnh hơn sau khi GĐ2 đi vào hoạt động.

Định giá rẻ. PE dự phóng 2014 của HSG khá rẻ ở mức 8 lần so với kỳ vọng tăng trưởng kép của lợi nhuận sau thuế ở mức 9%/năm trong 4 năm tới. Do GĐ2 nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ đi vào hoạt động sớm hơn dự báo trước đây nên chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu của HSG thêm 21% lên 47.600 đồng/cp, cao hơn 11% so với giá thị trường. Vì vậy, chúng tôi nâng khuyến nghị HSG từ NẮM GIỮ lên MUA.

2- DPM: Tiếp tục hấp dẫn bởi mức chia cổ tức cao

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Kết quả kinh doanh quý III sụt giảm do nhà máy Phú Mỹ bảo trì. Như đề cập ở lần cập nhật trước, do nhà máy Phú Mỹ đi vào bảo trì 25 ngày khiến cho sản lượng kinh doanh tiêu thụ của DPM trong quý III giảm 20% đạt 159 nghìn tấn. Bên cạnh đó, DPM cũng không còn phân phối sản phẩm cho Đạm Cà Mau nên doanh thu trong quý III của công ty sụt giảm 44% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, dưới áp lực cạnh tranh lớn từ thị trường trong nước nên giá bán ra liên tiếp sụt giảm từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu cũng như lợi nhuận của DPM, lợi nhuận trong quý III khá sát dự phóng của chúng tôi, chỉ đạt 365 tỷ đồng giảm 34% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2013, lợi nhuận ròng của DPM đạt 1.958 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ trước).

Áp lực lớn từ việc Trung Quốc giảm thuế suất thuế xuất khẩu. Giống như những năm qua, Trung Quốc hạ thuế suất thuế xuất khẩu phân bón từ ngày 1/7 đến 31/10. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong năm nay, mức thuế suất này đã giảm xuống còn 2% thay vì 7% trong năm trước (đối với trường hợp giá xuất khẩu thấp hơn giá chuẩn). Sự kiện này ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ của cho các nhà sản xuất trong nước, do các đại lý tăng nhập hàng giá rẻ.

Qua số liệu thống kê lượng Urea phân nhập khẩu trong 10 tháng 2013 đạt 684.000 tấn (tăng 52% so với cùng kỳ), nếu tính riêng tháng 10, lượng ure nhập khẩu là 138 nghìn tấn tăng 98% so với cùng kỳ. Như vậy với lượng phân giá rẻ này thì khả năng giá bán phục hồi trong quý IV được cho là khá khó khăn mặc dù quý IV là quý chuẩn bị cho vụ Đông Xuân.

Chúng tôi cho rằng, sản lượng của DPM trong quý IV vẫn sẽ duy trì được mức tiêu thụ như năm trước khoảng 200 nghìn tấn do cầu vẫn ở mức bình thường. Tuy nhiên dưới sức ép của giá bán, lợi nhuận ròng của DN dự kiến vẫn tiếp tục giảm 13%, ước tính ở mức 456 tỷ đồng, tổng lợi nhuận cả năm vào khoảng 2.414 tỷ đồng.

Yếu tố quan ngại lớn nhất đối với lợi nhuận của DPM trong thời gian tới vẫn là vấn đề giá bán. Quan điểm của chúng tôi cho rằng trong năm sau giá bán của Ure vẫn chưa thể hồi phục bởi chính sách xuất khẩu phân bón của Trung Quốc. Nhiều dự báo cho thấy tình trạng cung vượt cầu phân Ure ở Trung Quốc có thể kéo dài đến năm 2017 (trong giai đoạn 2013-2017, sẽ có đến 55 nhà máy sản xuất Ure đi vào hoạt động, trong đó 20 nhà máy thuộc về Trung Quốc).

Thêm vào đó, tính đến tháng 11 năm nay, lượng doanh nghiệp sản xuất phân bón của Trung Quốc bị thua lỗ tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức độ thua lỗ cũng tăng 88,7%; tổng lợi nhuận thực tế giảm 31,4% so với cùng kỳ năm. Để ứng phó tính trạng này, mới đây Trung Quốc đang soạn thảo “Thuế suất thuế xuất khẩu phân bón năm 2014”, theo đó sẽ có bước điều chỉnh khá lớn về mức thuế xuất khẩu ở mùa cao điểm.

Chúng tôi cho rằng điều chỉnh mức thuế suất này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho Trung Quốc xuất khẩu phân bón. Với mức thuế suất thấp cộng thêm giá thành thấp (phân Ure của Trung Quốc sử dụng đầu vào phần lớn là than coal thay vì khí gas như các nước phát triển hiện nay) sẽ là áp lực lớn đối với giá phân bón thế giới nói chung và giá phân bón trong nước nói riêng.

Trong năm 2014, lợi nhuận DPM dự kiến sẽ giảm do giá bán được giả định tiếp tục giảm 5% trong khi giá khí đầu vào tiếp tục điều chỉnh tăng 2%. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của DPM dự kiến sẽ tăng trở lại do không có bảo trì bảo dưỡng, 900 nghìn tấn sẽ bù đắp phần nào tác động kép của giá bán và giá khí đầu vào. Doanh thu và lợi nhuận ròng trong năm sau ước đạt lần lượt 10.199 tỷ và 2.230 tỷ đồng.

Cổ tức cao là điểm hấp dẫn khi đầu tư vào DPM. Trong tháng 10 vừa qua, DPM đã thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông ở mức 25% tiền mặt. Chúng tôi cho rằng, với mục tiêu tăng thu ngân sách Nhà nước, mức cổ tức này hoàn toàn có thể điều chỉnh tăng thêm trong lần đại hội sắp tới bởi dư tiền mặt của DPM hiện nay khá lớn (khoảng 6.000 tỷ đồng).

Mặc dù sẽ có những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong năm sau của doanh nghiệp nhưng với khả năng chi trả cổ tức cao sẽ luôn là yếu tố hấp dẫn lớn nhất khi đầu tư vào DPM.

3- CTD: Tiếp tục nắm giữ với giá mục tiêu 49.700 đồng/CP

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

CTD ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng năm 2013 sau hai năm tăng trưởng kém. Doanh thu hợp nhất đạt 3.762 tỷ, tăng 22,4% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng từ mảng xây dựng (chiếm 98% tổng doanh thu). Lợi nhuận trước thuế tăng 34,2% so với cùng kỳ đạt 289,5 tỷ do thu nhập tài chính ròng tăng mạnh 66% so với cùng kỳ (lượng tiền gửi ngân hàng lớn 1.368 tỷ cuối quý 3/2013 trong khi không vay nợ ngân hàng). lợi nhuận sau thuế đạt 187,8 tỷ, tăng 15,8% so với cùng kỳ do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân cao hơn so với cùng kỳ (30,2% so với 24,8% vì điều chỉnh một số chi phí không được khấu trừ thuế) và loại trừ lợi ích của cổ đông thiểu số.... nhờ hợp nhất từ công ty con.

Kết quả kinh doanh tốt của CTD trong 9 tháng năm 2013 có đóng góp từ công ty con, CTCP đầu tư xây dựng Uy Nam (Unicons, chuyên xây dựng dân dụng và công nghiệp),. CTD đã mua thêm 2,64 triệu cổ phiếu Unicons vào tháng 5/2013, nâng tỷ lệ sở hữu từ 31% lên 51,2%. Theo đó, Unicons trở thành công ty con của CTD và được hợp nhất kết quả kinh doanh từ quý 2/2013. Nếu xét riêng kết quả kinh doanh của công ty mẹ, trong 9 tháng năm 2013 doanh thu chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ đạt 3.115 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 170 tỷ, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiến lược tái cấu trúc. Unicons là một trong 2 công ty liên kết mà CTD có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu để hợp nhất. Với quy mô vốn chủ sở hữu 261 tỷ (đến 31/12/2012), năm 2012 công ty con Unicons đạt doanh thu 1.814 tỷ và lợi nhuận sau thuế 42 tỷ. Lợi nhuận của Unicons trong giai đoạn 2007-2012 tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Việc hợp nhất các công ty liên kết nằm trong chiến lược tái cấu trúc của CTD để trở thành một tậpđoàn xây dựng vững mạnh. Chúng tôi tin rằng việc tái cấu trúc này sẽ giúp củng cố thương hiệu và uy tín của CTD, đẩy mạnh tăng trưởng trong tương lai.

Chúng tôi ước tính doanh thu hợp nhất 2013 tăng 18,8% n/n, đạt 5.318 tỷ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 15% so với cùng kỳ đạt 250 tỷ. EPS 2013 dự tính đạt 5.944 đồng/cp. Chúng tôi dự báo lợi nhuận tăng khoảng 12% trong năm 2014. Cổ phiếu CTD giao dịch với PE dự phóng 6,9x, xấp xỉ PE trung bình ngành. Khuyến nghị Nắm giữ cổ phiếu CTD với giá mục tiêu 49.700 đồng/cp.

Đã đến lúc mua vàng?
Hôm nay (10/12), giá vàng trong nước phục hồi theo giá thế giới. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, giá vàng sắp tới có thể tăng do lực mua vào của các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư