CTCK Vietcombank (VCBS)

CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (mã SJS) nhiều khả năng sẽ không hoàn thành kế hoạch năm 2016 do một số nguyên nhân như chưa mở bán mới các lô thấp tầng và chậm bàn giao hoàn thiện các lô biệt thự đã bán trong các năm trước tại dự án Nam An Khánh. Tuy nhiên, giá trị của doanh nghiệp tốt hơn trước do phần còn lại của dự án Nam An Khánh có triển vọng tăng lên khi được hưởng lợi từ dự án Vinhomes Thăng Long.

Chiến lược phát triển dài hạn của SJS sẽ phụ thuộc lớn vào chiến lược tái cơ cấu của cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Sông Đà trong thời gian sắp tới. Chúng tôi xem đây sẽ là động lực tích cực đối với SJS trong năm tới đối với cả 2 kịch bản Tổng công ty Sông Đà thoái vốn hoặc tăng tỷ lệ sở hữu tại SJS.

Giá cổ phiếu SJS hiện đang tương đương với thời điểm đầu năm 2016, trong khi SJS đang có một số tín hiệu lạc quan hơn đối với tỷ lệ tiền mặt tăng, triển vọng và giá trị dự án Nam An Khánh tăng lên và động lực mới từ kế hoạch tái cơ cấu của Tổng công ty Sông Đà. Chúng tôi duy trì khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu SJS.

2. Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VNR

CTCK BIDV (BSC)

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2016, Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR - sàn HNX) đạt doanh thu 430,5 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 62,2 tỷ đồng, giảm 26,5%.

Lợi nhuận giảm sút chủ yếu do (1) Lợi nhuận gộp hoạt động bảo hiểm đạt mức 31 tỷ đồng (-34%), do tỷ lệ bồi thường tăng lên 55% từ mức 41,3% cùng kỳ. Chúng tôi lưu ý rằng nghiệp vụ bảo hiểm phụ thuộc nhiều vào cách hạch toán kế toán liên quan đến các khoản dự phòng bồi thường, do vậy thường có nhiều biến động giữa các quý. Hiện VNR vẫn đang là doanh nghiệp dẫn đầu ngành về chỉ số kết hợp (~95% cho 9T2016)

(2) Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư giảm 10% và chỉ đạt 57,8 tỷ đồng, do các khoản đầu tư dài hạn trước đây đã quay vòng với mức lãi suất thấp hơn. Tổng số tiền đầu tư của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý III ở mức 3.263,8 tỷ đồng, tăng 0,6% so với thời điểm đầu năm. Theo đó, ROI hiện tại của VNR là khoảng 5,7%, so với mức 6,7% của cùng kỳ năm ngoái

(3) Lợi nhuận từ Vinasamsung giảm mạnh về mức 7,6 tỷ đồng so với 13,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh của Vinare phụ thuộc nhiều vào mặt bằng lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ được cải thiện trong quý IV, nếu Fed thực hiện tăng lãi suất. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và VNR nói riêng có độ trễ nhật định so với diễn biến mặt bằng lãi suất. Do vậy, BSC nhận định hoạt động đầu tư đang tiệm cận giai đoạn đáy.

Bên cạnh đó, VNR được nhà đầu tư chú ý với thông tin về SCIC thoái vốn, với kỳ vọng thay đổi bộ máy lãnh đạo sẽ giúp cải thiện tình hình kinh doanh của công ty.

Vì vậy, BSC duy trì khuyến nghị Theo dõi VNR như trong báo cáo ngành quý III. Tại ngày 26/10/2016, cổ phiếu VNR đang giao dịch ở mức giá 20.000 đồng/CP, tương ứng với P/E là 10,6x và P/B là 1,0x.

3. Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BMI

CTCK MB (MBS)

Công ty cổ phần Bảo Minh - BMI là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bảo hiểm. Công ty có triển vọng tăng trưởng nhờ mảng bảo hiểm cho xe cơ giới khi số lượng tiêu thụ ô tô trong nước ngày càng tăng, cùng với đó là sự chú ý tới bảo hiểm của người dân cũng tăng cao. Hiện tại công ty đang chuyển hướng sang các khoản đầu tư mạo hiểm và có xuất sinh lời cao hơn. 

Bảo Minh đang thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư, xử lý các hoạt động đầu tư không hiệu quả, và ghi nhận lãi từ một số các khoản đầu tư dài hạn. Công ty cũng đã tái cơ cấu khi rút vốn hoàn toàn khỏi Chứng khoán Bảo Minh với việc bán toàn bộ 21 triệu cổ phiếu cho một cá nhân. Chúng tôi đánh giá điều này khiến hoạt động chính của Công ty chuyên sâu và hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong 2016, và giúp giảm gánh nặng trích lập dự phòng trong các năm tới.

Cổ đông lớn nhất của BMI là SCIC với 50,7% cổ phần. Hiện nay BMI là một trong những doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC, vì vậy đang được nhiều nhà đầu tư chú ý. Dự kiến BMI sẽ được thoái vốn vào đầu năm 2017.

Trong quý III/2016, BMI đạt 686,4 tỷ đồng doanh thu kinh doanh bảo hiểm, tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ đạt 49 tỷ đồng. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng nhẹ 5% lên 664,6 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng gấp 5 lần cùng kỳ ở mức 40,2 tỷ đồng. 

Kết thúc quý III, lãi trước thuế của Công ty đạt 23,3 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế đạt gần 20 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình của ban lãnh đạo, sự tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đến chủ yếu từ sự gia tăng doanh thu thuần trong khi chi phí bồi thường sụt giảm.

Lũy kế 9 tháng, BMI ghi nhận 1.897,5 tỷ đồng doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 59% kế hoạch. Lãi trước thuế 122,6 tỷ đồng, tăng 9,5%, thực hiện 81% kế hoạch.

Với kết quả kinh doanh khởi sắc và triển vọng khả quan của công ty trong thời gian tới, chúng tôi dự phóng giá hợp lý trong năm 2016 của BMI ở mức 31.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu tại vùng giá hiện tại với mức sinh lời kỳ vọng 15%.