Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 04 năm 2025,
3 điều mà Chủ tịch Masan tin rằng không thay đổi
P.V - 25/04/2025 14:06
 
“Thế giới luôn thay đổi và thay đổi rất nhanh, nhưng trong 30 năm qua của Tập đoàn Masan và 30 năm sắp tới và nhiều năm tới, cá nhân tôi tin rằng có 3 điều không thay đổi”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT chia sẻ với cổ đông như vậy tại Đại hội ngày hôm nay (25/4).

Khi mà thế giới biến động và môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, Tập đoàn Masan chọn quay trở về giá trị cốt lõi trong năm 2024 và tiếp tục gặt hái thành công về mặt kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số là 1.999 tỷ đồng năm 2024, tăng 377,5% so với cùng kỳ năm trước.

Có 3 điều không thay đổi dù sự biến động tiếp theo thế nào, theo ông Quang, Masan nhận diện và tập trung phục vụ, khi đó thành công sẽ tới.

Đầu tiên là nhu cầu tiêu dùng sẽ không bao giờ dừng, mà chỉ đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn, chất lượng hơn. Nhãn hiệu là thứ sẽ tồn tại mãi mãi, và đó là thứ người tiêu dùng lựa chọn, yêu cầu các công ty ngành hàng tiêu dùng bỏ trí tuệ, công sức để tạo dựng.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan.

“Tổ chức nào vượt lên, sản phẩm của tổ chức sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. 30 năm, Masan tự hào xây dựng được những nhãn hiệu như vậy, không chỉ là nhãn hiệu mạnh mà là nhãn hiệu yêu thích. Đó là doanh thu cho Công ty, đó là lợi nhuận cho cổ đông”.

Điều không thay đổi tiếp theo là sự thay đổi sẽ không bao giờ dừng lại, công nghệ là động lực quan trọng dẫn dắt sự thay đổi đó. Masan luôn tìm cách vượt lên và dẫn dắt sự thay đổi, tạo nhãn hiệu, xây dựng niềm tin và đi ra thế giới (Go Global). Masan đang đầu tư cho công nghệ (Go Digital), xây dựng cách mà Masan tiến hành kinh doanh, kết nối nhãn hiệu với điểm chạm của người tiêu dùng, kết nối ở quy mô 100 triệu người tiêu dùng.

Cuối cùng, nền tảng kinh doanh thành công là nền tảng tăng trưởng cao và lợi nhuận cao. Trí tuệ và năng lực xây dựng thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị cao hơn nhu cầu của người tiêu dùng với tài nguyên thấp nhất.

“Tổ chức như vậy sẽ được ‘tưởng thưởng’ bằng doanh thu, lợi nhuận. Ngày hôm nay chưa như vậy thì ngày mai sẽ như vậy, Masan chắc chắn sẽ tạo ra điều đó và sẽ được ‘tượng thưởng’ thành quả”, ông Quang cho biết.

Tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ

Tại Đại hội, chia sẻ về cam kết mạnh mẽ tăng trưởng song hành cùng sự phát triển bền vững, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group nhấn mạnh rằng, Masan đã thực hiện đúng lời hứa về kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024. Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2024, Masan đã khẳng định cam kết về sự xuất sắc trong vận hành và duy trì sự tập trung bền bỉ vào tăng trưởng lợi nhuận.

"Nhìn về tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc mở rộng quy mô mạnh mẽ các trụ cột tăng trưởng với lợi nhuận bền vững và chiến lược 'Go Digital' (Chuyển đổi số) sẽ là động lực giúp chúng tôi khai thác tối đa hiệu quả cộng hưởng giữa các nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ - Công nghệ”.

Cũng theo ông Danny Le, tầng lớp trung lưu tiếp tục tăng ở Việt Nam, theo kinh nghiệm các nước thì xu hướng cao cấp hóa tiêu dùng với mức chi tiêu ngoài gia đình sẽ tăng lên, Masan đang chuẩn bị cho việc đáp ứng xu hướng này. Để làm điều đó thì công nghệ có tính dẫn dắt giúp mở rộng quy mô và nâng cao hiệu suất, đảm bảo vận hành theo thời gian thực đi từ offline sang online.

Trước mối quan tâm của cổ đông về thương chiến và thuế quan có ảnh hưởng thế nào tới tình hình kinh doanh của Masan, ông Danny Le cho rằng, cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào thì nhu cầu tiêu dùng vẫn có, mặc dù vậy, Masan thận trọng và theo dõi sát sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng và biến động giá đầu vào, từ đó sẽ có bước đi thích hợp.

WinCommerce hướng tới mở mới gần 2 cửa hàng mỗi ngày

Năm 2024 đánh dấu hoàn tất Giai đoạn 1 trong hành trình chuyển đổi của Masan từ một công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) thành một nền tảng tích hợp Tiêu dùng - Bán lẻ - Công nghệ kể từ năm 2020.

Năm 2025 đánh dấu Giai đoạn 2 của hành trình chuyển đổi, tập trung mở rộng mô hình kinh doanh Mạng lưới - Thị phần chi tiêu - Hội viên một cách có lợi nhuận, với số hóa toàn diện và tự động hóa vận hành là mảnh ghép chiến lược cuối cùng.

Về tăng trưởng mạng lưới, trong năm 2025, WCM tập trung mở rộng mạng lưới, mục tiêu đạt 4.500+ điểm bán vào cuối năm, tương đương mở trung bình 2 cửa hàng mới mỗi ngày, trong đó 1.900 cửa hàng được mở ở khu vực nông thôn. Kết quả tích cực của các cửa hàng mới mở mang lại sự tự tin cho WCM trong việc đạt được biên lợi nhuận sau thuế 1% trong năm nay.

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc WinCommerce (WCM), chia sẻ về những kết quả nổi bật sau quá trình tái cơ cấu, đánh dấu cột mốc quan trọng khi WCM lần đầu tiên đạt lợi nhuận sau thuế dương trong năm 2024. Thành quả này mở ra một chương mới cho chặng đường tăng trưởng có lợi nhuận một cách bền vững.

“5 năm trước nhiều người nghi ngờ về khả năng Masan có phục hồi được Wincomerce không khi lỗ mỗi năm là 3.800 tỷ đồng, và hôm nay Masan tự hào thông báo là WCM đã có lãi nhờ tạo dựng được mô hình kinh doanh thành công”, bà Phượng cho biết.

WinCommerce đã và đang bắt đầu hành trình chuyển đổi để hướng đến tăng trưởng có lợi nhuận một cách bền vững. Dựa trên nền tảng công nghệ và hệ sinh thái thương hiệu mạnh từ Masan, WinCommerce (WCM) đang từng bước xây dựng nền tảng “New Commerce” – một mô hình bán lẻ hiện đại, hiệu quả và gắn kết với người tiêu dùng Việt Nam thông qua năm trụ cột chiến lược gồm độ phủ toàn quốc, tăng trưởng có lợi nhuận, giải pháp mua sắm hàng ngày, bán lẻ công nghệ, và điểm chạm dịch vụ.

Một trụ cột quan trọng khác trong quá trình chuyển đổi của WCM chính là nguồn nhân lực. Thông qua chương trình ESOP vừa được triển khai, cửa hàng thường có cơ hội trở thành cổ đông của WCM - từ đó củng cố tinh thần trách nhiệm, cam kết dài hạn và khuyến khích tư duy làm chủ trong toàn hệ thống.

Chiến lược “bữa ăn 1 USD”

Cũng trong sự kiện, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer (MCH) khẳng định vị thế của MCH là “Dẫn đầu nội địa - Bước ra thế giới”, đồng thời chia sẻ chiến lược nhằm tạo ra giá trị vượt trội cho cổ đông.

Trong năm 2024, MCH đã phục vụ hơn 72 tỷ bữa ăn thông qua sản phẩm nước mắm và phân phối hơn 2,4 tỷ sản phẩm thực phẩm tiện lợi. Với độ phủ ấn tượng tại 98% hộ gia đình Việt và hiện diện tại 26 thị trường quốc tế, MCH đang sẵn sàng bước vào chương tiếp theo trên hành trình “Dẫn đầu nội địa - Bước ra thế giới”.

Cũng trong năm 2024, chiến lược của MCH tiếp tục chứng tỏ hiệu quả vượt trội, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng CAGR đạt 20% trong giai đoạn 2022-2024. Công ty duy trì biên lợi nhuận dẫn đầu ngành với biên lợi nhuận gộp 46% và biên EBITDA đạt 27%. Những kết quả này là thành quả từ một chiến lược nhất quán, kết hợp giữa các yếu tố then chốt: Sản phẩm đột phá; Thương hiệu mạnh; Chiến thắng tại điểm bán lẻ; Tập trung cốt lõi, tối đa giá trị với tinh thần “Fewer – Faster – Bigger” và Mô hình tài chính vượt trội.

Trong đó, về sản phẩm đột phá, trong năm 2024, MCH ghi nhận hơn 90 triệu USD doanh thu từ các sản phẩm đổi mới sáng tạo, tăng trưởng 62% so với năm trước, khẳng định vai trò then chốt của đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững của công ty.

Về yếu tố thương hiệu mạnh, nền tảng cốt lõi của MCH được xây dựng từ năm thương hiệu mạnh mẽ - CHIN-SU, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wake-up 247, chiếm 72% tăng trưởng doanh thu của Công ty trong năm 2024. Tại sự kiện, ông Trương Công Thắng đã công bố chiến dịch quảng cáo truyền hình mới của Wake-up 247, với sự tham gia của Manchester City làm đại sứ thương hiệu. Đây là một bước đi mạnh mẽ thể hiện ước mơ lớn, xây dựng các thương hiệu có ảnh hưởng toàn cầu.

Đặc biệt, để khẳng định rõ vị thế “Dẫn đầu nội địa - Bước ra thế giới”, MCH ghi nhận doanh thu 1.300 tỷ đồng từ 26 thị trường quốc tế, tăng trưởng 22% so với năm trước, với biên lợi nhuận lành mạnh đạt 30%.

Sau thành công với Masan, Vingroup, Techcombank tiếp tục mở rộng hệ sinh thái
Bước vào kỷ nguyên vươn mình với vai trò của kinh tế tư nhân đang được công nhận và trở thành động lực chính của nền kinh tế, ngày càng có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư