Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
3 trụ cột chống dịch hiện tại và xây dựng chiến lược của tương lai
D.Ngân - 13/09/2021 10:20
 
Vừa qua Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với nhiều chuyên gia để để bàn về các giải pháp phòng chống dịch năm 2022.

Việt Nam trải qua gần 2 năm đương đầu với cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, ngành Y tế đã huy động tổng lực nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và hết sức nỗ lực trên mọi mặt trận để phòng chống dịch, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 hiện nay.

Tiêm chủng vắc-xin là 1 trong 3 trụ cột chống dịch quan trọng. Ảnh: Đức Thanh

Diễn biến dịch trong đợt dịch thứ 4 ở các điểm nóng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đang có xu hướng giảm. Đối với TP.Hà Nội hiện đang triển khai quyết liệt “2 mũi giáp công” là tiêm chủng và xét nghiệm.

Người đứng đầu ngành Y tế thông tin, Bộ Y tế đang bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng, chống dịch cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Từ đó định hình hướng đi, chiến lược chống dịch của quốc gia trên cơ sở tổng kết, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong suốt thời gian qua.

Chiến lược này là tổng thể các giải pháp từ nâng cao năng lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng và những vấn đề liên quan khác mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 trong phòng chống dịch.

Từ thực tế chống dịch cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay Việt Nam đang thực hiện 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, tiêm chủng và thuốc điều trị Covid-19.

Đầu tiên, với công tác xét nghiệm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong thời gian qua, các địa phương, nhất là những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, đã đẩy mạnh việc xét nghiệm trên diện rộng.

Gần nhất, ngày 8/9, Bộ Y tế đã có công điện đề nghị các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây, trong đó có Hà Nội và TP.HCM.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 14.967.670 mẫu xét nghiệm cho 43.448.641 lượt người.

Trụ cột thứ hai là công tác tiêm chủng vắc-xin, Việt Nam có 7 loại vắc-xin đã được cấp phép sử dụng gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất), SputnikV (Viện nghiên cứu Gamaleya), Covid-19 vắc-xin Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (Covid-19 Vắc-xin Moderna), Comirnaty (Pfizer-BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/Sinopharm) và mới nhất là Hayat Vax.

Đến ngày 12/9, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 35 triệu liều vắc-xin Covid-19, chủ yếu là AstraZeneca; tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 28.213.392 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 23.157.067 liều, tiêm mũi 2 là 5.056.325 liều.

Các tỉnh, thành phố có số lượng người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cao nhất cả nước bên cạnh Hà Nội, TP.HCM là Hải Dương, Long An, Bắc Ninh, Quảng Ninh.

Với thuốc điều trị Covid-19, mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc Remdesivir với số lượng 1,7 triệu liều. Đây là loại thuốc đã được Bộ Y tế bổ sung vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, nặng.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo hệ thống các công ty dược nhập các nguyên liệu và chủ động sản xuất để chuẩn bị cho chiến lược phòng, chống dịch bệnh lâu dài, song song với việc nhập các thuốc khác để điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Trước đó, năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Remdesivir là loại thuốc đầu tiên được FDA cấp phép sử dụng trong việc điều trị Covid-19.

Để được FDA phê duyệt, Remdesivir đã phải vượt qua 3 giai đoạn thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại 226 địa điểm ở 17 quốc gia.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 được công bố vào tháng 10/2020 trên Tạp chí Y học New England cho thấy Remdesivir đã rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân khoảng 5-7 ngày so với những bệnh nhân nặng dùng giả dược. Người dùng Remdesivir cũng có nguy cơ tử vong thấp hơn so với các đối tượng dùng những loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt khác.

Ngoài Remdesivir thì Molnupiravir là loại thuốc thứ hai được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, dùng Remdesivir cho các ca nặng và Molnupiravir cho các bệnh nhân nhẹ, vừa điều trị tại nhà.

Được biết hiện tại đã có hơn 600.000 người nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam trong đợt dịch thứ tư, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong. 

Số ca nhiễm và tử vong được cho là đã giảm trong tuần qua tại một số tâm dịch như Bình Dương, Đà Nẵng... Số ca khỏi bệnh cũng liên tục tăng cao với tổng số 374.578 người được xuất viện.

Ghi nhận từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 613.375 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 157/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.235 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 608.997 ca, trong đó có 371.804 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.279 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

TP.HCM đề xuất mua thêm 200.000 túi thuốc điều trị cho F0 tại nhà
Do số lượng người mắc Covid-19 đang gia tăng trong cộng đồng, TP.HCM cần mua thêm 200.000 túi thuốc cho F0 cách ly tại nhà.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư