Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 8/9: Hợp tác với Pháp thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19
D.Ngân - 08/09/2021 08:54
 
Bộ Y tế Việt Nam cho biết sẵn sàng hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và chuyển giao công nghệ sản xuất kháng thể đa dòng XAV-19 điều trị Covid-19 của Pháp.

Ngày 8/9 TP.HCM và Bình Dương đều giảm F0

Tính từ 17h ngày 7/9 đến 17h ngày 08/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới.

Trong 24h giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.530 ca. Tại TP.HCM, F0 giảm 2 ca. Bình Dương giảm 794 ca, Đồng Nai giảm 131 ca. Long An giảm 118 ca. Tiền Giang giảm 12 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 563.676 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.730 ca nhiễm).

Từ ngày 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 559.346 người, trong đó 322.873 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (273.154), Bình Dương (141.765), Đồng Nai (31.179), Long An (26.804), Tiền Giang (11.159).

Theo tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn, ngày 8/9 ghi nhận 335 ca tử vong. Họ được ghi nhận tại TP.HCM (268), Bình Dương (34), Long An (8), Tiền Giang (7), Đồng Nai (11 ca trong 2 ngày 7-8/9), Đồng Tháp (2), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (2 ca trong 2 ngày 7-8/9), Bến Tre (1) và Khánh Hòa (2).

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh bổ sung 99 bệnh nhân Covid-19 tử vong của tháng 8.

Theo Bộ Y tế, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 310 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.135 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Số lượng mẫu xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 13.855.509, cho 40.898.357 lượt người.

Trong ngày 7/9, 771.937 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 23.577.917, trong đó tiêm 1 mũi là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều.

Bộ Y tế yêu cầu TP.HCM, Hà Nội và 21 tỉnh, thành thần tốc xét nghiệm

Ngày 8/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện gửi UBND TP.HCM, Hà Nội, Phú Yên và 20 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam về việc thần tốc xét nghiệm, phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian qua, các địa phương, nhất là những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, đã đẩy mạnh việc xét nghiệm trên diện rộng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tiến độ xét nghiệm tại một số địa phương đến nay chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch.

Do đó, để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây. Qua đó, các địa phương này có thể cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng và thực hiện tốt việc chăm sóc điều trị người nhiễm Covid-19.

Tần suất, thời gian lấy mẫu, xét nghiệm theo các khu vực nguy cơ, theo hướng dẫn sau:

Đến ngày 15/9, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); Lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.

Tại các khu vực có nguy cơ và khu vực khác: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.

Các địa phương tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với những trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp..., đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

Nhân viên, người lao động (là trường hợp có nguy cơ cao) tại cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu được thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần.

Những tỉnh, thành phố này cần xem xét, tổ chức thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế; xét nghiệm tầm soát 100% các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp..., đến cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.

TP.HCM đề xuất cho bệnh viện tư nhân thu phí điều trị Covid-19

Ngày 8/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký văn bản gửi Thủ tướng về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19.

Theo văn bản này, trong quá trình huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19, có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh thuộc nhóm A (có Covid-19) được khám và điều trị miễn phí.

Ngoài ra, thông tư của Bộ Tài chính cũng quy định người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được miễn chi phí khám, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, qua khảo sát và trao đổi ý kiến của các cơ sở y tế tư nhân, việc mua sắm thuốc, vật tự y tế..., cũng như định mức sử dụng, cho thấy chi phí trong công tác điều trị Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.

Do đó, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp vướng mắc. Trường hợp chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được.

Trường hợp chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Đồng thời, việc này cũng không có cơ sở để thực hiện khi cùng sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho công tác điều trị nhưng chi phí giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân là khác nhau.

Văn bản của UBND TP.HCM cho biết theo báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân, hiện rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng trả phí điều trị Covid-19. Các cơ sở y tế tư nhân đã đề nghị cho phép được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trước đó, ngày 23/8, UBND TP.HCM đã có Công văn số 2828 gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ngày 1/9, Bộ Tài chính phản hồi và đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền.

Trong đó, cơ quan này cần xây dựng quy định các điều kiện, tổ chức thực hiện điều trị bệnh Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 ngoài công lập và quy định việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh Covid-19 tại các cơ sở điều trị Covid-19 ngoài công lập.

Do yêu cầu cấp bách cần huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống công lập, kịp thời cứu chữa cho người dân bị mắc Covid-19, UBND TP.HCM kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính, tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, quyết định.

Hà Nội: Tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên

Chiều 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội yêu cầu tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15/9/2021 trên cơ sở số vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ và giao.

Yêu cầu của kế hoạch là đến ngày 15/9/2021 tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và theo hướng dẫn tại Công điện số 1305/CĐBYT ngày 2/9/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.

Thành phố cũng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên. Áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.

Hà Nội quy định tiêm mũi 1 bằng loại vắc-xin nào thì tiêm mũi 2 bằng loại vắc-xin đó. Với người được tiêm mũi 1 bằng vắc-xin của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin của Pfizer khi được sự đồng ý của người được tiêm chủng, khoảng cách từ 8 - 12 tuần sau tiêm mũi 1.

Về số ca mắc Covid-19 theo CDC Hà Nội, ngày 8/9, Hà Nội thêm 41 ca Covid-19, trong đó 7 ca cộng đồng.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.660 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.578 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.082 ca.

Số F0 tại Bình Dương giảm 20%

Ngày 8/9, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Bình Dương, tỉnh này ghi nhận 3.172 ca mắc Covid-19 mới.

Cụ thể, từ 17h ngày 7/9 đến 17h ngày 8/9, địa phương này ghi nhận 91 trường hợp nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế, 27 ca ở khu cách ly tạm thời cho người có kết quả test nhanh dương tính. Các F0 còn lại gồm 2.839 trường hợp trong khu phong tỏa và 215 người ở cộng đồng.

Theo thống kê của CDC Bình Dương, số ca nhiễm Covid-19 trong ngày 8/9 đã giảm 20% so với ngày 7/9. Một số địa phương có số người dương tính với SARS-CoV-2 giảm trong ngày là Bến Cát, Tân Uyên, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bàu Bàng.

Từ khi đợt dịch Covid lần thứ 4 bùng phát (27/4), tỉnh Bình Dương đã ghi nhận tổng cộng 141.765 ca nhiễm. Trong đó, 8.216 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại cơ sở y tế, 24.009 trường hợp trong khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, 73.972 ca ở khu phong tỏa, 35.487 người còn lại từ cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa).

Đến nay, số người đang cách ly tập trung tại Bình Dương là 44.040 với 723 F1, 14.739 trường hợp test nhanh dương tính chờ xét nghiệm khẳng định và 28.608 F0 không có triệu chứng.

Về tình hình điều trị, các cơ sở y tế tại Bình Dương đã tiếp nhận 2.824 bệnh nhân Covid-19 trong ngày 8/9. Qua đó, số người mắc Covid-19 đang được điều trị tại địa phương này nâng lên 54.221 trường hợp trong đó có 1.210 người tử vong do Covid-19.

Trong đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng thứ 2 tại Bình Dương từ ngày 2/8 đến nay, Tỉnh đã lấy mẫu test nhanh và rRT-PCR cho tổng cộng 3.941.804 người. Trong đó, 95.392 mẫu dương tính, chiếm 2,42%.

Hà Nội tăng tốc tiêm chủng vắc-xin Covid-19

Theo Sở Y tế Hà Nội, Thành phố đã tiêm 268.027 mũi vắc-xin phòng Covid-19 trong ngày 7/9.

Đây là lần đầu tiên Thành phố triển khai tiêm lượng vắc-xin phòng Covid-19 lớn như vậy trong một ngày.

Đến nay, tổng cộng Thành phố đã triển khai tiêm được 2.673.612 mũi (gồm 2.376.659 mũi 1; 269.953 mũi 2), tương đương với gần 39% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng.

Hiện, Thành phố đã được Bộ Y tế quyết định phân bổ hơn 3,3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trên thực tế, số lượng vắc-xin về kho bảo quản của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội là hơn 3,1 triệu liều.

Với việc tiêm được hơn 2,6 triệu mũi, Thành phố đã đạt khoảng 81% số lượng vắc-xin đã tiếp nhận. Dự kiến, đến ngày 9/9, Thành phố sẽ hoàn thành 100% lượng vắc-xin đã được Bộ Y tế phân bổ.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thành phố đang tiếp tục đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc-xin để đạt độ bao phủ tiêm chủng. Công suất tiêm của Hà Nội là 200.000 mũi/ngày, nhưng vẫn phụ thuộc vào lượng vắc-xin được phân bổ.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố Hà Nội rà soát các đối tượng ưu tiên, cân đối các loại vắc-xin, tránh tình trạng tiêm mũi 1 xong lại không còn vắc-xin để tiêm mũi 2 cho người dân.

Đơn cử, với vắc-xin Pfizer hay Moderna, khi được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế giữ lại số lượng vắc-xin tương ứng để tiêm mũi 2 cho người dân.

Để tăng tốc độ tiêm chủng, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vào buổi tối cho người dân, mở thêm điểm tiêm tại nhà văn hóa, trường học.

Mặt khác, để sàng lọc, xét nghiệm tất cả người dân để phát hiện các F0 trong cộng đồng, trước khi tiêm, tất cả trường hợp phải test nhanh Covid-19.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội trưa 8/9 cho biết, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 35 ca mắc Covid-19 mới. trong đó, có 7 ca ngoài cộng đồng, 25 ca tại khu cách ly, 3 ca sống trong khu vực phong tỏa.

Cụ thể, 35 ca mắc mới phân bố theo quận/huyện: Thanh Trì (10), Thanh Xuân (8), Hai Bà Trưng (8), Hoàng Mai (4), Thường Tín (3), Đống Đa (1), Cầu Giấy (1); thuộc chùm sàng lọc khu vực nguy cơ; chùm sàng lọc ho sốt; và F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng.

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021): 3.658 ca. Trong đó, ngoài cộng đồng 1.578 ca; trong khu cách ly 2.080 ca.

150 y, bác sĩ tiếp tục Nam tiến

Sáng 8/9, Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y Hà Nội đã tiếp tục đưa 150 y, bác sĩ vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch, trong đó có 120 bác sĩ nội trú các chuyên ngành hồi sức tích cực, hô hấp, tâm thần, nhi.

Các bác sĩ sẽ làm việc tại Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 do Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm thiết lập tại Bệnh viện dã chiến số 16 TP.HCM và hỗ trợ các bệnh viện dã chiến tầng 2 của TP.HCM.

Đã có 500 bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai cùng hơn 1.000 sinh viên trường Cao đẳng y Bạch Mai tham gia chống dịch tại TP.HCM.

Đến nay, đã có khoảng 1.000 lượt chuyên gia, giảng viên, bác sĩ nội trú và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch.

Từ đầu tháng 7/2021 đến nay đã có hơn 16.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, điều dưỡng và sinh viên các trường y dược đã vào TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam hỗ trợ phòng chống dịch.

Bình Dương: 15 cơ sở y tế tư nhân tham gia chống dịch

UBND tỉnh Bình Dương thống nhất chủ trương cho phép 15 bệnh viện tư nhân trên địa bàn Tỉnh tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 như đề nghị của Sở Y tế tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Y tế tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan căn cứ các quy định hiện hành và thực tế của địa phương để hướng dẫn các bệnh viện hoàn thành hồ sơ, thủ tục để tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh được hiệu quả và đúng theo quy định.

Các bệnh viện phải thực hiện phạm vi chuyên môn, danh mục kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, 15 bệnh viện tư nhân tham gia thu dung, khám, cấp cứu và điều trị bệnh nhân Covid-19 được cho phép, gồm: Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước, Bệnh viện Quốc tế Becamex, Bệnh viện đa khoa Medic Bình Dương, Bệnh viện đa khoa An Phú, Bệnh viện đa khoa Vạn Phúc 1, Bệnh viện đa khoa Vạn Phúc 2, Bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo Thuận An, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn - Bình Dương, Bệnh viện Phụ sản Nhi Bình Dương, Bệnh viện đa khoa tư nhân Bình Dương, Bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo Dĩ An, Bệnh viện đa khoa Châu Thành Nam Tân Uyên, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Bệnh viện Quốc tế Columbia, Bệnh viện đa khoa Phương Chi.

Qua kết quả đánh giá, các bệnh viện này đều đạt tiêu chuẩn bệnh viện an toàn phòng, chống Covid-19 theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 6/7/2020 của Bộ Y tế.

Các bệnh viện sẽ dành 40% giường bệnh để thu dung, khám, cấp cứu và điều trị bệnh nhân Covid-19; 60% giường bệnh duy trì hoạt động khám, chữa bệnh theo chức năng của bệnh viện.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến 17 giờ ngày 7/9, tỉnh Bình Dương ghi nhận 138.593 ca mắc Covid-19, trong đó có 83.980 bệnh nhân Covid-19 được điều trị bớt bệnh xuất viện. Hiện, các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang cách ly, điều trị 54.221 bệnh nhân.

Bạc Liêu thành lập hai cơ sở phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19

Sáng 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, đã ký quyết định về việc thành lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không triệu chứng tại Khu ký túc xá sinh viên Bạc Liêu, trụ sở tại Khu đô thị Hoàng Phát, phường 1, TP. Bạc Liêu.

Cơ sở này trực thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu, đáp ứng nhu cầu thu dung, chăm sóc, theo dõi và điều trị các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ.

Cơ sở này bước đầu có quy mô 400 giường bệnh. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh phức tạp, có chiều hướng gia tăng, sẽ tăng số giường bệnh.

Đơn vị thứ 2 là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bạc Liêu với quy mô 100 giường bệnh cũng được chuyển đổi công năng, để tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân Covid-19.

Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp tỉnh; chịu sự quản lý, điều hành và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã ghi nhận 185 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đáng lưu ý, trong 15 ngày qua, toàn Tỉnh có 90 ca mắc mới; trong đó có 79 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Công ty Tài chính F88, địa chỉ tại đường Trần Phú, phường 7, TP. Bạc Liêu.

Đưa công nghệ sản xuất thuốc từ Pháp về Việt Nam

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Công ty Xenothera (Pháp) về hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và chuyển giao cho Việt Nam công nghệ sản xuất kháng thể đa dòng XAV-19 điều trị Covid-19 do Công ty nghiên cứu và phát triển.

Kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và 2 cho thấy thuốc do Pháp nghiên cứu đảm bảo tính an toàn và có hiệu quả tốt trong việc ngăn bệnh tiến triển xấu hơn, có tác dụng trung hoà virus và giảm viêm ở bệnh nhân.

XAV-19 là kháng thể đa dòng chuyên điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2 thể trung bình, được Xenothera phát triển dựa trên công nghệ sản xuất kháng thể bản quyền của hãng, kết hợp giữa bí quyết trong các lĩnh vực di truyền học và miễn dịch học.

Kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và 2 cho thấy thuốc đảm bảo tính an toàn và có hiệu quả tốt trong việc ngăn bệnh tiến triển xấu hơn, có tác dụng trung hoà virus và giảm viêm ở bệnh nhân.

Đặc tính đa dòng của thuốc XAV-19 được ghi nhận có hiệu quả chống lại các biến chủng SARS-CoV-2 đã được phát hiện đến thời điểm này. 

Kháng thể đa dòng này cũng có khả năng tạo miễn dịch tức thời và ngăn chặn virus xâm nhập vào các tế bào. Đây là khác biệt quan trọng so với các kháng thể đơn dòng đang được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân ở giai đoạn mới nhiễm.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của XAV-19 hiện đang được thực hiện tại Pháp và một số quốc gia châu Âu (Hi Lạp, Bulgaria, Romania, Tây Ban Nha…). 

Trước đó vào cuối tháng 5/2021, Xenothera cũng đã nhận được đơn hàng của Bộ Y tế và Đoàn kết Pháp đặt trước 30.000 liều XAV-19, dự kiến bắt đầu cung cấp cho các bệnh nhân tại Pháp sau khi được phê duyệt sử dụng trong tình huống khẩn cấp.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ mà XAV-19 đã đạt được sau thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2. 

Đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác thử nghiệm giai đoạn 3 và tiếp nhận chuyển giao công nghệ với mong muốn sớm bổ sung được nguồn thuốc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trong nước nếu thử nghiệm cho kết quả khả quan.

Ngay sau buổi làm việc trực tuyến, qua sự kết nối của AIC Group, một tập đoàn trong nước đã lập tức trao đổi các nội dung cụ thể và chuẩn bị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và chuyển giao công nghệ sản xuất XAV-19 với Công ty Xenothera.

Hà Nội lấy được hơn 800.000 mẫu xét nghiệm trong đợt 3

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 8/9, thành phố vừa ghi nhận thêm 4 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Bốn người này sống chung tại địa chỉ Phúc Xá, Ba Đình, là F1 của một trường hợp F0 đã công bố trước đó. Ngày 29/8, họ được yêu cầu cách ly tại nhà. Đến ngày 7/9, gia đình này được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 7/9, thành phố lấy được 817.765 mẫu, đạt 81,78% kế hoạch xét nghiệm đợt 3. 685.519 mẫu đã có kết quả (11 mẫu dương tính và 685.508 mẫu âm tính), còn lại 132.246 mẫu chưa có kết quả.

Trong đó, 10 trường hợp dương tính thuộc đối tượng ở khu vực nguy cơ ghi nhận tại 3 quận, huyện gồm: Thanh Xuân (7), Thanh Trì (2), Hà Đông (1). Một trường hợp dương tính còn lại là đối tượng nguy cơ ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín.

Tại Hà Nội, một số ổ dịch đang có diễn biến phức tạp gồm: Thanh Xuân Trung (509 ca nhiễm), Văn Miếu (117), Văn Chương (90), ngõ 24 Kim Đồng (47), Tân Lập (20) và chợ Ngọc Hà (22).

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.623 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 

Lo ngại về ca tái dương tính Covid-19 đầu tiên

Liên quan tới ca mắc Covid-19 ngày 7/9 tại Hà Nội là một người đàn ông tên N.T.P. (53 tuổi, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 ngày 8/11/2020 tại Nga, chuyên gia lo ngại đây có thể là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam tái nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay trên thế giới, số ca tái nhiễm ghi nhận rất ít nhưng vẫn có. Có những trường hợp tái nhiễm vài tháng sau khi khỏi bệnh. 

Gần đây, truyền thông đưa tin ca bệnh “số 0” tại Ấn Độ (nữ sinh trở về từ Vũ Hán - người đầu tiên mắc Covid-19 ở nước này) vào tháng 1/2020, đã tái nhiễm SARS-CoV-2 sau 17 tháng.

Theo bác sĩ Cấp, tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau đó một thời gian nhiễm lại bệnh đó lần thứ 2. Còn tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, sau đó lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính.

Tại Việt Nam, có một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 tái dương tính sau khi được ra viện, những ca này hầu như không lây nhiễm virus cho người khác.

Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm virus SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm Covid-19 đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus.

Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại (virus hoạt động). Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước.

Tuy nhiên, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gien, nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm.

“Thực tế, nếu một trường hợp nhiễm lần 2 sau khi khỏi bệnh lần đầu trên 9 tháng thì mặc nhiên coi đó là tái nhiễm”, bác sĩ Cấp phân tích.

Chuyên gia cũng cho hay, một số nghiên cứu khác cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người nhiễm lần đầu.

Cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Nhưng cơ thể có giữ được mức độ kháng thể giúp bảo vệ cơ thể lâu dài hay không lại tùy theo từng loại virus và từng cá thể người bệnh. Có những loại virus tạo được kháng thể suốt đời như sởi, đậu mùa, quai bị…

Tuy nhiên, cũng có loại virus chỉ tạo được kháng thể trong thời gian ngắn hơn, hoặc thậm chí rất ngắn như cúm hoặc có kháng thể nhưng không diệt sạch được virus như viêm gan C, HIV.

Đồng Nai: Khẩn trương thành lập Trạm y tế lưu động trước ngày 15/9

Sở Y tế Đồng Nai vừa ban hành văn bản khẩn gửi UBND và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc thành lập trạm y tế lưu động trước ngày 15/9.

Theo đó, Sở Y tế giao Giám đốc Trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng, thiết lập các Trạm y tế lưu động trình UBND huyện phê duyệt; làm đầu mối triển khai tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn cho trạm y tế lưu động. 

Đồng thời, chỉ đạo các Trạm y tế lưu động thực hiện nhiệm vụ theo phân công; trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; lập hồ sơ khám chữa bệnh của người dân gửi về trạm y tế cấp xã để tổng hợp chi phí khám chữa bệnh, lưu trữ.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mỗi Trạm y tế lưu động có ít nhất 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất một bác sĩ. Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu, nhân viên y tế và tình nguyện viên từ địa phương khác.

Xử lý nghiêm đối tượng trục lợi từ dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ và phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian dịch bệnh, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống. 

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại các lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và việc quyên góp, ủng hộ của nhân dân để trục lợi, các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kịp thời rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tung tin giả, xuyên tạc, không đúng sự thật trên không gian mạng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở khám, chữa bệnh, khu cách ly tập trung, cơ sở sản xuất được sử dụng làm nơi cách ly; đặc biệt là phòng chống cháy, nổ trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng khí oxy phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cần Thơ vận động 282 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19
Tính đến ngày 06/9/2021, TP. Cần Thơ đã vận động được 282 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm tiền mặt và thiết bị,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư