Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
319 đại biểu Quốc hội muốn giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Nguyễn Lê - 25/07/2021 17:54
 
Có ý kiến đại biểu đề nghị thành lập Ủy ban Lâm thời để giám sát một số vụ việc, vụ án cụ thể theo quy định.
.
Đa số đại biểu tán thành thông qua nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Với 475/478 đại biểu có mặt tán thành, cuối phiên họp chiều 25/7, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Nghị quyết nêu rõ, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Nội dung giám sát của kỳ họp này còn có tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội;

Quốc hội cũng lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành”.

Qua phiếu xin ý kiến đã có 254 đại biểu (59,91%) lựa chọn chuyên đề này.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật;

Kỳ họp này Quốc hội cũng xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội;

Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” được lựa chọn để giám sát tại kỳ họp này. Đây là chuyên đề đã được 319 đại biểu (75,24%) lựa chọn qua phiếu xin ý kiến.

Kỳ họp cuối năm, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Trước đó, khi thảo luận tại hội trường, có ý kiến đề nghị bổ sung giám sát một số chuyên đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội (62.000 tỷ năm 2020 và 26.000 tỷ năm 2021) để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Có đại biểu đề nghị giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc bổ nhiệm, luân chuyển và điều động cán bộ; phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục; chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xem xét những tác động của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các vấn đề nêu trên đều là những nội dung được quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét giao các Ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát hoặc giải trình vào thời điểm thích hợp.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị thành lập Ủy ban Lâm thời để giám sát một số vụ việc, vụ án cụ thể theo quy định.

Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành chương trình hành động Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; theo đó đã giao Văn phòng Quốc hội chủ trì xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó bao gồm nhiều nội dung đã được các vị đại biểu Quốc hội đề xuất. Trên cơ sở xem xét Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội giải trình.  

Còn chậm xử lý quy định, thủ tục gây vướng mắc, Quốc hội lo còn lãng phí
Những chậm trê trong rà soát, phát hiện vướng mắc và sửa đổi quy định về đầu tư, đất đai có thể sẽ khiến các kết quả thực hành tiết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư