Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chẩn đoán để “chữa bệnh” thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công
Hà Nguyễn - 16/07/2021 10:11
 
Dù năm 2020 là năm thành công lớn trong giải ngân vốn đầu tư công, song thực tế, tình trạng chậm tiến độ vẫn diễn ra. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.
Việc triển khai nhiều dự án có vốn đầu tư công đã góp phần cải thiện hạ tầng trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Bệnh “thất thoát, lãng phí” chưa được trị dứt điểm

Rất nhiều thông tin đáng chú ý về các dự án đầu tư công được đề cập trong Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2020, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ.

Một trong số đó là vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ, dù năm 2020 là năm cả nước dồn lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây cũng là năm mà giải ngân vốn đầu tư công đạt “đỉnh” trong nhiều năm trở lại đây, góp phần quan trọng giúp kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng dương 2,91%.

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2020, có 70.679 dự án thực hiện đầu tư (cao hơn khá nhiều so với con số 69.011 dự án của năm 2019; 56.567 dự án của năm 2018; 51.947 dự án của năm 2017 và 45.147 dự án của năm 2016). Trong đó, có 32.120 dự án chuyển tiếp, chiếm 45,44%; 38.559 dự án khởi công mới, chiếm 54,55% (trong số này, có 73 dự án nhóm A, 976 dự án nhóm B và 37.510 dự án nhóm C).

Điều đáng chú ý là, trong năm 2020 có 31.799 dự án kết thúc đầu tư, được đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, trong số này, có 227 dự án có vấn đề kỹ thuật, không hiệu quả.

Các con số khác cũng rất đáng lưu tâm. Đó là, theo số liệu được các bộ, ngành, địa phương báo cáo, năm 2020 có 1.867 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện trong kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng (1.074 dự án); thủ tục đầu tư (407 dự án); bố trí vốn không kịp thời (219 dự án); năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (157 dự án); do các nguyên nhân khác (591 dự án).

Trên thực tế, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong năm qua, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực, số lượng dự án chậm tiến độ không quá lớn. Tuy nhiên, qua kiểm tra hơn 18.000 dự án và tổ chức đánh giá hơn 27.700 dự án, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện kha khá sai phạm.

Cụ thể, có 51 dự án vi phạm về thủ tục đầu tư, 17 dự án vi phạm về quản lý chất lượng, 923 dự án có thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, nhiều địa phương có thất thoát, lãng phí rất lớn, như Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… Các dự án này gây thất thoát, lãng phí chủ yếu là do có các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.

Bên cạnh đó là những thất thoát, lãng phí liên quan đến các dự án chậm tiến độ.

Chẩn bệnh để “chữa bệnh” cho năm 2021

Đầu tư công trên thực tế ngày càng có nhiều cải thiện, cả về tiến độ triển khai lẫn hiệu quả đầu tư. Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định điều này. Theo đó, trong thời gian qua, công tác quản lý đầu tư từ ngân sách trung ương được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực; nguồn vốn ngân sách trung ương được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao. Ngay cả các nguồn vốn đầu tư khác, như vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước cũng đã bước đầu có chuyển biến.

Dẫu vậy, vẫn còn những căn bệnh thuộc diện “cố hữu”, “trầm kha”, bao lâu nay chưa được giải quyết rốt ráo. Đó là thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn dài, một số quy định còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm; nhiều dự án còn chậm tiến độ, phải điều chỉnh; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc thực hiện quyết toán các dự án hoàn thành trong thời gian qua ở một số cơ quan còn thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số đơn vị còn lớn…

Đáng nói, câu chuyện của năm cũ dường như đang lặp lại trong năm 2021, khi tình hình giải ngân vốn đầu tư công khá chậm.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước mới được gần 134.000 tỷ đồng, đạt trên 29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (34%). Đặc biệt, trong số này, giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 7,37%. Đây là một tỷ lệ rất thấp.

Các nguyên nhân lại tiếp tục được chỉ ra, và có lẽ, vẫn là các căn bệnh cũ. Đó là một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất; công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quan tâm đúng mức, chỉ đạo sát sao; công tác triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, chưa quyết liệt; người đứng đầu ở một số nơi còn chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra…

“Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’, cùng một mặt bằng pháp luật, nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công..., dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán...”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Kế hoạch đầu tư công năm 2021 đã đi qua nửa chặng đường. Năm đầu tiên của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cũng đang dần qua đi. Nếu các căn bệnh kinh niên này không được chữa trị kịp thời, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới giải ngân đầu tư công, qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm Covid-19 thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công vẫn tiếp tục được coi là một trong “tam mã” kéo “cỗ xe” tăng trưởng của Việt Nam.

Trong năm 2020 có 3.342 dự án thực hiện đầu tư trong năm phải điều chỉnh, chiếm 4,7% tổng số dự án thực hiện trong kỳ. Trong đó, chủ yếu là điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (1.284 dự án); điều chỉnh tiến độ đầu tư (1.556 dự án); điều chỉnh vốn đầu tư (1.292 dự án); điều chỉnh do các nguyên nhân khác (1.390 dự án).

Nguồn: Số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

“Truất quyền thi đấu” nhà thầu bê trễ, giải ngân kém
Chủ đầu tư và các nhà thầu tại các dự án hạ tầng giao thông thi công bê trễ, giải ngân kém sẽ phải nhận với những “án kỷ luật” mạnh tay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư