Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
“Truất quyền thi đấu” nhà thầu bê trễ, giải ngân kém
Anh Minh - 26/06/2021 09:08
 
Chủ đầu tư và các nhà thầu tại các dự án hạ tầng giao thông thi công bê trễ, giải ngân kém sẽ phải nhận với những “án kỷ luật” mạnh tay từ Bộ GTVT nếu không chuyển biến.
Thi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45
Thi công Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

“Ra roi” cho dự án chạy

“Chúng tôi đã quyết định điều chuyển phần lớn khối lượng thi công tại Gói thầu XL3, Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn do Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên đảm nhận cho các nhà thầu khác thi công. Nếu Hoàng Nguyên không tạo được sự chuyển biến trên công trường trong vòng một tháng nữa, phần khối lượng còn lại cũng bị cắt”, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư.

Bộ Giao thông - Vận tải đang triển khai 19 công trình, Dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải, trong đó có 6 Dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư; 10 Dự án đang triển khai thực hiện; 3 Dự án đang hoàn tất thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Trong năm 2021, Bộ Giao thông - Vận tải được giao khoảng 43.401 tỷ đồng, gồm: 42.996 tỷ đồng ( 38.159 tỷ đồng vốn trong nước và 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài) và khoảng 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Tới hết tháng 6/2021, dự kiến lũy kế giải ngân tại các dự án do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý vào khoảng 16.600 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch đã phân bổ.

Hoàng Nguyên chính là nhà thầu đầu tiên trong tổng số gần 30 đơn vị tại Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn phải chịu một trong những “án phạt” mà các nhà thầu ngán ngại nhất là cắt khối lượng do thi công không đạt kế hoạch đề ra, sau khi bị cảnh cáo tới 3 lần từ đơn vị quản lý dự án.

Ông Nguyễn Vũ Quý cho biết, không chỉ Hoàng Nguyên, mà một loạt nhà thầu khác tại Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng đang đứng trước nguy cơ phải rời công trường sớm do đã nhận 1 - 2 lần “cảnh báo đỏ”. Điều đáng nói là, trong số này, có không ít nhà thầu “có số má” trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông như: Tổng công ty 36 - CTCP (Gói thầu XL6); Công ty cổ phần Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 (Gói thầu XL7); Công ty TNHH Nhạc Sơn (Gói thầu XL6); Công ty TNHH Bảo Sơn (Gói thầu XL11); Công ty TNHH Đại Hiệp, Cienco5, Thành Phát (Gói thầu XL11).

“Ngoài việc bị đuổi khỏi Dự án, các nhà thầu còn bị thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ Giao thông - Vận tải để làm cơ sở đánh giá năng lực doanh nghiệp này khi tham gia các dự án khác của Bộ”, ông Quý cho biết.

PMU đường Hồ Chí Minh cũng đang phải chịu sức ép rất lớn nếu không đảm bảo tiến độ, kế hoạch giải ngân tại Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư lên tới 7.669 tỷ đồng đã đăng ký với Bộ Giao thông - Vận tải vào đầu năm.

Áp lực đối với PMU đường Hồ Chí Minh là rất lớn nếu chiểu theo báo cáo mới nhất về tiến độ triển khai Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải giao giám sát tiến độ các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Theo đó, sau gần 2 năm triển khai thi công, lũy kế giá trị thực hiện tại Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt khoảng 2.520/5.727 tỷ đồng (44% giá trị hợp đồng); tổng giá trị giải ngân (bao gồm cả tạm ứng) khoảng 3.502/5.727 tỷ đồng (đạt 61,1% giá trị hợp đồng).

Mặc dù cơ bản đáp ứng tiến độ giải ngân, nhưng vẫn có tới 8 gói thầu xây lắp tại Dự án bị chậm so với tiến độ yêu cầu, trong khi mùa mưa lũ tại khu vực miền Trung sắp bắt đầu, đòi hỏi PMU đường Hồ Chí Minh phải có những động thái “ra roi” quyết liệt.

Cần phải nói thêm rằng, tại Chỉ thị số 06/CT - BGVT ngày 14/6/2021, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu giám đốc các PMU trực thuộc phải thường xuyên bám công trường để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng cho các đơn vị thi công.

“Kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2021 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan. Bộ Giao thông - Vận tải sẽ xử lý trách nhiệm của các chủ đầu tư không hoàn thành kế hoạch”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Đây không phải là lời nhắc nhở suông đối với các đơn vị chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Giữa tháng 6/2021, Bộ Giao thông - Vận tải đã nghiêm khắc phê bình Sở Giao thông - Vận tải Kon Tum vì nguy cơ vỡ tiến độ Dự án thành phần 2, Dự án Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24.

“Nếu đến hết tháng 7/2021, tình hình thực hiện, giải ngân Dự án thành phần 2 Quốc lộ 24 không chuyển biến, không đáp ứng tiến độ hoàn thành, yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải Kon Tum kiểm điểm, đánh giá làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của cá nhân, tập thể gây chậm trễ tiến độ”, Công văn số 5573 do ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải ký nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cũng cho biết, sẽ xem xét, cân nhắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm vốn đã bố trí cho Dự án, bàn giao các hạng mục còn lại chưa thi công cho địa phương để tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn tự cân đối từ ngân sách địa phương.

Những đầu tàu giải ngân

Theo đánh giá của Bộ Giao thông - Vận tải, ngoại trừ một số dự án sử dụng vốn đầu tư công phân cấp cho các địa phương làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, phần lớn các công trình do bộ này quản lý, đặc biệt là 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều bám khá sát kế hoạch giải ngân.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, do các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đều đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và đã triển khai thi công trên thực địa, nên đây sẽ là đầu tàu giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông - Vận tải trong năm 2021.

Trong số 8 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 do PMU Thăng Long (Bộ Giao thông - Vận tải) quản lý được đánh giá một trong những dự án có tiến độ triển khai nhanh nhất.

Chỉ sau chưa đầy 9 tháng được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng vào ngày 30/9/2020, đến cuối tháng 6/2021, Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài 63,37 km, tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng đã cơ bản thông tuyến, với lũy kế sản lượng thi công lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, đạt hơn 14,2% giá trị xây lắp theo hợp đồng.

“Đây là giai đoạn thi công móng và nền đường, tuy có khối lượng rất lớn, nhưng giá trị không cao. Giá trị sản lượng tại Dự án sẽ tăng lên rất nhanh sau khi các nhà thầu bắt tay vào triển khai thi công các lớp mặt đường có giá trị lớn”, ông Lương Quang Long, Giám đốc điều hành Dự án cho biết.

Điểm thuận lợi tại Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 là cả chủ đầu tư và phần lớn các nhà thầu đều là những đơn vị chuyên nghiệp, thạo việc. Đó là chưa kể, công tác nghiệm thu, thanh toán các khối lượng hoàn thành được chủ dự án đặc biệt quan tâm. Tính bình quân, khoảng thời gian mà các phiếu thanh toán được đệ trình đến khi Kho bạc Nhà nước giải ngân chuyển về tài khoản nhà thầu chỉ mất khoảng 10 ngày, đã giúp dòng tiền tại Dự án được luân chuyển nhanh, qua đó trực tiếp thúc đẩy tiến độ công trình.

PMU Thăng Long cũng đang là đầu mối giải ngân lớn nhất tại Bộ Giao thông - Vận tải. Trong năm 2021, đơn vị này được giao lượng vốn ngân sách, bao gồm cả vốn ODA lên tới 8.493 tỷ đồng, tương đương ngân sách đầu tư công của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhờ triển khai quyết liệt, nên đến giữa tháng 6/2021, PMU Thăng Long đã giải ngân được 5.072 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch vốn giao hồi đầu năm, trong đó 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam do đơn vị này quản lý là Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Dầu Giây - Phan Thiết đều đã giải ngân hơn 60% kế hoạch.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khối lượng vốn ngân sách cấp cho các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ không bị giới hạn, nếu các chủ đầu tư đẩy nhanh được tiến độ thi công thực tế trên các công trường. Bộ Giao thông - Vận tải sẵn sàng điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ triển khai tốt ngay từ đầu quý III/2021 để vốn đầu tư công sớm ra công trường, thay vì bị đọng quá lâu tại các kho bạc địa phương như thông lệ hàng năm.

“Bộ Giao thông - Vận tải sẽ xử lý nghiêm các chủ dự án ‘om’ vốn. Đăng ký vốn không sát với tiến độ triển khai thực địa”, một lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải nhấn mạnh.

Một dự án tuy không sử dụng vốn đầu tư công, nhưng cũng sẽ là một cú hích rất lớn cho thị trường xây dựng phía Nam là Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn I lên tới 109.111,742 tỷ đồng vừa được khởi công vào đầu tuần này.

“Dù mới khởi công một số hạng mục trong dự án thành phần 3, gồm rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, song chúng tôi quyết tâm giải ngân ít nhất 6.000 tỷ đồng ngay năm 2021”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - chủ đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành khẳng định.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Xây dựng 5.000 km đường cao tốc - cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông: (Kỳ I) Dò đá mở đường
“Không có đường cao tốc thì khó có thể giúp địa phương, đất nước làm giàu” trở thành nhận thức quan trọng giúp “mạch máu” đường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư