1. Khuyến nghị mua cổ phiếu TCB

CTCK MB (MBS)

Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (mã TCB) đã chính thức thoát kênh giảm giá được thiết lập kể khi lên sàn (04/06) sau phiên break out ngày 17/9.

Điểm tích cực là thanh khoản liên tục được cải thiện trong những phiên gần đây. Theo sóng Elliot, TCB đã hoàn thành xong sóng tăng (1) và sóng chỉnh (2) và đang bước vào sóng tăng (3) với vùng giá mục tiêu 32.200 đồng/CP.

Về ngắn hạn, TCB sẽ đang gặp cản Fibonacci 127.2% ở ngưỡng 29.670 đồng, đây là vùng kháng cự tương đối mạnh của cổ phiếu. Đây là ngưỡng rất quan trọng, nếu vượt qua ngưỡng này thì kỳ vọng tăng giá trung hạn sẽ trở nên tích cực với sự hỗ trợ của thanh khoản đang tăng lên và giá mục tiêu có thể về vùng giá mục tiêu 32.200 đồng. Nếu TCB chưa thể vượt ngưỡng thành công thì khả năng cổ phiếu này có thể loái lui về hỗ trợ quanh 28.650 đồng tương ứng ngưỡng Fibonacci 100%.

Về trung hạn, TCB sẽ gặp kháng cự ở vùng đỉnh cũ quanh 32.000 đồng. Trường hợp thoái lui theo sóng (4) Elliot về mức 30.000 đồng có thể được tính đến trước khi TCB break out thành công vùng kháng cự này và hoàn thành mục tiêu sóng (5) lên vùng giá 34.000 – 35.000 đồng tương ứng kháng cự Fibonacci 261.8%.

Với những tín hiệu tích cực về các chỉ báo kỹ thuật và các đường trung bình trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng TCB sẽ vượt ngưỡng 29.670 đồng  – 30.000 đồng thành công để xác nhận xu hướng tăng trung hạn.

Với những tín hiệu kỹ thuật tích cực trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị Mua đối với TCB.

2. Khuyến nghị mua cổ phiếu MBS
CTCK MB (MBS)

So với thị trường chung, cổ phiếu CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho thấy sự vượt trội với mức tăng hơn 27% từ đầu năm 2018 (VN-Index có mức tăng nhẹ gần 2%). Sau 5 phiên tăng giá liên tiếp cổ phiếu MBS đã vượt thành công ngưỡng cản quanh 17.800 đồng để xác định xu hướng tăng giá ngắn hạn. Theo sóng Elliot, MBS đã hoàn thành xong sóng tăng (1) và sóng chỉnh (2) và đang bước vào sóng tăng (3) với vùng giá mục tiêu 23.250 đồng/CP.

Về ngắn hạn, MBS sẽ đang gặp cản Fibonacci 50% ở ngưỡng 20.600 đồng, đây là vùng kháng cự tương đối mạnh của cổ phiếu. Đây là ngưỡng rất quan trọng, nếu vượt qua ngưỡng này thì kỳ vọng tăng giá trung hạn sẽ trở nên tích cực với sự hỗ trợ của thanh khoản đang tăng lên và giá mục tiêu có thể về vùng giá mục tiêu 23.250 đồng. Nếu MBS chưa thể vượt ngưỡng thành công thì khả năng cổ phiếu này có thể loái lui về hỗ trợ quanh 18.000–18.500 đồng tương ứng ngưỡng Fibonacci 100%.

Về trung và dài hạn, MBS sẽ gặp kháng cự ở vùng đỉnh cũ quanh 23.000-23.500 đồng. Trường hợp thoái lui theo sóng (4) Elliot về mức 20.600 đồng có thể được tính đến trước khi MBS break out thành công vùng kháng cự này và hoàn thành mục tiêu sóng (5) lên vùng giá 26.000 – 27.000 đồng.

Với những tín hiệu tích cực về các chỉ báo kỹ thuật và các đường trung bình trong ngắn và trung hạn, chúng tôi kỳ vọng MBS sẽ vượt ngưỡng 20.600 đồng thành công để xác nhận xu hướng tăng trung hạn.

 Vì vậy, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị mua và nắm giữ đối với cổ phiếu MBS dựa trên các tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn tiếp tục củng cố xu hướng tăng giá trung hạn.
3. Khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi xin nhắc lại vụ việc ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và chồng Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), bị bắt giữ tháng 12/2016 vì cáo buộc hoạt động vi phạm pháp luật tại ngân hàng Đông Á. Trong tháng tháng 06/2018, sau khi một cựu thành viên HĐQT PNJ bị khởi tố, đã có thêm nhiều tin đồn về những sai phạm tại Ngân hàng Đông Á có liên quan đến PNJ, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Các tin đồn bao gồm (1) Chủ tịch HĐQT của PNJ liên quan đến việc tăng vốn ảo tại Ngân hàng Đông Á và (2) PNJ liên quan đến một số giao dịch vàng trái phép với các đối tác nước ngoài thông qua ngân hàng Đông Á.

Trong tuần qua, truyền thông đã đưa tin về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra - trực thuộc Bộ Công An công bố bản kết luận điều tra bổ sung, qua đó phủ nhận các tin đồn nói trên về PNJ.

Theo đó, ông Bình đã sử dụng tên của vợ (bà Dung, chủ tịch HĐQT PNJ) để mua cổ phiếu sơ cấp mà không góp vốn thật tại Ngân hàng Đông Á. Bà Dung không biết chồng mình sử dụng nguồn tiền nào để mua và không liên quan đến việc ký chứng từ nộp tiền khống để chồng mình mua cổ phần. Do vậy không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Dung.

Bên cạnh đó, việc PNJ kinh doanh vàng tài khoản với đối tác nước ngoài thông qua Ngân hàng Đông Á từ 2008 đến 2010 là phù hợp với Quyết định số 03/2006, Quyết định số 11/2007 và Nghị định số 01/2010 do NHNN ban hành, nên không vi phạm pháp luật.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị mua dành cho PNJ với giá mục tiêu 125.000 VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 28%, bao gồm lợi suất cổ tức 2%.

4. Khuyến nghị bán cổ phiếu HSG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì giá mục tiêu cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là 9.200 đồng/CP với triển vọng tăng trưởng khiêm tốn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong nước và chi phí HRC (thép cuộn cán nóng) đầu vào gia tăng.

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của HSG thành BÁN khi chúng tôi thận trọng kỳ vọng HSG sẽ không trả cổ tức tiền mặt trong tương lai, khi tiền mặt sẽ được sử dụng để giảm nợ và tài trợ vốn lưu động.

Kết quả kinh doanh 9 tháng 2018 tiếp tục cho thấy chênh lệch giữa tỷ lệ tăng trưởng trong doanh thu thuần (25,9 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số (512 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ) khi tăng trưởng sản lượng bán bị ảnh hưởng bởi giá HRC đầu vào cao hơn.

Cạnh tranh gia tăng giữa các nhà sản xuất trong nước, vốn đã trải qua giai đoạn tăng trưởng công suất đáng kể trong giai đoạn 2016-2018, cùng với biên lợi nhuận giảm từ chi phí đầu vào gia tăng, khiến chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 545 tỷ đồng (giảm 59%) cho năm 2018, và 687 tỷ đồng (tăng trưởng26%) cho năm 2019.

Tình hình tài chính gặp khó khăn với tỷ lệ đòn bẩy cao và dòng tiền hoạt động thấp sẽ cần một thời gian dài để cải thiện kể cả khi HSG đã bắt đầu cắt giảm chi phí SG&A (bán hàng, hành chính & quản lý).

5. Khuyến nghị mua cổ phiếu MSN

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi đưa ra báo cáo cập nhật dành cho CTCP Tập đoàn MaSan (MSN) với khuyến nghị MUA và tỷ lệ tăng 21%. PEG 3 năm hấp dẫn ở mức 0,9.

Giá mục tiêu của chúng tôi không đổi khi việc tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty con chế biến sâu sản phẩm vonfram gần đây của Masan, vốn mang lại giá trị cộng thêm cho công ty, đã bù đắp tác động pha loãng nhẹ của đợt bán cổ phiếu quỹ.

Masan công bố SK Group (Hàn Quốc) sẽ mua toàn bộ 109,9 triệu cổ phiếu quỹ của công ty, tương đương 9,5% cổ phần, với giá 100.000 đồng/cổ phiếu, qua đó mang lại cho Masan nguồn vốn mới khoảng 470 triệu USD.

Trong báo cáo này, chúng tôi giả định Masan sẽ sử dụng số tiền trên để giảm nợ vay. Giá trị tăng thêm tiềm năng trong tương lai (upside) sẽ phụ thuộc vào việc Masan mở rộng kinh doanh thành công, bao gồm thông qua các thương vụ M&A chiến lược, dưới sự hợp tác của SK.

Theo mô hình dự báo của chúng tôi, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của MSN sẽ giảm mạnh từ 132% năm 2017 xuống chỉ còn 6% năm 2020.

Việc giảm nợ vay, cùng với lợi ích cổ đông thiểu số tại MSR giảm, giúp dự phóng EPS cho năm 2019 và 2020 của chúng tôi tăng lần lượt 14% và 8% so với dự phóng trước đây. Tình hình kinh doanh của Masan nhìn chung khả quan với mảng thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ phục hồi nhờ giá thịt heo cao, qua đó củng cố triển vọng trung hạn của công ty.