1. HVN sẽ cần thêm thời gian tích lũy trên vùng 36.000 đồng
(CTCK BIDV - BSC)

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Tích lũy ngắn và trung hạn.

- Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0

- Chỉ báo RSI: Phân kỳ dương

- Khối lượng giao dịch tăng 170% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: HVN có một tuần tích lũy trong biên độ hẹp về giá và khối lượng đã tăng mạnh bứt phá với khối lượng lớn.

Phiên hôm nay tiếp tục là một phiên tăng điểm tốt tuy nhiên đối với cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn gần tương đương với phiên bứt phá, tỷ lệ vượt qua các ngưỡng cản phía trên không cao.

Ngoài ra, vùng phía trên có thời gian dài cùng biến động mạnh thể hiện đây là vùng kháng cự mạnh.

HVN sẽ cần thêm thời gian tích lũy trên vùng 36.000 đồng để các đường MA ổn định lại và xác nhận xu hướng tăng trong thời gian tới.

2. Khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho SCS

(CTCK Bản Việt - VCSC)

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) vừa công bố thông tin niêm yết trên sàn HOSE và xác nhận ngày niêm yết là 03/08 và giá niêm yết là 174.100 đồng/cổ phiếu, cũng là mức giá trung bình đóng cửa 20 phiên giao dịch cuối cùng trên sàn UPCoM. SCS đã hủy niêm yết trên sàn UPCoM vào ngày 26/07.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho SCS với giá mục tiêu 185.100 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 13%, đã bao gồm lợi suất cổ tức 3,3%.

3. Giữ khuyến nghị MUA dành cho FPT
(CTCK Bản Việt - VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho CTCP FPT (FPT) với tổng mức sinh lời 51%. FPT đang giao dịch ở định giá rất hấp dẫn với PEG thường xuyên 3 năm chỉ 0,5 lần và lợi suất cổ tức 4,6%.

LNST 6 tháng đầu năm 2018 tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các mảng trụ cột: Xuất khẩu Phần mềm, Viễn thông và Giáo dục.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng tốc, qua đó tăng trưởng LNST thường xuyên cả năm sẽ đạt 26%, phần lớn nhờ giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích Việt Nam.

Chúng tôi dự báo LNST thường xuyên của FPT giai đoạn 2018-2022 sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm là 21% nhờ 3 mảng nói trên, dự kiến sẽ chiếm đến 80% LNST năm 2022, từ 62% năm 2017.

Yếu tố hỗ trợ: tiếp tục thực hiện thành công các thương vụ M&A trong mảng Xuất khẩu Phần mềm, lợi nhuận tiềm năng nếu thoái vốn cổ phần thiểu số tại Ngân hàng Tiên Phong (TPB).

Rủi ro: Số lượng kỹ sư phần mềm không đáp ứng đủ lượng công việc, hợp tác với Intellinet không hiệu quả, cạnh tranh gay gắt trên thị trường viễn thông, từ cả các đối thủ băng thông cố định lẫn băng thông rộng di động.

4. Lặp lại khuyến nghị MUA cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 34.713 đồng
(CTCK ACB - ACBS)

Do NLG có số dư tiền mặt lên đến 2.600 tỷ đồng, việc chuyển nhượng dự án Waterpoint tăng từ 52ha lên 165ha và duy trì chiến lược tập trung vào phân khúc vừa túi tiền, nên chúng tôi lặp lại khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 34.713 đồng/cổ phiếu, sử dụng phương pháp định giá RNAW.

5. Duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu QNS
(CTCK MB - MBS)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi, với giá mục tiêu 53.200 đồng/cổ phiếu (tương đương mới mức P/E forward năm 2018 khoảng 15 lần), tăng 33,67% so với mức giá 39.800 đồng ngày 30/07/2018.

Doanh thu thuần và LNST năm 2018 dự kiến đạt tương ứng 7.296 tỷ đồng và 1.058 tỷ đồng.

Việc tăng công suất và đa dạng hóa danh mục sản phẩm sữa đậu nành cùng với việc tăng nguồn thu từ phát điện sinh khối sẽ là tiền đề để doanh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh và nâng cao vị thế của mình trên thị trường, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và biến động khó khăn từ thị trường đường.