CTCK MB (MBS)
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) là công ty dẫn đầu thị trường thép tại Việt Nam, với sức khỏe tài chính và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ. HPG có giá thành sản xuất thấp hơn hẳn so với các đối thủ trong nước và nhiều DN nước ngoài, vì vậy ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn của ngành, HPG sẽ có cơ hội lớn để giành thị phần.
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của các dự án mới, đặc biệt là dự án Khu liên hợp thép Dung Quất, sẽ nâng cao đáng kể năng lực sản xuất và doanh thu của công ty - gấp đôi công suất của thép dài và sản phẩm HRC mới giúp HPG tấn công vào thị trường tôn mạ.
Năm 2019, HPG tập trung vào mục tiêu thị phần thay vì tỷ suất lợi nhuận, tăng trưởng về sản lượng bán hàng và thị phần sẽ mở rộng đáng kể - thị phần sẽ tăng từ 23% hiện tại lên hơn 30%. Vì vậy triển vọng dài hạn của HPG là rất tích cực, do ngành thép Việt Nam còn nhiều tiềm năng.
Rủi ro chung đối với thép Việt Nam: (1) tính chất biến động chu kỳ và ngắn hạn của giá thép và giá quặng sắt; (2) rủi ro từ thặng dư cung toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc; và (3) cạnh tranh trong nước do các DN gia tăng năng lực sản xuất.
Bên cạnh đó, các thị trường mới của HPG: thép xây dựng tại miền Nam, HRC và tôn mạ sẽ phải đối mặt với mức cạnh tranh cao và là thách thức trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận trong những năm đầu hoạt động.
Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 1 năm là 32.500 đồng (tăng 34%) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, với WACC là 14,6% (Re 18,5% và Rd 10%).
2. Khuyến nghị mua theo dõi cổ phiếu HSG
CTCK MB (MBS)
Theo ĐHĐCĐ ngày 14/01/2019, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đặt kế hoạch 2019 doanh thu đạt 31.500 tỷ đồng (giảm 9%) và lợi nhuận sau thuế đạt 500 tỷ đồng (tăng trưởng 22%) so với năm tài chính 2018 (tổng sản lượng thành phẩm tăng khoảng 9%).
Kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2019 là khá tham vọng, trong tình hình cạnh tranh trong ngành tăng gay gắt (các doanh nghiệp đều tăng công suất và sự tham gia của HPG) và hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn hơn với xu hướng bảo hộ gia tăng trên thế giới. Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của HSG trong năm 2019 ở mức ngang năm 2018 hoặc thấp hơn.
Luận điểm đầu tư: HSG là công ty dẫn đầu thị trường tôn mạ tại Việt Nam, với doanh số bán hàng trong nước tăng trưởng trong vài năm qua. HSG phát triển kênh phân phối riêng nhằm tối đa hóa doanh số bán hàng trong nước và trực tiếp kiểm soát giá bán tới người dùng cuối.
Bên cạnh đó, thị trường thép tại Việt Nam có triển vọng dài hạn tốt, với thị trường thép mạ kẽm dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hai con số. HSG cũng theo đó tăng trưởng về năng lực sản xuất, trong các năm tới công suất tăng khoảng 500 – 1 triệu tấn / năm.
Giá cổ phiếu đã giảm khá mạnh: hiện tại HSG đang giao dịch với tỷ lệ P/B khoảng 0,6 lần và tỷ lệ P/E khoảng 7 lần.
Rủi ro chính, cụ thể rủi ro chung đối với thép Việt Nam, đó là (1) tính chất chu kỳ của giá cả hàng hóa thép; (2) áp lực từ thặng dư cung toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc; và (3) cạnh tranh gia tăng tại địa phương do các đối thủ cạnh tranh tăng năng lực.
Ngoài ra, một số rủi ro khác như rủi ro quản trị doanh nghiệp do công ty có quy mô không lớn, sức khỏe tài chính không ổn định và giao dịch nhiều với các bên liên quan. Tỷ lệ nợ / vốn chủ sở hữu trên 3 lần, dòng tiền chịu rủi ro do: Chi phí cho việc duy trì hệ thống bán hàng, phụ thuộc vào giá hàng hóa HRC nhập khẩu.
Rủi ro dài hạn trọng yếu từ việc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tham gia cạnh tranh tại thị trường tôn mạ trong nước. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị cần theo dõi thêm cổ phiếu HSG.
3. Khuyến nghị mua theo dõi cổ phiếu NKG
CTCK MB (MBS)
Quý 1/2019, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận doanh thu đạt 2.956 tỷ đồng (giảm 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế lỗ 102 tỷ đồng, là quý thứ 2 liên tiếp NKG ghi nhận lỗ.
Kế hoạch 2019, công ty chủ trương chuyển nhượng hàng loạt dự án và tái cấu trúc sản xuất, bán vốn góp tại dự án Nam Kim Corea, Khu công nghiệp Visip II – A, một số nhà máy sản xuất mạ. Đặc biệt, NKG sẽ bán Nhà máy Nam Kim 1 – công suất 500.000 tấn/năm.
Với việc chuyển nhượng các dự án, NKG sẽ thu về khoảng 850 tỷ đồng, dự kiến sử dụng nhằm giảm dư nợ trung hạn. Kế hoạch 2019, doanh thu đạt 15.500 tỷ (tăng 5%), lợi nhuận sau thuế 295 tỷ đồng chủ yếu từ bán dự án. Với triển vọng mảng kinh doanh cốt lõi không sáng, chúng tôi đánh giá khó khăn với NKG còn rất nhiều.
Luận điểm đầu tư: NKG là công ty đứng thứ 2 thị trường tôn mạ tại Việt Nam, với doanh số bán hàng trong nước tăng trưởng trong vài năm qua.
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu đã giảm khá mạnh: hiện tại NKG đang giao dịch với tỷ lệ P/B khoảng 0,4 lần.
Rủi ro chính: Rủi ro chung đối với thép Việt Nam: (1) tính chất chu kỳ của giá cả hàng hóa thép; (2) áp lực từ thặng dư cung toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc; và (3) cạnh tranh gia tăng tại địa phương do các đối thủ cạnh tranh tăng năng lực.
Thêm vào đó, rủi ro quản trị doanh nghiệp do công ty có quy mô không lớn, sức khỏe tài chính không ổn định và giao dịch nhiều với các bên liên quan.
Ngoài ra, thị phần suy giảm trong thời gian gần đây, quý III/2018 mất vị trí thứ 2 về thị phần cho Tôn Đông Á – một doanh nghiệp chưa niêm yết. Tỷ lệ nợ / vốn chủ sở hữu trên 3 lần, dòng tiền chịu rủi ro do phụ thuộc vào giá hàng hóa HRC nhập khẩu.
Rủi ro dài hạn trọng yếu từ việc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tham gia cạnh tranh tại thị trường tôn mạ trong nước. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị cần theo dõi thêm đối với cổ phiếu NKG.
4. Khuyến nghị nắm giữ VRE với giá mục tiêu 45.200 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2019 và 2020 của Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã VRE) dự kiến lần lượt 18,2% và 26,5%. Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2019 và 2020 lần lượt là 9.125 tỷ đồng và 11.154 tỷ đồng (tăng 22,2% so với năm trước).
Chúng tôi kỳ vọng rằng lợi nhuận ròng trong năm 2019 và 2020 sẽ lần lượt đạt 2.841 tỷ đồng (tăng 18,2% so với năm trước) và 3.594 tỷ đồng (tăng trưởng 26,5%) nhờ các trung tâm mới ra mắt vào năm 2018 và 2019, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê cao hơn.
Kế hoạch mở rộng trung tâm thương mại mới cho thuê rất hấp hẫn. Chúng tôi ước tính VRE sẽ mở 13, 27 và 27 trung tâm vào năm 2019, 2020 và 2021. Diện tích sàn cho thuê được dự báo sẽ đạt lần lượt 1,6 triệu, 2,1 triệu và 2,7 triệu m2 vào năm 2019, 2020 và 2021. Chúng tôi dự báo các trung tâm mới sẽ giúp lợi nhuận sau thuế của năm 2021 và 2022 đạt 4.549 tỷ đồng (tăng trưởng 26,5%) và 5.895 tỷ đồng (tăng trưởng 29,6%).
Hệ sinh thái Vingroup tạo nền tảng tỷ lệ lấp đầy cao và tăng trưởng dài hạn cho VRE. Các trung tâm thương mại của VRE chủ yếu nằm trên khu vực đông đúc của các dự án Vinhomes để người thuê sẵn sàng thuê để tiếp cận cư dân có thu nhập cao để cải thiện doanh số. Bên cạnh đó, Vinroup hiện đang sở hữu quỹ đất lớn khoảng 17.600 ha để hỗ trợ VRE tăng diện tích sàn cho thuê và đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn.
Giá mục tiêu 12 tháng của chúng tôi là 45.200 đồng / cổ phiếu dựa trên phương pháp vốn hóa. Khuyến nghị nắm giữ đến từ việc định giá, tăng trưởng thu nhập, các trung tâm thương mại mới trong vài năm tới. VRE hiện đang giao dịch ở mức P/E 2019 là 28.7 lần, tương đương với các công ty cho thuê bán lẻ hàng đầu ở Thái Lan và Philippines.
5. Khuyến nghị nắm giữ NLG với giá mục tiêu 33.500 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Kế hoạch doanh thu hợp nhất và lợi nhuận ròng của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) lần lượt là 3.485 tỷ đồng và 965 tỷ đồng (tăng 0,14% và 25% so với năm 2018).
Chúng tôi tiến hành điều chỉnh lại dự báo doanh thu và thu nhập của NLG trong năm 2019. Dự báo lợi nhuận ròng của NLG trong năm 2019 là 1.128 tỷ đồng (tăng 48%), cao hơn 26,5% so với dự báo trước đây của chúng tôi vì chúng tôi tin rằng công ty có thể ghi nhận lợi nhuận tốt hơn từ các công ty liên kết.
Lợi nhuận lớn được ghi nhận từ các công ty liên kết. Kế hoạch doanh thu năm 2019 của công ty từ các công ty liên kết khoảng 4.345 tỷ đồng (cao hơn 52,5% so với dự báo trước đó của chúng tôi) do doanh thu cao hơn dự kiến từ dự án Mizuki và các lô đất nền trong dự án WaterPoint Giai đoạn 1 trong năm 2019. Chúng tôi cho rằng NLG sẽ ghi nhận 571 tỷ đồng lợi nhuận từ các công ty liên kết trong năm 2019.
Phát triển quỹ đất mới hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Chiến lược của công ty là tập trung vào phát triển các dự án ở các thành phố như Đồng Nai, Cần Thơ và Hải Phòng với tốc độ tăng trưởng cơ sở hạ tầng nhanh, có triển vọng tốt. Hiện tại, 36,7% tổng quỹ đất của công ty được đặt tại các tỉnh này, điều này có thể đảm bảo cho sự tăng trưởng của NLG trong dài hạn.
Giá mục tiêu 12 tháng của chúng tôi là 33.500 đồng / cổ phiếu dựa trên phương pháp RNAV. Cổ phiếu của NLG hiện đang giao dịch với mức chiết khấu 8,8% cho RNAV. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị nắm giữ.
6. Khuyến nghị mua HDG với giá mục tiêu 39.600 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Kết quả kinh doanh 2019-2020 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) đạt mức kỷ lục. Trong 2 năm 2019-2020, HDG sẽ bàn giao dự án Centrosa với doanh thu trên 7.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế hạch toán trên 1,800 tỷ.
Mảng điện cũng có sự tăng trưởng khi nhà máy thủy điện Nhạn Hạc bắt đầu hoạt động từ quý III/2018, nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 hoạt động từ tháng 6/2019. Theo đó lợi nhuận sau thuế 2019-2020 dự kiến tăng trưởng lần lượt 22% và 55%.
Quỹ dự án bất động sản gối đầu còn khá dồi dào: các dự án nằm tại nội thành Hà Nội (Phan Đình Giót, Dịch Vọng, An Khánh); HCM (quận 8), Nha Trang (đường Trần Phú), Viêng Chăn (Lào).
Mảng thủy điện hứa hẹn đảm bảo lợi nhuận ổn định trong dài hạn với các dự án đang hoạt động Za Hưng, Nậm Pông, Nhạn Hạc, Hồng Phong 4 và các dự án đang xây dựng như Sông Tranh 4, Dak Mi 2, Tiến Thành, Ninh Sim.
Kế hoạch phát hành 1.500 tỷ trái phiếu kèm quyền chuyển đổi cổ phiếu giá 55.000 VND/cp. mua
Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HDG, với giá mục tiêu 12 tháng là 39.600 đồng/CP, dựa trên phương pháp NAV.
7. Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho VEA
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của Tổng CT Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) từ khả quan thành phù hợp thị trường sau khi giá cổ phiếu đã tăng 26% trong 2 tháng qua.
Trong báo cáo này, chúng tôi nâng P/E mục tiêu cho lợi nhuận từ các công ty liên kết của VEA từ 10 lần lên 11 lần, tương ứng với trung bình 5 năm nhóm các công ty cùng ngành trong khi duy trì chiết khấu định giá 25%, chủ yếu do việc không nắm cổ phần kiểm soát tại các công ty liên kết sản xuất ôtô.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 3,1% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng 2019 nhằm phản ánh khoản truy thu thuế tiềm năng 246 tỷ đồng, liên quan đến nhập khẩu các linh kiện xe tải của VEA trong giai đoạn 2016 và 2017. Chúng tôi giữ các dự báo khác không đổi.
Dự báo tăng trưởng EPS 2019/2020/2021 đạt lần lượt 9%/15%/10% đến từ dự phóng tăng trưởng lợi nhuận khoảng 18%/năm cho Toyota và Ford và khoảng 10%/năm cho Honda.
Chúng tôi dự phóng cổ tức tiền mặt của VEA sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 17% trong giai đoạn 2018-2021 khi cả các công ty liên kết của VEA và VEA có kế hoạc duy trì tỷ lệ chi trả 100%, theo ban lãnh đạo của VEA.
Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: chi tiêu cho hàng tiêu dùng không thiết yếu chững lại; kế hoạch thâm nhập thị trường chủ động của VinFast (Vingroup).
8. Khuyến nghị khả quan dành cho PVS với giá muc tiêu 25.700 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Ngày 24/06/2019, lễ ký kết đã diễn ra giữa Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) và liên danh giữa Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) và Samsung C&T cho hợp đồng Tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, thi công xây dựng và chạy thử dự án) cho kho chứa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải. GAS hiện là chủ đầu tư của dự án này. Dự án này có tổng vốn đầu tư trị giá 286 triệu USD.
Chúng tôi ước tính giá trị hợp đồng EPC 100 triệu USD cho PVS và dự báo hợp đồng này sẽ đóng góp 5%/năm cho lợi nhuận ròng của PVS giai đoạn 2020-2022. Đây là một tín hiệu tích cực khi PVS dần thực hiện các dự án Cơ khí Dầu khí (M&C) cho các dự án dầu khí qua hình thức liên danh tổng thầu với một công ty nước ngoài, thay vì thông qua hình thức là nhà thầu phụ, mang lại biên lợi nhuận cao hơn cho mảng M&C của PVS.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan dành cho PVS với giá muc tiêu 25.700 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 13,8% bao gồm lợi suất cổ tức 3%). PVS hiện đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng 2019 đạt 4,5 lần, tỏ ra hấp dẫn so với P/E trung vị các công ty cùng ngành là 9,3 lần.
9. TNG sẽ tiếp tục xu hướng bứt phá ngắn hạn
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) bứt phá vượt đỉnh tháng 3 với vùng giá vượt kênh Bollinger Band trên.
Chỉ báo RSI nằm trong vùng quá mua ủng hộ trạng thái bứt phá ngắn hạn. Chỉ báo MACD tiếp tục cho thấy vùng giá của TNG sẽ có khả tăng tiếp tục tích lũy và tăng ở các phiên tiếp theo.
Vận động của các đường MA duy trì xu hướng tăng trừ MA 20 và MA 50 đi ngang cùng thanh khoản tăng mạnh.
Do vậy, TNG sẽ tiếp tục xu hướng bứt phá ngắn hạn và tiếp tục xu hướng tăng trong trung hạn. Ngưỡng kháng cự của TNG là 21.47, ngưỡng hỗ trợ tại 19.18 và 18.76.