Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
ACB báo lãi 9.000 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát mức 0,76% trong nửa đầu năm
T.V - 28/07/2022 03:36
 
Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, với lũy kế lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Nợ xấu kiểm soát mức 0,76%.

Cụ thể, trong quý II/2022, ACB ghi nhận hơn 6.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết mảng kinh doanh quan trọng của ACB đều tăng trưởng dương.

Với hoạt động cho vay, ACB thu về hơn 5.600 tỷ thu nhập lãi thuần trong quý này, tăng 12% so với cùng kỳ. Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 12% trong quý, ghi nhận hơn 993 tỷ đồng. 

Một phần, nhờ thu nhập từ hoạt động bancassurance tăng 16%, thanh toán quốc tế tăng 30% và dịch vụ thẻ tăng 33% so với cùng kỳ. Còn lãi từ hoạt động khác của ACB cũng ghi nhận trong kỳ đạt 356 tỷ đồng trong quý II/2022, tăng mạnh so với mức lỗ 21 tỷ đồng của năm trước.

Trong khi đó, ở các mảng kinh doanh ngoài tín dụng còn lại như ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, ACB ghi nhận tăng trưởng âm. Thậm chí, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong quý vừa qua còn khiến ngân hàng phải gánh lỗ hơn 200 tỷ đồng, do thị trường chứng khoán đi xuống trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của ACB kỳ này diễn ra ở chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Quý II/2022, ACB không những không phải trích lập dự phòng mà còn được hoàn nhập hơn 267 tỷ đồng nhờ xử lý xong các khoản nợ xấu tồn đọng từ trước.

Trong khi cùng kỳ trích dự phòng hơn 1.386 tỷ đồng. Kết quả, Ngân hàng ACB báo lãi trước thuế hơn 4.914 tỷ đồng, tăng 51% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB được hoàn nhập hơn 270 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, chủ yếu nhờ hoàn nhập từ các khách hàng được cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Dư nợ tái cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid giảm còn 13.000 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm nay và chỉ chiếm 3% tổng dư nợ của Ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2022.

Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với kế hoạch 15.018 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm nay, ACB đã thực hiện được được 60% sau nửa năm.

Với kết quả đạt được trên, ACB duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao, đạt 25,8%, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động trên thị trường

Đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của ACB tăng 3% so với đầu năm nay lên mức gần 543.737 tỷ đồng. Trong đó, hai chỉ tiêu quan trọng nhất của ngân hàng là tiền gửi khách hàng đạt trên 388.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của ACB giảm về 25,0% trong nửa đầu năm, gần tương đương cuối năm 2021 theo xu hướng chung của thị trường khi dòng tiền của khách hàng dịch chuyển sang các kênh đầu tư chứng khoán và rút về phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng khi các ngân hàng hầu hết đều trong tình trạng chạm hạn mức tín dụng NHNN cấp.

Còn cho vay khách hàng đạt gần 395.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,2% và 9,3% so với đầu năm. ACB tiếp tục dẫn đầu nhóm các ngân hàng thương mại về quy mô tín dụng mảng bán lẻ.

Điểm cộng của ACB trong nửa đầu năm là tiếp tục kiểm soát nợ xấu ở mức thấp. Tỷ lệ nợ xấu liên tục duy trì thấp, chỉ có 0,76%, là những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trên thị trường. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục ở mức cao 185%.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, giá cổ phiếu ACB đạt mức 24.20 đồng/cổ phiếu. 

Ông Dominic Scriven rời vị trí thành viên Hội đồng quản trị ACB
Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Timothy Charles Scriven sẽ không còn là thành viên HĐQT ACB nhiệm kỳ 2018-203 kể từ ngày 30/6.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư