Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Accor và IHG sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Hồng Nhung - 08/01/2023 15:08
 
Đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành khách sạn tại Việt Nam, đại diện của hai tập đoàn khách sạn hàng đầu là Accor và IHG cho biết, họ sẽ tăng gấp đôi số lượng khách sạn mang thương hiệu quốc tế tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Với kế hoạch tăng thêm 41 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới, Accor sẽ đạt mức tăng trưởng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm tới.
Với kế hoạch tăng thêm 41 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới, Accor sẽ đạt mức tăng trưởng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm tới.

Accor sẽ mở thêm 41 khách sạn và khu nghỉ dưỡng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Xavier    Cappelut, Phó tổng giám đốc vận hành của Accor Việt Nam tiết lộ: “Chúng tôi dự kiến đón thêm 41 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong chuỗi của Accor tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới”.

Lý giải quyết định mở rộng này, ông Xavier Cappelut cho biết, thị trường khách sạn đón lượng khách nội địa rất tốt từ nửa đầu năm do các quy định về giãn cách được nới lỏng và cao điểm mùa nghỉ hè. Nhu cầu gia tăng trên cả phân khúc nghỉ dưỡng và khách doanh nhân.

Đối với phân khúc khách quốc tế, luồng dịch chuyển đến chủ yếu từ các thị trường gần trong khu vực và Australia. Singapore mang đến một lượng khách đáng chú ý từ khoảng giữa năm. Thị trường Mỹ và Bắc Mỹ cũng khá mạnh ở phân khúc khách doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp đã hoạt động sôi động trở lại, nên cả TP.HCM và Hà Nội đều bắt đầu đón khách doanh nhân tăng kể từ tháng 8/2022. Nhu cầu họp, hội thảo, khen thưởng và tổ chức sự kiện (MICE) đã khởi động lại từ đầu quý IV/2022, tuy với số lượng không nhiều như trước đại dịch, nhưng dần có xu hướng gia tăng”, ông Xavier Cappelut cho biết.

Theo ông Xavier Cappelut, một trong những chiến lược quan trọng nhất của Accor Việt Nam là tập trung vào phân khúc khách nội địa. Tiếp theo đó, sẽ đẩy mạnh giao dịch trực tiếp không qua trung gian bằng các chương trình khuyến mãi có trọng tâm trong năm tới.

"Accor sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình khách hàng thân thiết toàn cầu, cũng như chương trình tổ chức hội nghị của chúng tôi. Ứng dụng di động, trang web và trang Facebook fanpage của chúng tôi sẽ có sẵn ngôn ngữ tiếng Việt để giúp khách quốc tế biết đến Việt Nam và mở rộng mạng lưới khách tại Việt Nam”, ông Xavier Cappelut nói.

Dự báo về xu hướng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023, ông Xavier Cappelut cho biết, thị trường khách xa từ Bắc và Nam Mỹ có thể sẽ gia tăng. “Chúng tôi cũng mong chờ sự gia tăng đến từ thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc để đạt mức hồi phục tương đương trước đại dịch vào giữa năm 2023. Thị trường Trung Quốc có thể sẽ sớm hồi phục. Thị trường khách Nhật Bản sẽ bắt đầu đón du khách đến nghỉ dưỡng từ khoảng giữa năm 2023. Về du lịch MICE, chúng tôi cho rằng, phân khúc này sẽ tăng trưởng mỗi tháng và trở nên sôi động tại Việt Nam từ tháng 4/2023”.

Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992, Accor đang sở hữu 40 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với nhiều thương hiệu, gồm Sofitel, MGallery, Pullman, Novotel, Mövenpick, Mercure, Ibis. Như vậy, với kế hoạch tăng thêm 41 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới, Accor sẽ đạt mức tăng trưởng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm tới. Đây là con số khá ấn tượng sau đại dịch.

IHG sẽ mở thêm 22 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới

Có mặt từ năm 2007, chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng IHG hiện bao gồm 15 khách sạn và khu nghỉ dưỡng. IHG sở hữu các thương hiệu như InterContinental, Crowne Plaza và Holiday Inn.

Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc điều hành của IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc cho biết, Tập đoàn dự kiến đón thêm 22 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam trong hệ thống, nâng tổng số lên 37 thành viên trong 5 năm tới.

“Việt Nam là một thị trường quan trọng của IHG và chúng tôi đầu tư dài hạn vào đây. Chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái vững chắc, bao gồm các nhân sự dày dặn kinh nghiệm ở trong nước và sự hợp tác bền vững để hiện thực hóa điều này”, ông Rajit Sukumaran nói.

Theo ông Rajit Sukumaran, tỷ lệ lấp kín phòng tại Việt Nam đang gia tăng đều đặn. Ông cũng cho rằng, khách nội địa đang là động lực chính của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong chuỗi IHG.

“Thời gian lưu trú trung bình là 3 đêm. Ở các điểm đến như Đà Nẵng và Phú Quốc, khách thường đi theo nhóm gia đình đa thế hệ hoặc một vài gia đình đi cùng với nhau, trong khi tại Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi thấy khách doanh nhân đã quay trở lại. Ngoài ra, còn có các chương trình tiệc cưới đặc biệt”, Giám đốc điều hành của IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc nói.

Theo ông Rajit Sukumaran, một trở ngại cho sự phục hồi của ngành khách sạn là số lượng chuyến bay sau đại dịch chưa trở lại mức như trước đây. Các chuyến bay thẳng có tác dụng thúc đẩy khách nghỉ dưỡng và khách MICE đến từ các nước ASEAN, Ấn Độ, thị trường châu Âu, Mỹ và Australia. IHG đã làm việc chặt chẽ với Tổng cục Du lịch Việt Nam và các hiệp hội thương mại, Vietnam Airlines để giải quyết vấn đề này, cũng như hợp lực để cùng thúc đẩy thị trường.

Dự kiến trong năm 2023, IHG sẽ ra mắt thêm các thương hiệu mới như voco Hotels, Vignette Collection, Hotel Indigo và Holiday Inn Express tại Việt Nam.

IHG có mối quan hệ đối tác truyền thống với các chủ đầu tư nổi bật như BIM Group và Sun Hospitality. Tập đoàn này cho biết đã bắt đầu hợp tác thêm với Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Cồn Bắp của BCG Land.

Thu hút FDI năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD
Tính đến 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư