Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
ADB: Tiến độ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu còn hạn chế
Thùy Liên - 26/09/2017 12:03
 
Sáng nay (26/9/2017), ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố Báo cáo cập nhật kình hình Kinh tế Việt Nam. Theo ADB, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng, cần nới lỏng những quy định kiểm soát quá chặt hiện nay đối với sở hữu nước ngoài.

Dù nhấn mạnh rằng mặc dù nền kinh tế Việt Nam vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức, song ADB cũng cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Theo các chuyên gia của ADB, những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng, vốn đã khá cao, bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng.

Cụ thể, tiến độ đạt được trong tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu (NPL) rất hạn chế. Mặc dù tỉ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3/2017, song tổng nợ xấu – bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC), và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu – ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, mặc dù chính phủ có kế hoạch tiếp tục củng cố hệ thống ngân hàng, song trong sáu tháng đầu năm 2017 không có một trường hợp sát nhập hay mua lại ngân hàng nào được thực hiện. 

Để bảo đảm quản lý tốt những rủi ro này, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay, cũng như tiếp tục đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn theo Hiệp ước Basel II trong vòng 12 – 18 tháng tới, đồng thời, nới lỏng thêm sở hữu nước ngoài.

"Nghị quyết mới đây của Quốc hội đã xác định đúng đắn các biện pháp giải quyết một số rào cản pháp lý đang ngăn trở việc xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xiết chặt quản lý đối với hệ thống ngân hàng, thông qua áp dụng các chuẩn mực Basel II. Để đảm bảo các biện pháp này đạt được hiệu quả, cần nới lỏng những quy định kiểm soát quá chặt hiện nay đối với sở hữu nước ngoài", báo cáo của ADB khuyến nghị.

Về tài chính, ADB cho rằng, dù tiến triển hiện tại của việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là đáng khen ngợi, song điều này cũng làm giảm chi tiêu cho đầu tư cơ bản, và nếu không được cân đối thì có khả năng ảnh hưởng tới hiệu quả tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.

Để những cải cách tài khóa của Việt Nam không ảnh hưởng tới tăng trưởng, các cơ quan chức năng có thể cần tập trung một cách hiệu quả vào việc áp dụng các biện pháp bổ sung để tăng nguồn thu từ thuế và cắt giảm các khoản chi tiêu công không thiết yếu như chi phí hành chính, vốn đang lấn át khoản chi phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% năm nay
Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, song cho rằng việc cải cách cần tăng tốc nếu muốn lên ngưỡng thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư