Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
ADB: Kinh tế Việt Nam 2024 "vừa lạc quan, vừa thận trọng"
Nhung Bùi - 11/04/2024 10:50
 
ADB dự đoán trong năm 2024, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 6% và lạm phát duy trì ổn định ở mốc 4%.

Thông tin được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chia sẻ trong buổi công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á, tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội.

Ảnh: Nhung Bùi.

Nhìn lại năm 2023, ADB đánh giá rằng nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt để duy trì phục hồi tăng trưởng trong năm 2023.

Sang đến năm 2024, đà phục hồi này được dự đoán sẽ duy trì, khi các ngành các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ phục hồi tương đối toàn diện, còn ngành nông nghiệp thì hoạt động ổn định.

Ngoài ra, chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 còn đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực; thặng dư thương mại được duy trì; tiêu dùng trong nước phục hồi và chương trình giải ngân đầu tư công của Chính phủ.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam dự đoán kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Lạm phát duy trì ổn định ở mức 4% trong cả 2 năm.

“Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước với các giải pháp cải thiện cơ cấu trong dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, ông Shantanu Chakraborty đánh giá.

Đồng quan điểm với ông Shantanu Chakraborty, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhận định: “Triển vọng của nền kinh tế vừa lạc quan, vừa thận trọng, nhờ có sự phục hồi tăng trưởng tương đối toàn diện ở các ngành, các chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ. Song nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình khôi phục tăng trưởng chế biến xuất khẩu của Việt Nam”.

Đầu tư công là động lực chính cho tăng trưởng

Theo báo cáo của ADB, một lượng lớn vốn đầu tư công, tương đương 27,3 tỉ USD, đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Cùng với số vốn giải ngân trong năm 2023, khoản đầu tư công bổ sung này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể.

“Đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế, song cần hiện thực hóa các kế hoạch để đầu tàu này phát huy sức mạnh”, ADB nhận định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng 1% trong giải ngân vốn đầu tư công tương ứng với mức tăng 0,058% GDP. Ngoài ra, cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, ADB đánh giá qua các năm, tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công luôn ở luôn ở mức thấp so với kế hoạch, dao động quanh 80% trong năm.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa hiệu quả như các dự đã án được phê duyệt đôi khi chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài. Các dự án đôi khi cần thay đổi thiết kế hoặc ngân sách ngay cả khi được phê duyệt và phân bổ ngân sách, gây ra gián đoạn kéo dài trong quá trình triển khai. Ngoài ra, sự chênh lệch trong phân bổ ngân sách khiến có những nơi bị thiếu hụt ngân sách, làm hạn chế tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp để đẩy nhanh hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Một loạt các nghị quyết và chỉ thị tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giải ngân vốn đầu tư công cũng đã được ban hành.

“Tuy nhiên, để duy trì tiến độ, cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định để có thể thực hiện thành công. Bằng cách chủ động khắc phục những trở ngại này một cách toàn diện trong suốt chu trình dự án, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, ADB đánh giá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư